Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội: Độc lập – Tự chủ – Hạnh phúc


Ngày 20/7/2022, Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức chương trình Gặp mặt cựu cán bộ, giảng viên, cán bộ, giảng viên nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Truyền thống.

Chương trình diễn ra trong không khí ấm cúng, thân mật, như một buổi hẹn của những người thân xa nhau lâu ngày mới được gặp lại.

Chương trình Gặp mặt cựu cán bộ, giảng viên, cán bộ, giảng viên diễn ra trong không khí ấm cúng, thân mật.

Tham dự chương trình có Ban Giám hiệu Trường Quốc tế; nguyên lãnh đạo Khoa Quốc tế Việt – Nga, Khoa Quốc tế; các cựu cán bộ, cựu giáo chức cùng toàn thể các cán bộ, giảng viên nhà trường. Chương trình cũng vinh dự được đón tiếp GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Trưởng Ban Đào tạo ĐHQGHN, Giám đốc chương trình Tự động hóa và Tin học đến tham dự và chúc mừng nhà trường.

Hiệu trưởng Trường Quốc tế Lê Trung Thành chia sẻ vì Trường Quốc tế là đơn vị tự chủ, có Kỷ luật

nên Độc lập và Hạnh phúc.

Trong bài phát biểu chào mừng, Hiệu trưởng Trường Quốc tế Lê Trung Thành gây ấn tượng mạnh với tuyên bố “Trường Quốc tế, từ ngày đầu thành lập là Khoa Quốc tế Việt Nga, rồi Khoa Quốc tế, đã là đơn vị tự chủ về tài chính. Chính vì điều này nên Trường Quốc tế luôn phải nỗ lực, làm việc đổi mới, sáng tạo nhiều hơn, các cán bộ, giảng viên cũng cố gắng làm việc tận tâm 24h một ngày, 7 ngày một tuần như ngày 24/7 là con số ngày sinh của Nhà trường. Và vì chúng ta Độc lập nên chúng ta tuân thủ Kỷ luật và tự Kỷ luật cao nhất. Có Tự chủ, Độc lập và Kỷ luật thì sẽ đạt được Hạnh phúc ”, PGS.TS Lê Trung Thành chia sẻ. Hiệu trưởng Trường Quốc tế khẳng định có được những thành quả như ngày hôm nay sau 20 năm, Nhà trường thực sự biết ơn sâu sắc các thế hệ cán bộ, giảng viên đi trước đã tận tâm tận lực cống hiến, các đơn vị đối tác trong và ngoài nước đã luôn sát cánh trên mỗi chặng đường.

Các thế hệ cán bộ của Khoa Quốc tế Việt – Nga, Khoa Quốc tế chia sẻ cảm xúc và kể những câu chuyện thú vị.

Sau phần phát biểu của PGS.TS Lê Trung Thành là phần chia sẻ các nguyên lãnh đạo Khoa Quốc tế, các cán bộ, giảng viên của nhà trường. Qua phần chia sẻ của TSKH Nguyễn Trọng Do – nguyên Chủ nhiệm Khoa (giai đoạn 2003 – 2014), TS Phùng Trọng Toản – nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa (giai đoạn 2002 – 2008), các cán bộ, giảng viên đã hiểu rõ hơn về lịch sử hình thành Trường Quốc tế cũng như giai đoạn phát triển thăng có trầm có của Nhà trường. Người tham dự cũng được nghe về những khó khăn, thách thức ban đầu các cán bộ đầu tiên làm việc tại Khoa Quốc tế Việt – Nga. Câu chuyện, chia sẻ thực sự giúp người tham dự hiểu thêm về ngôi trường mà mình gắn bó, khơi dậy niềm tự hào được làm việc và cống hiến cho đơn vị.

Những tiết mục cây nhà lá vườn mang đặc trưng Trường Quốc tế khiến không khí trở nên náo nhiệt.

Một điểm đặc biệt trong chương trình là phần vinh danh các cán bộ có thời gian công tác lâu dài tại Trường. Với 20 tuổi đời nhưng Trường Quốc tế đã có được một đội ngũ cán bộ, giảng viên tâm huyết, có mong muốn được cống hiến và làm việc lâu dài. Phần vinh danh thể hiện sự quan tâm, và tri ân đến các ISers.

Trường Quốc tế vinh danh các các cán bộ có thời gian làm việc từ 5 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm.

“Qua chương trình Gặp mặt hôm nay, tôi đã hiểu thêm về Nhà trường, về bạn bè đồng nghiệp. Tôi và các đồng nghiệp sẽ phát huy thành tựu của thế hệ trước và tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của Nhà trường”, TS. Trần Quang Tuyến, chuyên gia Trường Quốc tế, chia sẻ.

TS. Phạm Ngọc Thành, giảng viên mới về Trường công tác, bày tỏ niềm vui và vinh dự khi có mặt đúng dịp lễ trọng đại. “Tôi thấy yêu thích môi trường làm việc nơi đây, vì tôi được tạo điều kiện để có thể tham gia vào mọi hoạt động của Trường, được phát huy khả năng của bản thân. Tôi mong mình sẽ hòa nhập tốt tại ngôi nhà thứ hai và sẽ được đóng góp nhiều cho sự phát triển của Nhà trường”, thầy Phạm Ngọc Thành bày tỏ.

Các cán bộ Phòng Đào tạo qua các thời kỳ. Phòng Đào tạo là phòng được thành lập đầu tiên

cùng Phòng Tổ chức – Hành chính.

Chương trình Gặp mặt cựu cán bộ, giảng viên, cán bộ, giảng viên đã thực sự trở thành cầu nối giữa các thế hệ cán bộ, giảng viên cũ và mới, giúp mọi người hiểu nhau hơn, gắn kết hơn. Tất cả đều có một điểm chung là tình cảm, sự gắn bó với “ngôi nhà chung VNU-IS” cùng mong muốn được đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển của Trường.