Tiếp nối truyền thống 20 năm: Cần phải thay đổi tư duy làm đoàn để phù hợp với tầm vóc mới


Tại Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Quốc tế, ĐHQGHN lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2022-2024 vừa qua, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Lê Trung Thành đã có bài phát biểu tâm huyết với những gửi gắm, chỉ đạo tới đội ngũ Ban chấp hành khóa mới và đoàn viên thanh niên.
Hiệu trưởng Lê Trung Thành cùng Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Công đoàn Trường và Lãnh đạo các Phòng/Khoa/Trung tâm và toàn thể cán bộ, giảng viên Trường Quốc tế đã tới tham dự Đại hội VIII của Đoàn Thanh niên ngày 16/4/2022 vừa qua. Đây là nguồn động viên vô cùng to lớn, góp phần tạo nên một kỳ Đại hội thành công, tập trung dân chủ, thể hiện được trí tuệ và sự đồng lòng của đoàn viên thanh niên Trường Quốc tế.

Qua bài phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Bí thư Đảng ủy Lê Trung Thành đã biểu dương tinh thần vượt khó của Ban chấp hành Đoàn Thanh niên Khóa VII khi đã xuất sắc vượt qua “nhiệm kỳ Covid-19” với nhiều giải pháp khả thi để chuyển mình thích ứng với đại dịch, khiến cho hoạt động đoàn và phong trào thanh niên của Trường không bị gián đoạn, thậm chí còn có những bước phát triển vượt bậc, giải quyết được các vấn đề tồn tại của nhiệm kỳ trước, trong đó không thể không nhắc đến vai trò chỉ đạo, hướng dẫn từ phía Đoàn ĐHQGHN.
PGS.TS Lê Trung Thành khẳng định, với tầm vóc hiện tại của Trường Quốc tế, các giải pháp và cách thức hoạt động của Ban chấp hành Đoàn Trường Khóa VII cần phải có sự chuyển mình phù hợp hơn: “Tôi hy vọng rằng, Ban chấp hành Đoàn Trường Khóa VIII cần chú trọng tập trung sử dụng, tận dụng, khai thác tối đa nguồn lực mà Trường Quốc tế, ĐHQGHN sẵn có, cần có giải pháp để phát huy thế mạnh của đoàn viên thanh niên bằng chính sự nhiệt huyết, kinh nghiệm của đoàn viên thanh niên. Đoàn Trường cần có sự đổi mới căn bản trong tư duy, chuyển hóa vào giải pháp để các hoạt động đoàn và phong trào thanh niên đi vào đúng mục tiêu phát triển của từng đối tượng đoàn viên, phân tích cụ thể cái chung – cái riêng để xây dựng mục tiêu hành động phù hợp. Mục tiêu cần đạt tối đa là phát triển trí tuệ, tuy nhiên nếu chỉ biết học, học nữa, học mãi mà không có sự phát triển, thoát ra khỏi vòng lặp đó thì chúng ta sẽ khó mà bước sang một trang sách mới”.

Bên cạnh việc thay đổi “tư duy làm đoàn”, Hiệu trưởng nhà trường cũng nhấn mạnh vai trò của đội ngũ cán bộ trẻ trong công tác đoàn: “Cán bộ trẻ cần cố gắng nhúng mình vào các bài toán khó, tiên phong đổi mới để phát triển được tư duy trong công tác đoàn và phong trào thanh niên sao cho phù hợp với bối cảnh mới của Trường Quốc tế, giải quyết được các đề căn bản, dám dấn thân để làm được những việc lớn hơn, từ đó để bản thân và tập thể tiến xa hơn trên con đường phát triển và xa hơn là cùng định hướng, giúp đỡ các thế hệ đoàn viên là sinh viên cùng phát triển”.

Bốn phép toán “cộng – trừ – nhân – chia” được Thầy lấy làm biểu trưng cho phong cách làm đoàn trong bối cảnh mới của Trường Quốc tế: “Tôi cũng mong rằng Ban chấp hành Đoàn Trường Khóa VIII sẽ thực hiện tốt 4 phép tính cộng – trừ – nhân – chia. Phép cộng – cộng đồng, cộng tâm, cộng lực, tức là chúng ta cùng nhau rèn luyện, hoạt động, tất cả mọi người cùng nhau làm việc để công việc hoàn thiện nhanh hơn, cùng nhau giải quyết tất cả những bài toán khó, cùng học học hỏi trong con đường làm đoàn. Phép trừ – hãy loại bỏ cái “ego” của các cá nhân, gộp những vòng tròn cá nhân được giao nhau tại một điểm để cùng nhau xây dựng cộng đồng, để hòa chung được cộng đồng 5000 đoàn viên, mà sau này lớn hơn con số 5000 rất nhiều. Hãy dành thời gian cho các hoạt động Đoàn để phát triển bản thân bởi những hoạt động, sự kiện quan trọng sẽ cho các bạn những kinh nghiệm, những bài học mới. Phép nhân – làm cùng nhau, kết hợp với nhau, bởi công việc một mình khác với việc tập thể, hãy đồng hành cùng mọi người hoàn thiện công việc để tạo công việc đạt hiệu quả cao nhất; đồng hành, đồng sự với cộng đồng xã hội để mang lại tri thức, chia sẻ cách làm, cho đi nhiều nhất để nhận lại nhiều hơn. Phép chia – chia như thế nào để nhận lại vô cùng, nếu có thời gian hãy chia thời gian của mình cho người khác, nếu có kiến thức hãy chia kiến thức cho người khác, có kinh nghiệm chia sẻ kinh nghiệm cho mọi người, … Nhưng chia như thế nào cho trí tuệ mới là nghệ thuật, đây mới là điều quan trọng để phát triển Đoàn trường, phát triển Trường Quốc tế. Đỉnh cao của phép chia là tùy vào năng lực để cho đi vô điều kiện, cho tiếng cười, sức lực, hiểu biết, trí tuệ,… Tinh thần cho đi cần được thực hành mọi lúc mọi nơi một cách trí tuệ”.

Qua bài phát biểu của mình, Hiệu trưởng Lê Trung Thành đã thay mặt cho Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường cùng toàn thể cán bộ, giảng viên biểu dương, khen ngợi tinh thần vượt khó, biểu dương tinh thần đoàn viên với ngọn lửa nhiệt huyết luôn sáng rực, đồng thời gửi gắm tâm huyết, hy vọng vào Tuổi trẻ Trường Quốc tế mà Ban chấp hành Đoàn Trường Khóa VIII là lực lượng nòng cốt.

Hoàng Thủy
BCH Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Quốc tế, ĐHQGHN, Khóa VIII, nhiệm kỳ 2022-2024