Trường Quốc tế mở 3 ngành gắn với chuyển đổi số, dự báo tương lai công nghệ


Trong tháng 1 và 2 năm 2022, Hội đồng thẩm định chương trình đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức thẩm định 3 chương trình tích hợp cử nhân và thạc sỹ: Công nghệ tài chính và kinh doanh kỹ thuật số, Công nghệ thông tin ứng dụng (An toàn không gian số, IoT và hệ thống nhúng) và Kỹ thuật hệ thống công nghiệp và Logistics của Trường Quốc tế.
Đây là 3 chương trình đào tạo gắn với quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ và đi trước đón đầu cho tương lai công nghệ nhiều thay đổi lớn.


Hội đồng thẩm định chương trình đào tạo của Trường Quốc tế do Phó Giám đốc ĐQHGN Nguyễn Hoàng Hải

làm Chủ tịch hội đồng.

Tại Việt Nam, khái niệm “Chuyển đổi số” thường được hiểu là quá trình thay đổi từ mô hình doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới, như dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty. Ngày nay, cả thế giới bước vào thời kỳ chuyển đổi số mạnh mẽ, cùng với đó là những vấn nạn về vấn đề an toàn an ninh thông tin trên không gian số, những tổn thất nặng nề và nguy cơ bảo mật ngày càng trở nên quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết.

Phó Giám đốc ĐQHGN Nguyễn Hoàng Hải là Chủ tịch của 3 Hội đồng thẩm định.

Chương trình Công nghệ thông tin ứng dụng (An toàn không gian số, IoT và hệ thống nhúng) số là chương trình mới, định hướng đào tạo chuyên gia, đáp ứng nhu cầu nhân lực trình độ cao của Công nghiệp 4.0 và Chiến lược Chuyển đổi số quốc gia. Chương trình cung cấp những kiến thức nền tảng gồm mật mã ứng dụng, an toàn phần mềm và hệ thống, phân tích mã độc, phòng chống tấn công mạng, điều tra số, an ninh sinh trắc học, blockchain, và nhiều môn học liên quan đến kỹ năng đổi mới sáng tạo, và khởi nghiệp. Hạ tầng phục vụ thực hành của sinh viên bao gồm hệ thống ảo hóa với các bài thực hành từ cơ bản đến nâng cao, hệ thống diễn tập ứng cứu sự cố, hệ thống thao trường huấn luyện tấn công, phòng thủ, được trang bị theo thỏa thuận hợp tác chiến lược với Tập đoàn Bkav và được đầu tư thông qua dự án KOICA IBS (Hàn Quốc). Sinh viên được trải nghiệm các công nghệ là nền tảng đảm bảo an toàn cho hệ thống thông tin của doanh nghiệp và của Chính phủ điện tử.

Ngành Công nghệ tài chính và kinh doanh kỹ thuật số là ngành học có tính liên ngành cao

Ngành Công nghệ tài chính và kinh doanh kỹ thuật số là ngành học có tính liên ngành cao, kết hợp giữa các ngành về kỹ thuật, công nghệ, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin và đặc biệt là tài chính. Chương trình xây dựng tham khảo chương trình nước ngoài, hướng đến chuẩn đầu ra tương đương và thu hút sinh viên quốc tế đến học tập, trao đổi tín chỉ. Chương trình giảng dạy một phần bằng tiếng Anh trong khối kiến thức ngành, có sự tham gia của các nhà khoa học trong nước và nước ngoài, lấy trọng tâm hợp tác với doanh nghiệp, đảm bảo kiến thức, kỹ năng của người học.

Ngành Kỹ thuật hệ thống công nghiệp và Logistics là ngành thuộc khối kỹ thuật tích hợp công nghệ, kinh tế, và các nhân tố về hành vi xã hội trong sản xuất, dịch vụ.

