Cho những dấu yêu còn mãi


Nhân kỷ niệm 20 năm Ngày truyền thống Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (24/7/2002 – 24/7/2022), Nhà trường chủ trương thành lập chuyên trang 20 năm trên website và phát hành cuốn kỷ yếu “VNU-IS – dấu ấn hành trình 20 năm phát triển”.

Chuyên trang và cuốn kỷ yếu là tư liệu để cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên đã và đang công tác, giảng dạy, học tập tại Trường hiểu về lịch sử của đơn vị, chia sẻ những kỷ niệm của bản thân, những kỷ niệm về tình đồng nghiệp, tình thầy – trò, tình bạn… Đây sẽ là một món quà có giá trị về mặt tinh thần trong chương trình kỷ niệm 20 năm Ngày truyền thống, cũng như góp phần làm tốt công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh của Trường.

Xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả những chia sẻ của các cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên về hành trình 20 năm xây dựng và phát triển. 

Chuyện xưa về Khoa Quốc tế

Nói về Khoa Quốc tế (nay là Trường Quốc tế) 20 năm trước thì cũng như nói về một đất nước ở thế kỷ xưa vì đã khác vô cùng nhiều. Kể lại cũng vui, như xem một đoạn phim tài liệu vậy.

Về với Khoa cùng tinh thần khởi nghiệp

Đấy là thủa ban đầu khi tôi đến với Khoa Quốc tế, lúc đó chừng hai tuổi. Anh Nguyễn Trọng Do bảo: «Làm cộng tác viên đi, tớ trả 1 triệu một tháng.» Lúc ấy 1 triệu là khoảng bằng 1/3 lương tháng của giáo viên sắp già, cũng đáng kể. Tuy nhiên như vậy cũng được hiểu rằng đó là một khoản tượng trưng trong hợp đồng miệng. Điều thú vị là mọi thứ ở Khoa được quyết rất nhanh, mà đa phần dưới dạng «khẩu dụ». Khi đó tôi đang mắc mớ về những vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính và tinh thần khởi nghiệp khi mở dự án liên kết đào tạo ở nơi đang làm việc ; phải qua nhiều cấp ; ở cấp nào cũng đòi hỏi khẳng định về tính khả thi và cần xét duyệt thật lâu. Khắp nơi đều thế vì đã có vụ rắc rối lớn. Về với Khoa Quốc tế thì khi trình bày ý tưởng là anh Do phán quyết liền. Cứ tiến hành, cứ cố gắng, nếu không được thì làm hướng khác. Như vậy cũng phải thôi vì thời đó làm các dự án đào tạo cũng gần giống như tìm lối đi trong rừng rậm. Mình cũng chưa có nhiều kinh nghiệm ; làm sao mà chắc chắn được. Cả ở cấp cao hơn cũng bảo vậy.

