Cựu sinh viên Trường Quốc tế – gương mặt trẻ tình nguyện chống dịch, truyền cảm hứng sống đẹp


Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa – cựu sinh viên chương trình Nha khoa, liên kết giữa Trường Quốc tế và Trường Đại học Nantes, CH. Pháp, là một trong số những gương mặt trẻ tình nguyện chống dịch, truyền cảm hứng sống đẹp trong năm qua.

Trước tình hình diễn biến dịch COVID-19 phức tạp, trong năm qua, nhiều bạn trẻ đã hăng hái lên đường tham gia chống dịch ở những điểm nóng, tiếp sức tuyến đầu, vận chuyển nhu yếu phẩm, trực chốt kiểm soát dịch…

Trải qua các đợt dịch COVID-19, nhiều bạn trẻ khắp các tỉnh, thành, đặc biệt là sinh viên ngành Y, dược… đã hăng hái lên đường tham gia chống dịch tại các điểm nóng ở Hà Nội, Bắc Giang, Bình Dương, TPHCM,…

Ngoài ra, còn có sức trẻ của những tình nguyện viên tham gia trực chốt kiểm soát dịch, hỗ trợ tuyến đầu, mở siêu thị – gian hàng 0 đồng, ATM gạo, ATM Oxy, ngày đêm vận chuyển oxy cứu chữa người bệnh, vận chuyển nhu yếu phẩm, giúp đỡ người dân vùng phong tỏa, cách ly; hỗ trợ xét nghiệm, tiêm vắc xin…

Mong muốn tham gia góp sức cùng đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu vào công cuộc đẩy lùi dịch bệnh chung, bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa chọn cống hiến ở “vùng đệm” – cung ứng, đảm bảo vận chuyển lương thực, nhu yếu phẩm đến tận tay các hộ dân trong vùng bị phong tỏa để đảm bảo “ai ở đâu ở yên đó”, hạn chế tối đa việc tiếp xúc trong cộng đồng.

Nhiệt huyết và tinh thần xông pha không ngại khó, không ngại khổ của các bạn trẻ trên khắp cả nước hỗ trợ công tác chống dịch trong năm qua thực sự đã truyền cảm hứng và chạm đến trái tim của nhiều người.

Nhận thông báo khu mình đang sống bị phong tỏa lúc 0h đêm ngày 31/7, anh Nguyễn Trung Nghĩa (bác sĩ khoa Phẫu thuật Hàm mặt, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba) không thể đến cơ quan làm việc. Khi thấy tổ cung ứng hàng hóa trong địa bàn có nhiều cô chú đã có tuổi mà công việc này lại cần sức trẻ, không ngần ngại, anh liền đăng ký và dẫn dắt gần 30 bạn tình nguyện viên khác tham gia vào tổ cung ứng hàng hóa cho phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp. Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa là cựu sinh viên chương trình Nha khoa, liên kết giữa Trường Quốc tế và Trường Đại học Nantes, CH. Pháp

.

Hơn 20 tình nguyện viên của tổ cung ứng Cầu Đất đến từ những những ngành nghề khác nhau.

“Công việc tình nguyện bắt đầu từ 8h đến 10h sáng và 14h đến 16h chiều, do vậy 6h mình dậy sớm dọn dẹp nhà cửa, sau đó 7h15 bắt đầu ra chốt cửa khẩu, tập hợp mọi người và phân chia công việc, nhắn nhủ mọi người làm việc an toàn trong khu vực phong toả (mình hướng dẫn các bạn vệ sinh tay, hướng dẫn mặc, tháo đồ bảo hộ, vệ sinh khử khuẩn trước khi ra về…). Hôm nào về muộn nhất là khoảng 18h30 chiều.

Ban đầu mình lên tham gia gửi đồ, nhưng thấy cách xếp hàng hoá có phần lộn xộn, cứ có đồ là chất đầy lên xe, sau đó mình cùng một bạn nữa đi tìm nhà, tìm đồ rất vất vả mà mất rất nhiều thời gian với chuyến xe đó. Do vậy sau khi về chuyến thứ hai, xem xét được địa hình, mình và bạn Trung đã thống nhất cách làm việc (bên phải xe để nhà chẵn, bên trái nhà lẻ), chia theo khoang (khoang 1 là số nhà 2 – 300; khoang 2 là số nhà 4 – 500; khoang 3 là số nhà 6 – 700) để thuận tiện và đỡ tốn thời gian hơn”, anh Nghĩa chia sẻ.

Những chiếc xe đầy ắp hàng hóa, nhu yếu phẩm.

Tình nguyện viên của tổ cung ứng Cầu Đất đến từ những những ngành nghề khác nhau: làm giáo viên, nhân viên văn phòng, bác sĩ, sinh viên, nhà tạo mẫu tóc, và thậm chí có những người ở đây chỉ là nơi tạm trú. Nhưng họ cùng chung một khát khao muốn và được cống hiến sức trẻ cho cộng đồng. Đó chính là điểm chung tạo nên sức mạnh giúp họ thực hiện hàng trăm chuyến vận chuyển hàng hóa cho từng hộ dân tại khu phong tỏa.