Chuyên gia quốc tế chia sẻ kinh nghiệm làm việc và lãnh đạo trong môi trường toàn cầu


Nhằm tăng cường năng lực đa văn hóa và tư duy toàn cầu, ngày 26/3/2024, Khoa Kinh tế và Quản lý, Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã tổ chức các buổi chia sẻ kinh nghiệm làm việc và lãnh đạo trong môi trường toàn cầu cho sinh viên học môn Quản trị nguồn nhân lực và Lãnh đạo và xây dựng đội ngũ. Diễn giả là ông Floris L.Panico – Giám đốc cố vấn của FPT Software.

Sinh ra và lớn lên tại Milan, Italia, ông Floris đã kinh qua nhiều vị trí quản lý và lãnh đạo tại những tập đoàn đa quốc gia trên thế giới như KPMG Advisory, BE Consulting, Clarasys Limited. Với kinh nghiệm làm việc tại các quốc gia khác nhau và trên cương vị quản lý đội ngũ cấp dưới ở nhiều quốc gia, như Hoa Kỳ, Vương Quốc Anh, Singapore, Pháp, Nhật Bản, Đức…, ông đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm và bài học bổ ích khi làm việc trong môi trường toàn cầu.

Diễn giả  Floris L.Panico là Giám đốc cố vấn của FPT Software.

Mở đầu buổi chia sẻ, ông Floris L.Panico đã giới thiệu về nền văn hóa Italia và các trường đại học nơi ông đã học tập và nghiên cứu tại Italiy, Đức và Đài Loan. Ông giới thiệu về cách vận hành và làm việc của các công ty đa quốc gia, cách thích nghi và vượt qua những khác biệt, rào cản về văn hóa, ngôn ngữ… trong môi trường toàn cầu và cách ông giải quyết những xung đột văn hóa và giá trị khi làm việc cùng cấp dưới đến từ các nền văn hóa khác nhau. Diễn giả cũng chỉ ra những khác biệt trong phong cách lãnh đạo và làm việc của các quốc gia phương Tây và phương Đông. Ông dành phần lớn thời gian mỗi ngày để xử lý các vấn đề trong tổ chức và thúc đẩy mối quan hệ với các nhân viên ở các quốc gia khác nhau. Do đó, ông nhấn mạnh “việc phát triển và rèn luyện các kỹ năng mềm như giao tiếp đa văn hóa, thấu hiểu, đồng cảm, kỹ năng giải quyết các vấn đề, và kỹ năng thích nghi đa văn hóa là rất quan trọng đối với các nhà quản lý và lãnh đạo trong môi trường toàn cầu”.

Theo diễn giả để làm việc trong môi trường toàn cầu, các ứng viên cần có tiếng Anh tốt, chuyên môn tốt và kỹ năng mềm cần thiết. 

Để làm việc được trong môi trường toàn cầu, ông Floris cho rằng tiếng Anh, kiến thức chuyên môn và đặc biệt là kỹ năng mềm rất quan trọng. Ông cũng chia sẻ từ chính kinh nghiệm thực tế của ông về việc “vượt qua những rào cản về văn hóa” – một trong những trở ngại lớn nhất khi làm việc tại nước ngoài. Ông Floris đưa ra ba lời khuyên dành cho sinh viên. “Đầu tiên là khả năng thích ứng với môi trường đa văn hóa, sinh viên cần mang trong mình tâm thế sẵn sàng học hỏi, tiếp thu những kiến thức, văn hóa mới đồng thời điều chỉnh cách làm việc để phù hợp với văn hóa doanh nghiệp và quốc gia sở tại. Sự thành thạo trong giao tiếp cũng là một điểm cộng nếu sinh viên muốn tiết kiệm thời gian học hỏi và hiểu được nền văn hóa cũng như con người tại một đất nước. Và cuối cùng, điều quan trọng nhất, sinh viên cần phải trang bị cho mình một tư duy toàn cầu, thừa nhận sự đa dạng khác biệt của mỗi cá thể; tích cực tham gia các hoạt động gắn kết và tôn trọng sự khác biệt về văn hóa, tính cách và sở thích của mỗi cá nhân trong tổ chức”.

Diễn giả trao đổi cùng sinh viên Trường Quốc tế. 

Đặc biệt, ông Floris cũng đưa ra một vài lời khuyên giúp sinh viên đến gần hơn với những công ty nước ngoài, như tìm kiếm công việc tại các nền tảng quốc tế như Kelly, Michael Page, Main Power, Adecco và mở rộng “mạng lưới mối quan hệ” với những nhà tuyển dụng nước ngoài thông qua Indeed, Linkedin, Careerbuilder,… Đặc biệt, khi ứng tuyển, sinh viên cần nắm rõ văn hóa và yêu cầu trong thiết kế CV của từng quốc gia. Ví dụ như ở Hoa Kỳ hay Vương Quốc Anh, CV chỉ nên trình bày trong 1 trang giấy, nhưng tại Ấn Độ, CV của bạn có thể dài tới 15 trang…

Diễn giả chụp ảnh lưu niệm cùng thày trò Trường Quốc tế. 

Ông Floris cũng chia sẻ, hiện tại, Việt Nam đang là một quốc gia đang phát triển mạnh mẽ, thu hút nhiều công ty và chuyên gia nước ngoài đến sinh sống và làm việc với mức lương đáng ngưỡng mộ. Điều này sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội cho sinh viên trong tương lai và những cơ hội này chỉ đến với những người đã chuẩn bị sẵn sàng.
Sau phần chia sẻ, sinh viên đã đặt ra nhiều câu hỏi cho diễn giả về những trải nghiệm thực tế trong suốt nhiều năm làm việc tại các quốc gia khác nhau; cách làm việc và làm sao để giải quyết những xung đột văn hóa trong một tập thể, đâu là phong cách lãnh đạo tốt nhất trong môi trường làm việc đa quốc gia, sinh viên nên rèn luyện kỹ năng mềm hay kỹ năng chuyên môn…

Đào Công Tuấn
Khoa Kinh tế và Quản lý