Chương trình đào tạo song bằng, đào tạo tích hợp rất phổ biến trên thế giới. Tại Việt Nam hiện mới có một số trường đại học triển khai hình thức đào tạo tích hợp. Kể từ năm học 2022 – 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã ra mắt và chính thức tuyển sinh 03 chương trình tích hợp cử nhân và thạc sĩ tại Trường Quốc tế.
Việt Nam trong bối cảnh xu hướng đào tạo tích hợp
Xu hướng đào tạo tích hợp/kết hợp giữa các trình độ đào tạo đang ngày càng phổ biến trên thế giới. Tại Mỹ, sinh viên có thể nhận cả bằng đại học và thạc sĩ trong thời gian 05 năm như các Trường: Đại học bang Florida, Đại học Kent State, Đại học Boston. Hay tại Hà Lan, Trường Đại học Twente với chương trình 3+2 (liên kết với Trường Đại học Khoa học Công nghệ Trung Quốc – USTC) cũng cho phép người học nhận bằng đại học của USTC và bằng thạc sĩ của Trường Đại học Twente trong thời gian 5 năm. Tại Australia, Trường Đại học Sydney có chương trình đào tạo tích hợp cử nhân và thạc sĩ ngành Điều dưỡng trong thời gian 4 năm…
Ở Việt Nam, mô hình này cũng đã được áp dụng tại một số trường đại học như Trường Quốc tế (ĐHQGHN); Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh).
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, ĐHQGHN, chia sẻ: “Đây là mô hình phù hợp với xu thế đào tạo tiên tiến trên thế giới và được xây dựng bài bản, khoa học, đáp ứng yêu cầu cả về thời lượng cũng như nội dung chương trình đào tạo, kỹ năng, chuẩn đầu ra cho người học, nên tôi tin rằng sẽ nhận được sự quan tâm của người học và xã hội. Mô hình này hứa hẹn sẽ tạo động lực thúc đẩy các em sinh viên của các ngành kĩ thuật công nghệ tiếp tục học tập ở các bậc cao hơn ngay sau khi hoàn thành chương trình đại học, góp phần vào việc phát triển xã hội học tập cũng như tạo nguồn cho bậc nghiên cứu sinh, phát triển môi trường đại học nghiên cứu. Mô hình cũng sẽ được Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục xem xét mở rộng cho các ngành đào tạo có nhu cầu lớn với nguồn nhân lực trình độ cao trong thời gian tới”.
Năm học 2022 – 2023, ĐHQGHN bắt đầu thí điểm triển khai mô hình này với 03 ngành đào tạo thuộc lĩnh vực kỹ thuật công nghệ tại Trường Quốc tế, bao gồm: Công nghệ tài chính và kinh doanh số, Công nghệ thông tin ứng dụng và Kỹ thuật hệ thống công nghiệp và Logistics. Trong thời kì cách mạng công nghiệp 4.0 thì vai trò của khoa học kĩ thuật mà đặc biệt là công nghệ thông tin là vô cùng quan trọng, các ngành kỹ thuật công nghệ hiện nay đang là thời thượng, cơ hội việc làm tốt và có nhu cầu nhân lực cao trong và ngoài nước.
Trường Quốc tế chú trọng phát triển các nhóm nghiên cứu sinh viên ngành Kỹ thuật – Công nghệ tại Hòa Lạc.
Đây là mô hình đào tạo cho phép người học có thể rút ngắn thời gian để được lấy bằng thạc sĩ nhờ vào việc học liên thông từ đại học lên thạc sĩ. Hoàn thành chương trình đại học, sinh viên được cấp bằng cử nhân và sau khi tích luỹ đủ 180 tín thì người học được cấp bằng thạc sĩ. Với tổng số tín chỉ tích lũy là 180 tín chỉ, chương trình đào tạo tích hợp này hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu để cấp bằng cử nhân và thạc sỹ theo quy định, đảm bảo chất lượng, giúp người học có thể làm việc trong môi trường quốc tế cũng như học tập ở bậc cao hơn, có cơ hội phát triển đam mê và sự nghiệp.
Thúc đẩy đam mê, đào tạo chuyên gia đầu ngành tương lai
Điểm đặc biệt, hướng đến việc đào luyện, cho “ra lò” những chuyên gia đầu ngành, Trường Quốc tế thiết kế chương trình đào tạo cho các ngành này dựa trên triết lý “cây cầu”- cung cấp cho người học hiểu biết và kỹ năng toàn diện, sinh viên sẽ nắm bắt được quá trình vận hành của doanh nghiệp chứ không đơn thuần một lĩnh vực đơn lẻ.
Cụ thể, chương trình Công nghệ thông tin ứng dụng sẽ cung cấp đội ngũ nhân lực làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin nói chung và đặc biệt là hai định hướng: an toàn thông tin, IoT và các hệ thống nhúng.
Chương trình Công nghệ tài chính và Kinh doanh số cung cấp đội ngũ nhân lực sử dụng các công cụ công nghệ thông tin, khoa học tính toán trong kinh doanh và tài chính.
Chương trình Kỹ thuật hệ thống công nghiệp và Logistics trang bị cho người học kiến thức và kĩ năng thiết kế sản phẩm, quản lý và điều hành sản xuất, ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành sản xuất và sử dụng các công nghệ để cải tiến quá trình sản xuất công nghiệp.
Chương trình tích hợp cử nhân và thạc sĩ tại Trường Quốc tế trang bị kiến thức và kỹ năng toàn diện cho sinh viên.
Đặc biệt, sinh viên Trường Quốc tế được trang bị đầy đủ kiến thức hàn lâm, song song với gia tăng thời lượng thực hành, học thông qua trải nghiệm tại hệ thống các phòng lab nghiên cứu, các công ty, tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin của Việt Nam và thế giới. Hệ thống bài thí nghiệm và thực hành theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm để đào tạo ra các chuyên gia trình độ cao, đáp ứng nhu cầu nhân lực của Cách mạng công nghiệp 4.0 và Chiến lược chuyển đổi số Quốc gia, giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp có kiến thức và kĩ năng để làm việc trong môi trường doanh nghiệp quốc tế cũng như khả năng học tập ở các bậc học cao hơn ở trong và ngoài nước.
Mặc dù thời gian hoàn thành chương trình thạc sĩ có thể được rút ngắn nhưng khối lượng, thời gian chương trình đào tạo vẫn đảm bảo đúng theo quy định, vì các chương trình đào tạo này, sinh viên phải tích luỹ đủ 145 tín chỉ, chỉ còn kém chương trình đào tạo bậc kĩ sư 5 tín chỉ (trong khi quy định với các chương trình cử nhân chỉ yêu cầu tối thiểu 120 tín chỉ tích lũy). Số tín chỉ dôi ra được thiết kế cho những môn học nâng cao, trong đó có những môn cho năm đầu như của chương trình thạc sĩ 2 năm. Chất lượng đào tạo còn được đảm bảo và chuẩn bị kĩ lưỡng cùng với yêu cầu cao về ngoại ngữ (chuẩn đầu ra B2), thời lượng thích đáng dành cho thực hành thực tập.
Khánh Hạ
Phòng Tổ chức – Hành chính