Chương trình thu hút học giả


I. GIỚI THIỆU VỀ CHƯƠNG TRÌNH

Chương trình học giả của Trường Quốc tế – ĐHQGHN ra đời với mục đích phát huy kinh nghiệm, năng lực, trí tuệ của các học giả nước ngoài, học giả – Việt kiều đang làm việc tại các trường đại học, cơ sở nghiên cứu khoa học uy tín trên thế giới để đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Chương trình đồng thời giúp tăng cường chỉ số hội nhập quốc tế của ĐHQGHN nói chung và Trường Quốc tế nói riêng, tạo động lực, môi trường đào tạo và nghiên cứu quốc tế, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, tiếp nhận chuyển giao công nghệ giảng dạy, nghiên cứu tiên tiến, quản trị đại học của nước ngoài, tăng cường tỷ lệ giảng viên đến từ các trường đại học uy tín nước ngoài giảng dạy tại Trường.

 II. MỤC ĐÍCH
– Chương trình được thành lập với mục đích là phát huy kinh nghiệm, năng lực, trí tuệ của các học giả đang làm việc tại các trường đại học, cơ sở nghiên cứu khoa học uy tín trên thế giới để đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Mục đích này sẽ được thực hiện thông qua ba mục tiêu cụ thể như sau:
– Thu hút và xây dựng mạng lưới học giả có tầm nhìn và trình độ quốc tế, là nguồn nhân lực thúc đẩy chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học tại Trường Quốc tế nói riêng và ĐHQGHN nói chung.
 – Tăng cường kênh ngoại giao học giả, kết nối với các mạng lưới nghiên cứu trong khu vực và trên thế giới khác, hỗ trợ các giảng viên, cán bộ, sinh viên có cơ hội tiếp xúc với nghiên cứu học thuật quốc tế.
– Thúc đẩy chuyển giao công nghệ giảng dạy, nghiên cứu tiên tiến, quản trị đại học của nước ngoài.
III. ĐỊNH HƯỚNG HOẠT ĐỘNG
Chương trình dự kiến sẽ tập trung vào 4 nhóm hoạt động chính sau đây:
1. Hợp tác giảng dạy
Các học giả của Chương trình tham gia giảng dạy toàn bộ thời lượng một học phần hoặc phối hợp giảng dạy cùng giảng viên Trường Quốc tế trong các chương đào tạo triển khai tại Trường. Việc tổ chức giảng dạy được thực hiện với phương châm khuyến khích giảng viên của tham gia cùng soạn bài giảng và giảng dạy, hướng dẫn sinh viên, học viên. Trong quá trình này, sinh viên, học viên và giảng viên Trường Quốc tế sẽ trải nghiệm những phương pháp làm việc, cách tiếp cận mới hiện đang được áp dụng tại các cơ sở đào tạo uy tín ở nước ngoài.
Để phát huy tối đa hiệu quả của hoạt động này, các học giả của Chương trình sẽ được ưu tiên sắp xếp giảng dạy những môn học mới hoặc đòi hỏi cập nhật phương pháp làm việc, kiến thức mới một cách thường xuyên hoặc những học phần mà hiện nay ở Việt Nam còn thiếu nguồn giảng viên có trình độ cao, đáp ứng tốt yêu cầu của học phần và của Chương trình.
2. Hợp tác nghiên cứu khoa học

Chương trình sẽ kết nối các học giả tham gia với các nhóm nghiên cứu của Trường Quốc tế để hợp tác nghiên cứu chung và đồng công bố bài báo đăng trên các tạp chí thuộc danh mục ISI, Scopus có địa chỉ Trường Quốc tế. Hoạt động này sẽ góp phần tăng cường số lượng và chất lượng các nhóm nghiên cứu của Trường. Giảng viên Trường Quốc tế sẽ có cơ hội tiếp cận với những hướng nghiên cứu mới nhất, với những phương pháp và cách tiếp cận hiện đại, tiên tiến và học hỏi thêm kinh nghiệm không chỉ trong nghiên cứu mà còn trong kinh nghiệm công bố bài báo quốc tế. Các học giả cũng sẽ là cầu nối giữa Trường Quốc tế với các dự án nghiên cứu lớn có nguồn tài trợ quốc tế: học giả tham gia Chương trình sẽ là chủ nhiệm đề tài hoặc đồng chủ nhiệm đề tài, Chủ trì là Trường Quốc tế. Chương trình sẽ tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế, seminar chuyên đề, tạo cơ hội cho các học giả tham gia trong chương trình cũng như các học giả, giảng viên, nhà nghiên cứu về các lĩnh vực liên quan chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, tăng cường sự giao lưu, hiểu biết lẫn nhau và cơ hội hợp tác trong giới học giả.

