Giới thiệu chương trình


I. GIỚI THIỆU VỀ CHƯƠNG TRÌNH

Chương trình học giả của Trường Quốc tế – ĐHQGHN ra đời với mục đích phát huy kinh nghiệm, năng lực, trí tuệ của các học giả nước ngoài, học giả – Việt kiều đang làm việc tại các trường đại học, cơ sở nghiên cứu khoa học uy tín trên thế giới để đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Chương trình đồng thời giúp tăng cường chỉ số hội nhập quốc tế của ĐHQGHN nói chung và Trường Quốc tế nói riêng, tạo động lực, môi trường đào tạo và nghiên cứu quốc tế, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, tiếp nhận chuyển giao công nghệ giảng dạy, nghiên cứu tiên tiến, quản trị đại học của nước ngoài, tăng cường tỷ lệ giảng viên đến từ các trường đại học uy tín nước ngoài giảng dạy tại Trường.

 II. MỤC ĐÍCH
– Chương trình được thành lập với mục đích là phát huy kinh nghiệm, năng lực, trí tuệ của các học giả đang làm việc tại các trường đại học, cơ sở nghiên cứu khoa học uy tín trên thế giới để đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Mục đích này sẽ được thực hiện thông qua ba mục tiêu cụ thể như sau:
– Thu hút và xây dựng mạng lưới học giả có tầm nhìn và trình độ quốc tế, là nguồn nhân lực thúc đẩy chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học tại Trường Quốc tế nói riêng và ĐHQGHN nói chung.
 – Tăng cường kênh ngoại giao học giả, kết nối với các mạng lưới nghiên cứu trong khu vực và trên thế giới khác, hỗ trợ các giảng viên, cán bộ, sinh viên có cơ hội tiếp xúc với nghiên cứu học thuật quốc tế.
– Thúc đẩy chuyển giao công nghệ giảng dạy, nghiên cứu tiên tiến, quản trị đại học của nước ngoài.
III. ĐỊNH HƯỚNG HOẠT ĐỘNG
Chương trình dự kiến sẽ tập trung vào 4 nhóm hoạt động chính sau đây:
1. Hợp tác giảng dạy
Các học giả của Chương trình tham gia giảng dạy toàn bộ thời lượng một học phần hoặc phối hợp giảng dạy cùng giảng viên Trường Quốc tế trong các chương đào tạo triển khai tại Trường. Việc tổ chức giảng dạy được thực hiện với phương châm khuyến khích giảng viên của tham gia cùng soạn bài giảng và giảng dạy, hướng dẫn sinh viên, học viên. Trong quá trình này, sinh viên, học viên và giảng viên Trường Quốc tế sẽ trải nghiệm những phương pháp làm việc, cách tiếp cận mới hiện đang được áp dụng tại các cơ sở đào tạo uy tín ở nước ngoài.
Để phát huy tối đa hiệu quả của hoạt động này, các học giả của Chương trình sẽ được ưu tiên sắp xếp giảng dạy những môn học mới hoặc đòi hỏi cập nhật phương pháp làm việc, kiến thức mới một cách thường xuyên hoặc những học phần mà hiện nay ở Việt Nam còn thiếu nguồn giảng viên có trình độ cao, đáp ứng tốt yêu cầu của học phần và của Chương trình.
2. Hợp tác nghiên cứu khoa học

Chương trình sẽ kết nối các học giả tham gia với các nhóm nghiên cứu của Trường Quốc tế để hợp tác nghiên cứu chung và đồng công bố bài báo đăng trên các tạp chí thuộc danh mục ISI, Scopus có địa chỉ Trường Quốc tế. Hoạt động này sẽ góp phần tăng cường số lượng và chất lượng các nhóm nghiên cứu của Trường. Giảng viên Trường Quốc tế sẽ có cơ hội tiếp cận với những hướng nghiên cứu mới nhất, với những phương pháp và cách tiếp cận hiện đại, tiên tiến và học hỏi thêm kinh nghiệm không chỉ trong nghiên cứu mà còn trong kinh nghiệm công bố bài báo quốc tế. Các học giả cũng sẽ là cầu nối giữa Trường Quốc tế với các dự án nghiên cứu lớn có nguồn tài trợ quốc tế: học giả tham gia Chương trình sẽ là chủ nhiệm đề tài hoặc đồng chủ nhiệm đề tài, Chủ trì là Trường Quốc tế. Chương trình sẽ tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế, seminar chuyên đề, tạo cơ hội cho các học giả tham gia trong chương trình cũng như các học giả, giảng viên, nhà nghiên cứu về các lĩnh vực liên quan chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, tăng cường sự giao lưu, hiểu biết lẫn nhau và cơ hội hợp tác trong giới học giả.

3. Hợp tác chuyển giao công nghệ
Hoạt động chuyển giao công nghệ trong Chương trình được tiến hành thông qua việc mời các học giả hợp tác xây dựng nội dung bài giảng, chương trình đào tạo, ngành đào tạo mới; tư vấn thiết kế phòng thí nghiệm, phòng học công nghệ cao; thực hiện các seminar, chương trình tập huấn cho giảng viên, đặc biệt là các giảng viên trẻ sử dụng công nghệ cao và kỹ thuật hiện đại trong giảng dạy, nghiên cứu; tham gia hướng dẫn hoặc đồng hướng dẫn luận án, luận văn, khóa luận, nghiên cứu khoa học sinh viên.
4. Các hoạt động hợp tác khác
Chương trình cũng hướng tới việc thông qua phát huy nguồn thông tin, mối quan hệ với các học giả quốc tế để xúc tiến trao đổi sinh viên, học viên: tìm cơ hội thực tập/học bổng trao đổi cho sinh viên, học viên Trường Quốc tế và thu hút sinh viên, học viên quốc tế đến học tập ngắn hạn/dài hạn tại Trường.