Làm dự án cùng các cuộc phiêu lưu mạo hiểm

Vậy là tôi khởi động các dự án đầu tiên với Pháp theo mô hình 2+1, bên cạnh dự án với Malaixia mới và chương trình đào tạo Kế toán, Phân tích Kiểm toán sẵn có. Và thế là cũng bắt đầu sự phiên lưu chóng mặt trong sự nghiệp nhất là khi tôi chuyển về chính thức với Khoa vào năm 2005. Có ai dám nghĩ mình sẽ bắt tay với hai trường đại học danh tiếng của Pháp trong top 100 thế giới khi mà Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) lúc đó vẫn còn đang «ngoại hạng» và Khoa Quốc tế thì chỉ có ta biết với nhau thôi. Sự tồn tại của mình dựa trên con dấu của ĐHQGHN cấp, dựa vào cơ sở vật chất là căn phòng ở góc nhà G7 có một cái bàn to và dựa vào năng lực đào tạo thể hiện qua tài hùng biện của anh Do. Khi thương thuyết căng thẳng quá, có lúc anh Do chạy ra ngoài sân đốt thuốc lá rồi bảo: «Hay là ta thôi không làm nữa». Cuối cùng thì hai trường đại học là Paris 11 và Lyon 2 cũng chịu ký kết hợp tác với mình. Tôi thấy người Pháp thiên về tình cảm, khá lãng mạn và thích phiêu lưu. «On n’a pas de pétrole mais on a des idées.» (Chúng ta không có dầu lửa những chúng ta có ý tưởng) đó là câu tuyên bố của ông Tổng thống Pháp Valéry Giscard d’Estaing khi còn đang làm Bộ trưởng tài chính. Thế là Khoa Quốc tế bắt đầu có hơi hướng Châu Âu với sự xuất hiện thường xuyên của các «mắt xanh, mũi nhọn». Tuy không thu được nhiều tiền nhưng Khoa tạo được vị thế. Việc mở ngành Quản lý với Pháp chưa phải là chuyến phiêu lưu mạo hiểm nhất. Chuyến phiêu lưu không ai dám nghĩ tới là chương trình Bác sỹ Nha Khoa liên kết với trường Nantes và Đại học Y Hà Nội mà Khoa thực hiện được thành công với 7 khóa đào tạo, bắt đầu bằng sự quen biết của hai sinh viên cũ của trường Nantes là Huệ và Hiển. Ai cũng biết đây là chương trình đỉnh của đỉnh tại Việt Nam cũng như ở Pháp, trong khi Khoa vẫn đang ở mức nền tảng. Sự hợp tác này chắc khó có thể lặp lại được vì mỗi thời mỗi khác. Bây giờ thì trường có nhiều chuyên ngành rồi. Chuyên ngành nào cũng chắc, ít có phiêu lưu kiểu xưa.

Đồng nghiệp 24/24

Hồi đầu Khoa không dám tuyển nhiều người và giảng viên cơ hữu, vì sợ nếu không trụ được thì đẩy người đi đâu. Khoa luôn phải luôn khẳng định sự tồn tại của mình, phải thắng trong tư thế đằng sau là vực thẳm, đằng trước là địch. Trong tình huống ấy mọi thành viên đều lăn xả chiến đấu hết mình. Có 4 cô Hoa: Tuyết Hoa, Ngọc Hoa, Phương Hoa, Thanh Hoa đều tơi bời trong công việc, mang cả gối và đồ ăn để sẵn dưới chân bàn làm việc để xoay chuyển thời cuộc 24/24. Rồi thì Hào, Hiển, Huệ với sự hỗ trợ tài chính, hậu cần của Sen, Hùng, Tân v.v. Mà sự phân chia công việc cũng là tương đối thôi. Ai cũng làm đủ mọi thứ việc như trong cùng gia đình một cách tận lực ngày đêm. Có đợt sinh viên đăng ký vào Khoa ồ ạt vượt xa dự kiến ngay trước ngày mở lớp. Phòng Đào tạo làm việc cật lực để mời giảng viên và xếp phòng học mà không kịp. Khoảng hơn 10 giờ tối, cô Phương Hoa báo cáo tình hình theo cách của mình: « Em liên tục gọi điện thương thuyết mời giáo viên rồi xếp phòng học từ 8 giờ sáng đến giờ rồi, còn hai lớp nữa không biết làm thế nào. Thôi kệ thầy đấy!». Nói vậy chứ cuối cùng cũng tìm được hai chuyên viên giỏi tiếng Anh lấp chỗ trống cho buổi học đầu tiên. Chắc chẳng ai quên được thầy Nga suốt ngày trả lời câu hỏi của các chuyên viên, phải làm thế nào, thế nào trong tình huống này. Anh Lập thì bao la nhiều việc đến mức nổi tiếng về sự đãng trí. Có lần cùng tôi làm dự án Trung tâm Đại học Pháp đến tận 12 giờ đêm. Lúc ra về thì thấy xe máy của mình đã biến mất khỏi sân trường. Sau 10 phút đau khổ thì mới lờ mờ nhớ ra là đã bỏ quên lúc nào đó ở hàng ăn nào đó quá lâu rồi. Rồi thì các giáo viên người Pháp cũng tích cực tham gia vào sự vụ của Khoa, cũng đi các tỉnh để quảng bá tuyển sinh và có nhiều kỷ niệm. Có lần đang chạy vội từ Hải Phòng về thì gặp một xe máy lao từ đường ngang ra, anh lái xe ngặt gấp, xe ô tô theo đà lao vào đường gom thì ngay trước mắt hiện ra một bà cụ đang gồng gánh. Phanh cháy mặt đất thì mũi xe dừng lại vừa chạm tới cái thúng bằng tre của bà cụ. Cả Tây và ta ngồi trong xe vỗ tay rầm rầm như khi máy bay tiếp đất an toàn.

