Sự chú ý vào việc phóng vệ tinh và biến động tương quan lợi nhuận của cổ phiếu


Ngày 19/12/20022, Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức tọa đàm với chủ đề “Sự chú ý vào việc phóng vệ tinh và biến động tương quan lợi nhuận của cổ phiếu”.

Diễn giả tọa đàm là PGS.TS Đỗ Xuân Hùng – Phó Giáo sư chuyên ngành Tài chính và Giám đốc Chương trình Thạc sĩ Tài chính tại Trường Kinh doanh Massey (MBS), New Zealand; thành viên của Ủy ban Đảm bảo học tập của MBS và cũng là thành viên của hội đồng quản trị MBS từ năm 2019 đến năm 2020. PGS.TS Đỗ Xuân Hùng có thời gian làm việc cho các ngân hàng lớn ở Australia như Westpac và Commonwealth Bank of Australia. Ông đã từng là giảng viên tại Trường Kinh doanh, Đại học Monash Malaysia; cộng tác viên nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Công nghệ, Sydney. Chuyên môn của ông là về Kinh tế lượng và Phân tích thống kê cho Ngân hàng và Tài chính. Diễn giả có nhiều bài nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế được xếp hạng cao, bao gồm Tạp chí Nghiên cứu Hoạt động Châu Âu, Kinh tế Năng lượng, Tạp chí Thị trường Tài chính, Tạp chí Quốc tế về Phân tích Tài chính, Tạp chí Kinh tế và Tài chính Bất động sản.

Diễn giả tọa đàm là PGS.TS Đỗ Xuân Hùng – Phó Giáo sư chuyên ngành Tài chính và Giám đốc Chương trình Thạc sĩ Tài chính tại Trường Kinh doanh Massey (MBS), New Zealand.

Theo diễn giả, các vụ phóng vệ tinh có thể làm xao nhãng sự chú ý của các nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán. Do khả năng phân tích thông tin là giới hạn, các nhà đầu tư phân bổ sự chú ý của mình vào các đột biến thị trường nhiều hơn so với các đột biến cụ thể của doanh nghiệp, khiến cho lợi nhuận cổ phiếu biến động tương quan với thị trường cao hơn vào những ngày phóng vệ tinh hơn. Luận điểm này được nhóm tác giả đưa ra với các bằng chứng hỗ trợ, thông qua phương thức nghiên cứu việc phóng vệ tinh của Mỹ và sự biến động tương quan của thị trường chứng khoán Mỹ. Họ cũng chỉ ra rằng các nhà đầu tư chú ý nhiều hơn đến các lần phóng vệ tinh thám hiểm, vệ tinh có tính chất đột phá, vệ tinh có người lái và các lần phóng thất bại, dẫn đến sự gia tăng tương quan của lợi tức. Hơn nữa, sự cạnh tranh trong ngành hàng không vũ trụ quốc tế dường như thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư Mỹ nhiều hơn qua bằng chứng thu được trong thời kỳ Xô Viết và đối với các vụ phóng vệ tinh của Nga, Trung Quốc và Ấn Độ, dẫn đến sự tương quan lợi tức cao hơn. Kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả là đáng tin cậy và đồng nhất qua nhiều thử nghiệm khác nhau, kể cả với mẫu nghiên cứu đã loại trừ các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp hàng không vũ trụ. Cuối cùng, nhóm tác giả đưa ra một ứng dụng tài chính quan trọng bằng cách thiết kế một chiến lược đầu tư nhằm khai thác khả năng định giá sai do vệ tinh gây ra trong khoảng thời gian ngắn, mang lại lợi nhuận bất thường hàng năm được điều chỉnh theo rủi ro lên tới 17% trong khoảng thời gian ba ngày xung quanh ngày phóng vệ tinh.

Chủ đề của tọa đàm thu hút sự quan tâm của các giảng viên Khoa Kinh tế và Quản lý.

Trong phần thảo luận, người tham dự đã tích cực đặt câu hỏi và trao đổi sôi nổi với diễn giả. Một số câu hỏi như “Cách lấy dữ liệu về hệ số rủi ro được định giá thấp và hệ số rủi ro được định giá cao như thế nào?”, “Kết quả của bài nghiên cứu tập trung vào các nhà đầu tư riêng lẻ hay các tổ chức đầu tư lớn?” hay “Mô hình nghiên cứu có phải được dựa trên mô hình Fama French hay không và tính thực tiễn của nó có cao không? Bên cạnh đó, một số thầy, cô cũng có một số câu hỏi về thị trường cổ phiếu tại Việt Nam như “Các yếu tố nào hay các đột biến thị trường nào ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của Việt Nam?” hay “Thanh khoản có phải là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tỉ suất sinh lời của từng cổ phiếu tại Việt Nam hay không?” Tất cả các câu hỏi đều được diễn giả giải đáp một cách chi tiết, cụ thể.

Diễn giả chụp ảnh cùng các giảng viên của nhà trường.

Trong thời gian tới, Trường Quốc tế sẽ tổ chức các buổi tọa đàm với nhiều chủ đề đa dạng, nhằm tăng cường sự chia sẻ và kết nối trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học giữa các cán bộ giảng viên của Khoa Kinh tế và Quản lý với các cán bộ giảng viên của nhà trường cũng như các nhà khoa học khác có quan tâm.

Nguyễn Tuấn Minh
Khoa Kinh tế và Quản lý