VISL Talks No.2: “Các yếu tố tác động đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp”


Nằm trong chuỗi hoạt động tăng cường trao đổi, giao lưu chuyên môn học thuật, ngày 26/4/2023, Câu lạc bộ Nhà Khoa học Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (VISL) phối hợp cùng Khoa Kinh tế và Quản lý tổ chức workshop No.2 với chủ đề “Các yếu tố tác động đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp – So sánh đa ngành sử dụng phương pháp Z-score”. Diễn giả tại chương trình là TS. Nguyễn Phú Hưng – giảng viên Khoa Kinh tế và Quản lý, Trường Quốc tế. Tham dự chương trình có các giảng viên, nhà khoa học cùng đông đảo các bạn sinh viên quan tâm.

TS Nguyễn Phú Hưng là giảng viên có kinh nghiệm nghiên cứu về các doanh nghiệp.

Xuất phát từ câu hỏi cơ bản của mọi nhà đầu tư: “Với nguồn lực hữu hạn, doanh nghiệp nên chọn trọng điểm ngành nào để đầu tư?”, các doanh nghiệp cần tìm một phương pháp so sánh giữa các ngành để chọn ngành có tiềm năng tốt hơn. Bài nghiên cứu của TS Nguyễn Phú Hưng đề cập đến 4 câu hỏi chính. Thứ nhất, phân tích mỗi ngành cần đề cập các nội dung gì? Thứ hai, khi phân tích ngành, cần lựa chọn các nhóm chỉ số nào là đủ dùng? Ví dụ, làm sao các chỉ số phải đơn giản, dễ thu thập, bao quát các khía cạnh, ít tốn kém khi thực hiện. Thứ ba, khi phân tích so sánh đa ngành, tính khả dụng của các thang đo/chỉ số trong từng ngành có khác nhau? Ví dụ có yếu tố tác động nhiều ở ngành này nhưng lại không có ý nghĩa ở ngành khác. Cuối cùng, đã chọn ngành rồi, nên chọn doanh nghiệp nào trong ngành đó để đầu tư?

Khung phân tích “Sustainability” đánh giá doanh nghiệp qua góc nhìn tính bền vững của doanh nghiệp ở 3 khía cạnh: Kinh tế, Xã hội, và Môi trường. Duy trì sự Bền Vững của doanh nghiệp tức là chọn chiến lược kinh doanh và đầu tư sao cho tối đa hóa lợi ích của doanh nghiệp và các bên liên quan hiện tại, đồng thời cân bằng chúng với nhu cầu của các bên liên quan trong tương lai, đồng thời cải thiện giá trị của cổ đông và lợi nhuận của công ty.

Khi đánh giá mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp, mỗi khía cạnh sức khỏe của doanh nghiệp, được thể hiện bởi một nhóm các chỉ số, như kết quả tài chính (EBITDA margin, ROA, ROE); Quy mô doanh nghiệp (Natural Log of Total Sales); Sự dồi dào về Tiền mặt; Tốc độ tăng trưởng; Tài sản hữu hình; Tính thanh khoản; Đòn bẩy Leverage. v.v. Có quá nhiều chỉ số nên thực hiện công tác đánh giá khá phức tạp, lẫn lộn, các tác động bị hòa tan, dẫn tới nhu cầu phải đơn giản hóa, hay tinh giản các bộ chỉ số, và làm sao kết hợp thành một index cho toàn ngành để so sánh. Tiếp cận của học giả Altman (1986) sử dụng Z-score được nhiều doanh nghiệp tư vấn vận dụng. Nghiên cứu này cũng vậy, đơn giản hóa mô hình gốc của Altman để vận dụng phân tích các yếu tố tác động đến kết quả của doanh nghiệp của một ngành. Mô hình tìm được sau đó được sử dụng để tính “Chỉ số phát triển bền vững của công ty” (CSI – Corporate Sustainability Index) cho các doanh nghiệp toàn ngành. Các doanh nghiệp sau đó được sắp xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp. Danh sách thứ tự này sẽ giúp các nhà đầu tư ra quyết định lựa chọn (ví dụ, cổ phiếu của các doanh nghiệp thuộc top 25% sẽ được coi là nhóm doanh nghiệp an toàn, cổ phiếu của các doanh nghiệp thuộc nhóm 10% dưới cùng nên được bán đi.

Phần trình bày của TS Nguyễn Phú Hưng thu hút sự quan tâm của người tham dự.

Đặc biệt, trong bài trình bày, diễn giả cũng chia sẻ việc thu thập, tổng hợp dữ liệu do chính các sinh viên Trường Quốc tế thực hiện dưới sự hướng dẫn và giúp đỡ của giảng viên, kết hợp cùng việc khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp trong những buổi đi thực tế trong chương trình học.

“Hiện tại, tôi cũng có quan tâm tới nội dung này và dự định sẽ triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu có liên quan tới phương pháp Z-score, vì vậy thông qua workshop ngày hôm nay, tôi đã có thêm nhiều kiến thức và cách tiếp cận mới, giúp ích cho hướng nghiên cứu của mình”, TS. Lê Thị Thu Hường, giảng viên Khoa Kinh tế và Quản lý, trao đổi.

Diễn giả chụp ảnh lưu niệm cùng người tham dự chương trình.

VISL workshop No.2 với chủ đề “Các yếu tố tác động đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp” đã giúp các giảng viên, nhà khoa học và sinh viên đã hiểu rõ hơn về phương pháp Z-score để có thể áp dụng rộng rãi trong các nghiên cứu hay bài báo. Trong thời gian tới, Câu lạc bộ Nhà Khoa học Trường Quốc tế sẽ tiếp tục tổ chức nhiều workshop hữu ích nhằm nâng cao hơn nữa năng lực nghiên cứu của các cán bộ, giảng viên và sinh viên trong và ngoài trường.

Hạnh Hương
Phòng KHCN&HTPT