PGS.TS Vũ Xuân Đoàn (thứ hai, bên trái) trong buổi tiếp và làm việc với đối tác Pháp. 

Thôi thì thời nào có tình huống của thời đó. Mỗi thời có niềm vui, nỗi buồn và những thách thức riêng. Ở bối cảnh mới thì ta lại có những vất vả mới để đối phó với những đòi hỏi mới của bản thân và xã hội.

Sinh viên mơ màng

Những sinh viên khóa đầu tiên được chọn lọc theo tiêu chí của trường đối tác. Họ chỉ dựa trên kết quả điểm tốt nghiệp phổ thông. Ta thì thêm một tiêu chí nữa có gây tranh cãi với Tây, đó là hạnh kiểm phải tốt. Nhìn chung là tốt, tuy nhiên vẫn có những trường hợp đậm chất Á Đông theo kiểu gà con quen trú ẩn dưới cánh gà mẹ. Ví dụ có sinh viên ngồi học trong lớp thì cha mẹ ngồi bên ngoài ngó vào. Có sinh viên rất ngoan ngoãn, lễ phép ; ngồi trong lớp rất trật tự và có vẻ chăm chú nhìn lên bảng, nhưng hỏi gì cũng không biết, mơ màng như hồ Tây chiều thu. Hỏi ra mới biết đó là con của một giám đốc doanh nghiệp khai thác nhà hàng mặt nước Hồ Tây và hồ Trúc Bạch. Chắc cu cậu cho rằng đã có gia đình đảm bảo công ăn việc làm xịn rồi. Việc học chỉ như là có bộ áo mới thôi.

Gia đình và nhà trường quá gắn bó

Khoa có số điện thoại của từng gia đình sinh viên, cứ nghỉ đến buổi học thứ ba hoặc bị điểm kém là gọi điện thẳng về gia đình. Có khi triệu tập phụ huynh để bàn cách giải quyết. Đương nhiên là không phải sinh viên nào cũng thích nên tìm các kiểu đối phó cười ra nước mắt. Có sinh viên cá biệt còn thuê cả người đóng giả phụ huynh và bị phát hiện ngay.
Bây giờ thì trường vẫn theo dõi sát sao sự học tập của sinh viên nhưng ở những cách hiện đại và tinh tế hơn. Chắc mỗi năm có thêm khoảng 2000 sinh viên thì sự theo dõi, đôn đốc học tập vẫn không bị mai một.

Về tương lai

Trường Quốc tế bây giờ thay đổi nhanh và mạnh quá. Có dễ mình vừa viết xong một bài thì trường đã đổi khác rồi ; cả về sinh viên, cơ sở vật chất, tổ chức hành chính, đội ngũ giảng viên, nghiên cứu khoa học, chuyên ngành đào tạo và phương pháp giảng dạy v.v. Tương lai thật là đẹp. Dường như Trường Quốc tế đã có đủ tất cả các điều kiện cho tương lai. Một giáo viên già như tôi thường hay quan tâm nhất đến vấn đề sức khoẻ ; vậy nên xin chúc các vị lãnh đạo, quản lý nhà trường, xin chúc các thầy các cô cùng đội ngũ hỗ trợ, và cũng chúc các sinh viên luôn có sức khoẻ tốt vì một tương lai ngày càng tươi sáng hơn.

PGS.TS Vũ Xuân Đoàn
Phó Chủ nhiệm Khoa (giai đoạn 2005 – 2009)

Giảng viên Khoa Kinh tế và Quản lý