Ngành Kỹ thuật hệ thống công nghiệp và Logistics là ngành thuộc khối kỹ thuật tích hợp công nghệ, kinh tế, và các nhân tố về hành vi xã hội trong sản xuất, dịch vụ và nghiên cứu các vấn đề tối ưu hóa các quá trình hay các hệ thống phức tạp. Ngành học tập trung vào việc phát triển, cải tiến, ứng dụng và đánh giá các hệ thống phức hợp, hợp thành từ con người, nguồn tài chính, tri thức, thông tin, thiết bị, năng lượng, vật liệu, phân tích và tổng hợp, cũng như các công cụ toán học, vật lý và xã hội học cùng với các nguyên lý và phương pháp của thiết kế kỹ thuật để xác định, dự đoán và đánh giá kết quả thu được từ quá trình hay hệ thống như vậy. Ngành học này đóng góp rất nhiều cho thế giới hàng trăm năm qua, song ở Việt Nam còn rất non trẻ, mà lại ít được biết đến. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong nước phải trả hàng ngàn USD/tháng thuê mướn chuyên gia nước ngoài, trong khi chúng ta có đủ khả năng để đào tạo và sử dụng tốt nguồn nhân lực trong nước. Qua khảo sát, hơn 90% doanh nghiệp trong nước cho biết họ có nhu cầu về kỹ sư Kỹ thuật hệ thống công nghiệp và Logistics, kể cả lĩnh vực hành chính cũng rất cần.

Đại diện nhóm đề án trình bày đề án mở ngành.

Các ngành đào tạo mới mở được thiết kế dựa trên triết lý “cây cầu”- cung cấp cho người học hiểu biết và kỹ năng toàn diện ở các lĩnh vực kỹ thuật công nghệ, kinh tế quản lý. Sinh viên sẽ nắm bắt được toàn diện quá trình vận hành của doanh nghiệp chứ không đơn thuần một lĩnh vực đơn lẻ. Từ đó sinh viên có năng lực để biến những hiểu biết, kỹ năng của mình thành những sản phẩm có thể đi vào thực tế cuộc sống.

Các chuyên gia trong và ngoài ĐHQGHN đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu cho 3 chương trình đào tạo của Trường Quốc tế.

Đặc biệt, sinh viên theo học các chương đào tạo trình được trang bị đầy đủ kiến thức hàn lâm, song song với việc chú trọng gia tăng thời lượng thực hành, cũng như học thông qua trải nghiệm tại hệ thống các phòng lab nghiên cứu (Trung tâm thực hành và nghiên cứu tích hợp thông minh đã được ĐHQGHN đầu tư và đi vào hoạt động từ năm 2022; Trung tâm nghiên cứu và trải nghiệm số do Tập đoàn Siemens tài trợ cho cho ĐHQGN, Trường Quốc tế là một đơn vị thụ hưởng: các phòng nghiên cứu của các nhóm nghiên cứu mạnh của nhà trường), cũng như tại các công ty, tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin của Việt Nam và thế giới. Hệ thống bài thí nghiệm và thực hành theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm để đào tạo ra các chuyên gia trình độ cao, đáp ứng nhu cầu nhân lực của Cách mạng công nghiệp 4.0 và Chiến lược chuyển đổi số Quốc gia.
Ngoài ra, Trường Quốc tế có quan hệ và nhận được sự hỗ trợ đào tạo của nhiều công ty, trong đó có các tập đoàn và công ty lớn như FPT, Viettel, G-Group, Lenovo, Microsoft, Intel…

Các ý kiến phản biện của các chuyên gia giúp hoàn thiện đề án mở ngành.

Sau khi nghe báo cáo về 3 chương trình đào tạo mới cũng như ý kiến phản biện của các chuyên gia, Hội đồng thẩm định đã thống nhất thông qua việc mở mới chương trình đào tạo chương trình tích hợp cử nhân và thạc sỹ. Trong thời gian tới, Trường Quốc tế cần hoàn tất các thủ tục cần thiết để tiến hành tuyển sinh ngành mới.

Như vậy, việc mở chương trình đào tạo gắn với chuyển đổi số sẽ tạo ra sự đa dạng về ngành nghề, giúp Trường Quốc tế tiếp cận với các ngành đào tạo tiên tiến trên thế giới, phù hợp với mục tiêu hội nhập và tiến trình của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, Trường sẽ có thêm điều kiện thu hút thêm được các giảng viên có trình độ cao, có kiến thức liên ngành trong vực kỹ thuật và kinh doanh và nông nghiệp, từ đẩy mạnh được các nghiên cứu, công bố trong lĩnh vực này trong ĐHQGHN và Trường Quốc tế.