3. Hợp tác chuyển giao công nghệ
Hoạt động chuyển giao công nghệ trong Chương trình được tiến hành thông qua việc mời các học giả hợp tác xây dựng nội dung bài giảng, chương trình đào tạo, ngành đào tạo mới; tư vấn thiết kế phòng thí nghiệm, phòng học công nghệ cao; thực hiện các seminar, chương trình tập huấn cho giảng viên, đặc biệt là các giảng viên trẻ sử dụng công nghệ cao và kỹ thuật hiện đại trong giảng dạy, nghiên cứu; tham gia hướng dẫn hoặc đồng hướng dẫn luận án, luận văn, khóa luận, nghiên cứu khoa học sinh viên.
4. Các hoạt động hợp tác khác
Chương trình cũng hướng tới việc thông qua phát huy nguồn thông tin, mối quan hệ với các học giả quốc tế để xúc tiến trao đổi sinh viên, học viên: tìm cơ hội thực tập/học bổng trao đổi cho sinh viên, học viên Trường Quốc tế và thu hút sinh viên, học viên quốc tế đến học tập ngắn hạn/dài hạn tại Trường.
IV. DANH SÁCH HỌC GIẢ LÀM VIỆC TẠI TRƯỜNG QUỐC TẾ
1. GS.TS. Fumihiko Adachi

Giảng viên Trường Đại học Kinjo Gakuin, Nhật Bản. Ông là chuyên gia trong các lĩnh vực Thương mại quốc tế, Định giá marketing trong nông nghiệp, Phân tích thống kê.

Trích ngang: http://intermasterecon.wix.com/phdeconcmu#!lecturers/c1fny

2. GS.TS. Sabri Boubaker

Giảng viên Khoa Kế toán, Tài chính và Luật, Champagne School of Management Groupe ESC Troyes, Cộng hoà Pháp. GS. Sabri Boubaker đã công bố nhiều bài nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế danh tiếng về lĩnh vực quản trị tài chính, tài chính doanh nghiệp. Năm 2017, GS.TS. Sabri Boubaker, đứng tên Khoa Quốc tế, công bố 2 bài nghiên cứu trên các tạp chí danh tiếng thế giới thuộc hệ thống ISI / SCOPUS.

Trích ngang: https://ideas.repec.org/f/pbo295.html

3. PGS.TS. Tingting (Rachael) Chung

Giảng viên và điều phối viên chương trình Hệ thống thông tin quản lí, Phân tích dữ liệu tại Trường Đại học Chatham, Hoa Kỳ. Các lĩnh vực nghiên cứu của bà liên quan tới các chủ đề như An ninh hành vi, Lừa đảo tài chính và Quản lý tri thức.

Trích ngang: https://www.chatham.edu/mba/facultydetails.cfm?FacultyID=383

4. GS.TS. Sarath Delpachitra

Giảng viên Khoa Kinh doanh, Trường Đại học Flinders, Australia. Ông đã từng giữ nhiều vị trí quan trọng trong các doanh nghiệp nhà nước tại Australia và tham gia tư vấn cho các tổ chức quốc tế như Ngân hàng phát triển Châu Á, Cơ quan Phát triển quốc tế Australia, Tổ chức Lao động thế giới, và là thành viên của các hiệp hội về nghề nghiệp như Fellow of Finsia (F-Fin), CPA – Australia và AFA (Hiệp hội các nhà tư vấn tài chính).

Trích ngang: http://www.flinders.edu.au/people/sarath.delpachitra

5. TS. Tom Denison

Giảng viên cao cấp thuộc Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Monash, Australia. TS. Tom Denison có nhiều đóng góp quan trọng trong việc phát triển các trung tâm học liệu tại Việt Nam. Với tư cách là chuyên gia tư vấn quốc tế, ông đã tham gia các dự án lớn và quan trọng về tự động hoá thư viện tại trung tâm học liệu ở Huế, Đà Nẵng và Cần Thơ. Năm 2017, TS. Tom Denison, đứng tên Khoa Quốc tế, công bố 1 bài nghiên cứu trên các tạp chí danh tiếng thế giới thuộc hệ thống ISI / SCOPUS.

