Xây dựng hệ thống bài tập, thực hành, thực tập phục vụ các ngành đào tạo


Ngày 14/10/2022, tại tòa nhà HT1, Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc, Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã tổ chức thành công workshop “Xây dựng hệ thống bài tập, thực hành, thực tập phục vụ các ngành đào tạo tại Trường Quốc tế”.

Tới tham dự chương trình có PGS.TS Vũ Văn Tích – Trưởng ban Khoa học công nghệ ĐHQGHN, PGS.TS. Lê Trung Thành – Hiệu trưởng nhà trường cùng các thầy trong Ban Giám hiệu, lãnh đạo các đơn vị cùng toàn thể giảng viên. Chương trình được tổ chức với mong muốn các cán bộ, giảng viên trong Trường sẽ có cái nhìn trực diện và tổng quan về hệ thống đào tạo, đồng thời qua các báo cáo chuyên sâu sẽ tiếp thu được nhiều ý tưởng, cách thức, phương pháp tạo dựng hệ thống bài tập, thực hành, thực tập để nâng cao chất lượng đào tạo.

Workshop “Xây dựng hệ thống bài tập, thực hành, thực tập phục vụ các ngành đào tạo tại Trường Quốc tế” được tổ chức trong khuôn viên tòa nhà HT1, ĐHQGHN tại Hòa Lạc.

Với phương châm đào tạo “Học để biết, để làm và để thay đổi”, các sinh viên Trường Quốc tế sẽ được học tập với thời lượng giờ thực hành nhiều hơn, các chương trình học phần lý thuyết được tinh giản, cô đọng hơn để các bạn sinh viên “thạo nghề” ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhớ kiến thức từ những trải nghiệm thực tế khiến việc học trở nên đơn giản hơn, bớt đi nỗi lo mà các sinh viên thường gặp khi phải đối diện khối lượng kiến thức chuyên ngành khổng lồ. Chính vì lẽ đó mà việc xây dựng và chuẩn hóa hệ thống bài tập, thực hành, thực tập trong các chương trình đào tạo là vô cùng cần thiết, đặc biệt với các ngành cần kỹ năng liên quan nghề nghiệp.

Chương trình thu hút sự quan tâm của đông đảo các giảng viên nhà trường.

Phát biểu khai mạc chương trình, PGS.TS. Lê Trung Thành chia sẻ: “Trường Quốc tế phát triển theo triết lý Đông – Tây kết hợp. Phần Tây thể hiện ở chỗ các thầy, cô giảng dạy tại Trường đều tu nghiệp ở nước ngoài, được tiếp thu kiến thức, kỹ năng của nhiều nước tiên tiến. Và nhiệm vụ của người dạy là phải biết chuyển hóa kiến thức học được thành của mình và truyền đạt đến sinh viên. Người thầy cũng phải hiểu trò, quan tâm, đồng cảm và thấu hiểu sinh viên, để từ đó có phương pháp tiếp cận phù hợp. Phần Đông thể hiện triết lý các chương trình đào tạo đến hướng đến con người, vì con người, chuyển hóa vào con người. Người học đi theo lộ trình Văn (thu nạp kiến thức) – (tư duy, suy nghĩ, từ kiến thức chuyển sang tư duy, suy nghĩ, quan sát, rồi đi đến thực hành, thực tập) –Tu (sau quá trình trải nghiệm, đi vào thực tế cuộc sống). Người học của Trường Quốc tế phải hiểu được sứ mệnh của cuộc đời mình, có được động lực bên trong và luôn biết đặt câu hỏi tại sao trong quá trình học tập tại đây”.

Hiệu trưởng Lê Trung Thành khẳng định Trường sẽ cung cấp tối đa nguồn lực, tạo điều kiện tốt nhất để thầy, cô giảng dạy và nghiên cứu.

Hiệu trưởng Trường Quốc tế mong muốn các thầy, cô dành nhiều thời gian, công sức, trí tuệ, kinh nghiệm cho sinh viên. Về phía nhà trường, Trường sẽ cung cấp tối đa nguồn lực, tạo điều kiện tốt nhất để thầy, cô giảng dạy và nghiên cứu, xây dựng các cơ chế chính sách tốt để thu hút người giỏi về làm việc.

Các báo cáo viên trình bày về việc xây dựng các bài tập, thực hành, thực tập.

