Xếp hạng đối sánh UPM: Trường Quốc tế đạt chuẩn 5 sao về Quản trị chiến lược, Nghiên cứu khoa học và Mức độ quốc tế hoá


Kỷ niệm 20 năm Ngày Truyền thống, Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đón nhận một niềm vui đặc biệt: Trường đã được Hệ thống xếp hạng đối sánh chất lượng giáo dục đại học UPM đánh giá tổng thể đạt chuẩn 4 sao PLUS theo định hướng ứng dụng với tổng số điểm 729/1000.

Riêng đối với 3 Tiêu chuẩn về Quản trị chiến lược; Nghiên cứu khoa học và Quốc tế hoá Trường đạt đã chuẩn 5 sao.

Giáo sư Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó Giám đốc ĐHQGHN, Chủ tịch sáng lập của hệ thống UPM, có nhận xét, về Chiến lược phát triển, Trường đã chủ trương phát triển theo mục tiêu 5I & 5S. Trong đó, 5I bao gồm: International, Innovation, Interdisciplinary, Intensive, Intergration và 5S bao gồm: Smart, Star-up, Self-Study, Sustainability, Self-worth. Đây là chiến lược phát triển có bản sắc riêng, giá trị riêng, là nơi kết nối Đông – Tây, thu hút các chuyên gia, nhà khoa học uy tín, sinh viên viên giỏi đến học tập và nghiên cứu của ĐHQGHN, qua đó sẽ đóng góp giá trị cho xã hội và cộng đồng. Những năm gần đây, cùng với việc phát triển nhiều mô hình đào tạo hiện đại, Trường Quốc tế đã thu hút, tuyển dụng được nhiều nhà khoa học xuất sắc ở trong và ngoài nước, phát triển tiềm lực khoa học công nghệ, đưa chỉ số công bố quốc tế của Trường lên hàng thứ 2 trong toàn ĐHQGHN. Hơn thế nữa, thực hiện sứ mệnh của mình, Trường Quốc tế đã thành công chiến lược quốc tế hoá. Đây là đơn vị đào tạo có nhiều chương trình đào tạo liên kết quốc tế; tỷ lệ sinh viên, giảng viên quốc tế cao. Do đó, hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học và trao đổi sinh viên cũng rất hiệu quả. Hiện nay, Trường đang triển khai mạnh mẽ việc đầu tư cơ sở vật chất tại Hoà Lạc để hình thành một khuôn viên đại học hoàn chỉnh và hiện đại.

Hệ thống xếp hạng đối sánh UPM (University Performance Metrics) đang được vận hành bởi Viện Đổi mới sáng tạo UPM trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Được biết, sau gần 2 năm hoạt động, UPM đang có sự tham gia của gần 100 cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo từ 7 quốc gia: Việt Nam, Brunei, Indonesia, Myanmar, Philippines, Thailand và Đài Loan. Các trường đại học cho rằng, nếu kiểm định chủ yếu quan tâm đến mức độ đạt điều kiện đảm bảo chất lượng tối thiểu, thì xếp hạng đối sánh UPM vừa thực hiện chức năng kiểm định vừa đánh giá mức độ xuất sắc của chất lượng.

GS.TS Nguyễn Hữu Đức – Nguyên Phó Giám đốc ĐHQGHN, Chủ tịch sáng lập Viện UPM, trao Chứng nhận cho

Trường Quốc tế.

Về thực chất UPM tích hợp sáng tạo cách tiếp cận phương pháp xếp hạng gắn sao của QS Stars và kiểm định chất lượng của AUN-QA. Bên cạnh các chỉ báo truyền thống, UPM bổ sung các tiêu chí đánh giá mới nêu cao tinh thần khởi nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đào tạo cá thể hoá, thực hiện chuyển đổi số và khuyến khích các giá trị xã hội mới. Do vậy UPM được các trường đại học quan tâm sử dụng để vừa quản trị chất lượng, quản trị sự thích với cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời quản trị thương hiệu và thực hiện trách nhiệm xã hội, công khai chất lượng của mình thông qua sự đánh giá độc lập của bên thứ ba.

Cụ thể, UPM gồm 8 nhóm lĩnh vực và 52 tiêu chí. Mỗi lĩnh vực có mốc chuẩn và trọng số riêng với tổng cộng là 1000 điểm. 8 nhóm tiêu chuẩn lần lượt là: Quản trị chiến lược (5 tiêu chí, trọng số 6%), Đào tạo (14 tiêu chí, trọng số 35%), Nghiên cứu (5 tiêu chí, trọng số 20%), Đổi mới sáng tạo (6 tiêu chí, trọng số 10%), Hệ sinh thái đại học (5 tiêu chí, trọng số 8%), CNTT và tài nguyên số (8 tiêu chí, trọng số 8%), Mức độ quốc tế hóa (5 tiêu chí, trọng số 5%) và Phục vụ cộng đồng (4 tiêu chí, trọng số 8%).

Hình: Các tiêu chuẩn, chỉ báo và trọng số của hệ thống UPM – cơ sở đào tạo

Xin được chúc mừng Trường Quốc tế với thành tích đã đạt được. Hy vọng Trường Quốc tế sẽ tiếp tục cải tiến chất lượng và đạt được nhiều thành công hơn nữa, tiếp cận mức độ xuất sắc nhất của UPM và các hệ thống xếp hạng khác trên thế giới.