Tọa đàm về năng lực số và sáng tạo để tăng cường hiệu quả doanh nghiệp và tạo chiến lược khác biệt


Ngày 18/04/2023, Khoa Kinh tế và Quản lý, Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học với chủ đề “Năng lực số và sáng tạo để tăng cường hiệu quả doanh nghiệp và tạo chiến lược khác biệt dựa trên trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR)”.

Diễn giả của chương trình là TS. Lê Hương Linh và TS. Bùi Mỹ Trinh – giảng viên của Khoa Kinh tế và Quản lý. TS. Lê Hương Linh và TS. Bùi Mỹ Trinh là những giảng viên có năng lực nghiên cứu tốt, có nhiều công bố quốc tế về các lĩnh vực kinh tế – quản trị như quản trị công ty, ứng dụng công nghệ thông tin trong doanh nghiệp. 

TS. Lê Hương Linh và TS. Bùi Mỹ Trinh (ở giữa) là diễn giả của tọa đàm.

Chủ đề của tọa đàm là một trong những vấn đề nổi bật trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh các công ty phát triển các kỹ năng nội tại của mình để đối phó với những thách thức bên ngoài bắt nguồn từ quá trình số hóa và cuộc khủng hoảng COVID-19. Tại tọa đàm, TS. Lê Hương Linh và TS. Bùi Mỹ Trinh đã trình bày kết quả nghiên cứu về cách thức các công ty sử dụng năng lực kỹ thuật số và sáng tạo của họ để cải thiện hiệu suất trong thời kỳ đại dịch và thúc đẩy các hoạt động trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) của họ. Nghiên cứu đã tiến hành phân tích hai bước với phạm vi nghiên cứu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) tại Việt Nam. Đầu tiên, dữ liệu của 151 doanh nghiệp tại Việt Nam được thu thập và phân tích định tính để hiểu năng lực kỹ thuật số và hiệu suất xuất khẩu của họ. Sau đó, Smart PLS phiên bản 3 được sử dụng để phân tích dữ liệu định lượng mở rộng của 329 doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các ngành khác nhau.

Nghiên cứu này đóng góp vào các lý thuyết về năng lực động với ý nghĩa phát triển năng lực kỹ thuật số và sáng tạo để nâng cao hiệu suất và chiến lược khác biệt hóa CSR trong việc đối phó với các thách thức bên ngoài, đặc biệt là trong các đại dịch toàn cầu. Ngoài ra, nghiên cứu cũng làm phong phú thêm tài liệu về CSR bằng cách xem CSR như mục tiêu đạt được của công ty hoặc hoạt động tự nguyện thay vì như một công cụ để nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty; cung cấp nền tảng cho các nhà nghiên cứu quốc tế hóa, các nhà hoạch định chính sách và các nhà thực hành để đối mặt với những trở ngại và vượt qua các rào cản, nâng cao khả năng kỹ thuật số và sáng tạo, tham gia vào các nền tảng kỹ thuật số và hưởng lợi từ các hoạt động tiếp thị quốc tế, bán lẻ quốc tế và CSR.

Diễn giả chụp ảnh lưu niệm cùng người tham dự tọa đàm.

Trong khuôn khổ tọa đàm, người tham dự đã thảo luận sôi nổi về tính mới và ý nghĩa thực tiễn của nghiên cứu này tại Việt Nam; cách thức tính toán quy mô mẫu, lựa chọn doanh nghiệp và đối tượng tham gia giả khảo sát; những thách thức trong triển khai nghiên cứu thử nghiệm và sau đó là nghiên cứu chính thức của chủ đề này; phương pháp xử lý dữ liệu và độ tin cậy của dữ liệu nghiên cứu; các hàm ý thực tiễn cho doanh nghiệp Việt Nam. Chủ đề nghiên cứu có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cao, góp phần gợi mở nhiều giải pháp liên quan đến đổi mới doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, Trường Quốc tế sẽ tiếp tục triển khai các buổi tọa đàm với nhiều chủ đề đa dạng, nhằm tăng cường sự chia sẻ và kết nối trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học giữa các cán bộ giảng viên giữa các khoa cũng như các nhà khoa học có quan tâm.

Nghiêm Xuân Hòa
Ảnh: Bùi Vũ Lương
Khoa Kinh tế và Quản lý