Trích ngang: https://research.monash.edu/en/persons/tom-denison

6. TS. Pascal Frion

Giảng viên Trường Đại học Poitiers, Cộng hoà Pháp. Chuyên ngành nghiên cứu của ông là Thông tin Cạnh tranh (CI) cùng các lĩnh vực thông tin truyền thông khác.

Trích ngang: http://competitiveintelligence.ning.com/Trích ngang/PascalFRION

7. PGS.TS. Stéphane Goutte

Giảng viên và nhà nghiên cứu về lĩnh vực Toán ứng dụng và Kinh tế học tại Trường Đại học Paris 8, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế thuộc Trường Đại học Luxembourg và Trường kinh doanh Paris, Cộng hoà Pháp.

Trích ngang: https://www.faculty-psbedu.paris/en/professors/stephane-goutte

8. GS.TS. Dominique Guégan

Giáo sư danh dự tại Trường Đại học Paris 1 Panthéon Sorbonne. Giáo sư có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy và nghiên cứu  trong các lĩnh vực: Toán kinh tế, Phương pháp dự báo, Ước lượng với phương pháp tham số và nguyên lý hỗn loạn.

Trích ngang: https://www.pantheonsorbonne.fr/recherche/pageperso/page/?tx_oxcspagepersonnel_pi1[uid]=dguegan

9. PGS.TS. Takuya Kaneko

Giảng viên Trường Đại học Quốc tế Christian ở Tokyo, Nhật Bản. Các hướng nghiên cứu chính của PGS. TS. Takuya Kaneko là Tài chính doanh nghiệp và định giá, Quản trị rủi ro, Tài chính định lượng và thống kê.

Trích ngang: https://researchers.icu.ac.jp/icuhp/KgApp?kyoinId=ymdsyyyeggy&Language=2

10. GS. Peter Moffatt

Giảng viên đầu ngành về lĩnh vực Kinh tế lượng tại Trường Đại học East Anglia, Vương quốc Anh. GS. Peter Moffatt đã xuất bản nhiều cuốn sách và công bố các bài nghiên cứu trên các báo và tạp chí về kinh tế uy tín.

Trích ngang: https://www.uea.ac.uk/economics/people/Trích ngang/p-moffatt

11. GS.TS. Nguyễn Đức Khương

Giảng viên chuyên ngành Tài chính kiêm Trưởng Khoa Kinh tế – Tài chính, Học viện Quản lí và Quản trị kinh doanh Paris, Trường Đại học Paris XII, Cộng hoà Pháp. GS. Nguyễn Đức Khương là học giả đồng thời là Phó Giám đốc phụ trách Hợp tác quốc tế và nghiên cứu chương trình Thu hút học giả quốc tế. Năm 2015, Giáo sư nằm trong danh sách 200 nhà kinh tế hàng đầu thế giới theo bầu chọn của dự án RePEc (Research Papers in Economics), chọn ra từ 20.490 nhà kinh tế có xuất bản trong vòng 10 năm trở lại đây. Năm 2017, GS.TS. Nguyễn Đức Khương, đứng tên Khoa Quốc tế, công bố 2 bài nghiên cứu trên các tạp chí danh tiếng thế giới thuộc hệ thống ISI / SCOPUS.

Trích ngang: http://nguyenduckhuong.com/index.php/en/

12. TS. Phạm Thu Phương

Giảng viên Khoa Tài chính Kế toán, Trường Đại học Adelaide, Australia. Các lĩnh vực nghiên cứu của bà liên quan tới các lĩnh vực như Vi cấu trúc thị trường, Ngân hàng, Quản trị công ty, Kinh tế học ứng dụng.

Trích ngang: http://www.adelaide.edu.au/directory/thuphuong.pham

13. GS.TS. Klaus Stocker

Giám đốc chương trình Kinh doanh quốc tế tại Trường Đại học Georg-Simon Ohm từ năm 1987-2013. Hiện ông là chuyên gia tư vấn về lĩnh vực Tài chính quốc tế, đã tham gia tư vấn cho nhiều tổ chức quốc tế và công ty xuyên quốc gia như KfW, World Bank, DEG, GIZ.

Trích ngang: http://izn-friedrichsdorf.de/dr-klaus-stocker.html