Trong phần thảo luận về chủ đề của workshop, các báo cáo viên đều cùng chung quan điểm các bài tập, thực hành, thực tập có ý nghĩa quan trọng. Hệ thống bài tập thực hành giúp củng cố, trau dồi nội dung lý thuyết, tăng khả năng đáp ứng yêu cầu công việc ngay sau khi tốt nghiệp và tiếp cận các dự án thực tế tại các phòng thí nghiệm cũng như tại doanh nghiệp trong quá trình học. Từ đó, các báo cáo viên cũng đưa ra thực trạng về việc xây dựng bài tập thực hành, thực tập và đề xuất các giải pháp. Đại diện Khoa Các khoa học ứng dụng đề xuất phân chia lại tỷ lệ chia giữa giờ lý thuyết, bài tập và thực hành cho các môn và các chương trình; lập kế hoạch, lộ trình dài hơi, ưu tiên thiết kế cho các môn có nhiều sinh viên theo học, các môn cốt lõi của từng chuyên ngành trước nhất; mở rộng hệ thống phòng thí nghiệm, phòng thực hành chuyên biệt theo từng ngành đào tạo; áp dụng một số phương pháp đổi mới hoạt động giảng dạy thực hành như thảo luận, làm việc nhóm qua các projects hay đổi mới giảng dạy thực hành gắn với doanh nghiệp.

Đại diện các đơn vị trong Trường đưa nhiều giải pháp, đề xuất giúp tăng cường việc thực hành, thực tập cho sinh viên.

Đại diện Khoa Kinh tế – Quản lý có đề xuất trang bị các phần mềm mô phỏng để sinh viên có thể thực hành khi có nhu cầu; đầu tư cơ sở vật chất (máy tính, phòng thực hành) để thuận lợi cho sinh viên và giảng viên trong việc thực hành; trang bị các cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc xây dựng bài tập, thực hành, thực tập được thuận lợi (ví dụ Bloomberg platform, Thomson data stream).

PGS.TS. Vũ Văn Tích – Trưởng ban Khoa học công nghệ ĐQHGHN, khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng bài tập, thực hành, thực tập cho các chương trình đào tạo.

Trong phần phát biểu chia sẻ tại workshop, PGS.TS. Vũ Văn Tích, Trưởng ban Khoa học công nghệ ĐHQGHN, đánh giá cao việc Trường Quốc tế tổ chức buổi workshop ngày hôm nay. Những buổi trao đổi mở như thế này sẽ góp phần cụ thể hóa việc xây dựng hệ thống bài tập, thực hành, thực tập phục vụ các ngành đào tạo tại Trường Quốc tế. PGS.TS. Vũ Văn Tích nhấn mạnh, hiện nhiều trường đại học còn thiếu phòng thí nghiệm, thiếu môi trường doanh nghiệp để sinh viên thực tập, Trường Quốc tế nên đẩy mạnh việc hợp tác với các doanh nghiệp để thành lập các trung tâm, phòng nghiên cứu chung, ở đó các giảng viên vừa có thể tiến hành các hoạt động nghiên cứu gắn với doanh nghiệp, vừa hướng dẫn sinh viên thực tập, thực tế. Nhà trường nên tập trung nguồn lực xây dựng trung tâm thực hành chung cho khối ngành lớn. Về phía ĐHQGHN luôn sẵn sàng tiếp nhận những đề xuất từ phía đơn vị để có cơ chế hỗ trợ thành lập những trung tâm thực hành như vậy, trở thành mô hình thí điểm trong toàn ĐHQGHN. Cụ thể, PGS.TS. Vũ Văn Tích đề nghị, sau buổi workshop ngày hôm nay, Trường Quốc tế cần tổng hợp danh sách, lập bản đồ các phòng thí nghiệm cần thiết phục vụ cho các ngành đào tạo và sớm đề xuất lên ĐHQGHN.

PGS.TS Nguyễn Văn Định – Phó Hiệu trưởng nhà trường – phát biểu tổng kết trong chương trình.

Sau một ngày làm việc tích cực và hiệu quả, workshop “Xây dựng hệ thống bài tập, thực hành, thực tập phục vụ các ngành đào tạo tại Trường Quốc tế” đã kết thúc thành công tốt đẹp. Các ý kiến, giải pháp đưa ra trong workshop sẽ là cơ sở để nhà trường lên kế hoạch xây dựng các phòng thí nghiệm thực hành, hệ thống bài tập thực tế phù hợp với từng chương trình đào tạo.

Khách mời và người tham dự chương trình workshop chụp ảnh lưu niệm.