Sinh viên Trường Quốc tế lần đầu đạt giải cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc” cấp Bộ


Vượt qua 1364 thí sinh vào vòng chung khảo trên tổng số hơn 1,2 triệu thí sinh dự thi tại gần 7.800 trường học, cơ sở đào tạo trong cả nước, sinh viên Nguyễn Thị Ngọc Mai, sinh viên ngành Khoa học quản lý, liên kết giữa Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) và Trường Đại học Keuka, Hoa Kỳ, đã vinh dự đạt giải Khuyến khích cấp Trường Đại học cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc” cấp Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch.

Nguyễn Thị Ngọc Mai từng giành giải Nhì cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc” cấp Trường và cấp ĐHQGHN. Với Ngọc Mai, “sách vừa là bạn, vừa là thầy, vừa là tấm hộ chiếu quyền năng cho những cuộc phiêu lưu bất tận”. Chúng tôi đã có bài phỏng vấn với “Đại sứ Văn hóa đọc” cấp Bộ, xin mời quý độc giả cùng theo dõi.

– Chúc mừng bạn đã đạt giải Khuyến khích cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc” cấp Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch. Hành trình đến với cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc” năm 2022 có gì để lại ấn tượng sâu sắc với bạn?


Sinh viên Nguyễn Thị Ngọc Mai nhận giải thưởng tại Lễ trao giải Đại sứ Văn hóa đọc năm 2022, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du

lịch tổ chức.

– Để nói về những ấn tượng mà cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc” năm 2022 mang lại thì có quá nhiều điều em không thể nói hết ngay lúc này. Tuy nhiên, điều em ấn tượng sâu sắc nhất chính là sự đồng hành và hỗ trợ hết mình của của các thầy, cô Trường Quốc tế. Các thầy, cô đã luôn hỗ trợ em nhiệt tình từ vòng thi cấp cơ sở, cấp ĐHQGN cho đến cấp Bộ, thậm chí các cô còn thức đêm để chỉnh sửa bài dự thi giúp em trước khi gửi đi. Sự nhiệt tình và tận tâm của các cô đối với thí sinh đã đóng góp không nhỏ vào thành tích em đạt được – giải thưởng quý giá – của ngày hôm nay.

– Để trở thành một “Đại sứ văn hóa đọc” thì trước hết phải là “mọt sách”, bạn nghĩ vậy là đúng hay không? Tại sao?

– Theo như cách hiểu của em, “mọt sách” là cụm từ được sử dụng để chỉ người sống xa thực tế, hiểu biết cũng phần lớn qua sách vở mà mình đọc. Tuy nhiên, em nghĩ, đọc sách khác xa “mọt sách” và để trở thành “Đại sứ văn hóa đọc” thì không nhất thiết bản thân phải là “mọt sách” trước tiên. Đại sứ văn hóa đọc là người có trách nhiệm khuyến khích, lan tỏa và thúc đẩy phong trào, tình yêu đối với sách và văn hóa đọc trong xã hội. Để làm được điều đó, những “đại sứ” phải là những người có nhận thức đủ và đúng đắn về văn hóa đọc và những trải nghiệm thực tế liên quan mà sẽ không thể có được nếu chỉ miệt mài đọc sách. Em tin chắc rằng những ý tưởng khuyến đọc được các đại sứ đưa vào sản phẩm dự thi đều được đúc kết từ những trải nghiệm thực tế liên quan đến sách, đó có thể là một chuyến đi thăm lớp học bản cao, nơi giấc mộng đầy đủ sách vở còn quá xa vời của các em học sinh nghèo.

Bản thân em cũng là người đọc khá nhiều sách vì em may mắn được rèn thói quen đọc từ nhỏ. Tuy nhiên, em nghĩ mọi người không nên quá ưu ái khen ngợi những người chỉ biết đọc. Đọc sách có thể là thú vui tao nhã, nhưng đọc sách để trở thành “mọt sách” và đắm chìm trong thế giới sách vở thì cần phải xem lại. Và cái cốt lõi không phải là một người đã đọc bao nhiêu sách mà là người đó đã làm được những gì giá trị cho bản thân và xã hội.

– Trong thời gian tới, bạn sẽ làm gì để tiếp tục góp phần quảng bá văn hóa đọc đến toàn thể các bạn sinh viên Trường Quốc tế?

– Để góp phần lan tỏa tình yêu sách đến với các bạn sinh viên Trường Quốc tế, em sẽ bắt đầu từ việc quảng bá sách và văn hóa đọc đến với các bạn sinh viên trong Chi đoàn VISK2021A1 của mình. Em sẽ tích cực giới thiệu các đầu sách ngoại văn, sách chuyên ngành phục vụ cho quá trình học tập trên lớp, gợi ý thư viện, hiệu sách như một điểm đến lý tưởng cho những buổi gặp gỡ, kết nối, hay đơn giản là những ngày đi chơi thường nhật, lựa chọn sách làm quà tặng sinh nhật, Giáng sinh. Khi văn hóa đọc đã thực sự mang lại những hiệu ứng tích cực trong một tập thể nhỏ, nó sẽ có khả năng lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa trong một môi trường lớn như Trường Quốc tế của chúng ta.

Ngọc Mai là sinh viên đầu tiên được nhận giải thưởng ở cấp thi cao nhất của cuộc thi.

– Là một sinh viên, bạn nghĩ gì về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của sách. Bạn sẽ sử dụng sách thế nào để đạt hiệu quả học tập tốt nhất? Ngoài sản phẩm dự thi này, bạn còn nghĩ đến những điều gì khác, những việc gì khác mình sẽ làm trong thời gian sắp tới, để lan toả tình yêu đọc sách tới bạn bè và những người xung quanh mình?

– Đối với bản thân em, sách vừa là bạn, vừa là thầy, vừa là tấm hộ chiếu quyền năng cho những cuộc phiêu lưu bất tận. Có thể nói, nếu không có sách và ngoại ngữ, em sẽ chẳng có lấy một phần trăm cuộc sống đầy lạc quan và nỗ lực như bây giờ. Em vẫn luôn tin vào một câu nói nổi tiếng của Neil Gaiman “A book is a dream that you hold in your hand.”
Để đạt hiệu quả học tập tốt nhất, em thường cân bằng việc đọc 2 thể loại sách fiction và non-fiction để tâm hồn không quá khô khan, lý trí và cũng không quá mộng mị, xa rời thực tế. Ngoài ra, em cũng ưu tiên chọn những cuốn sách phục vụ tốt nhất cho chuyên ngành mình học trên trường để vừa có thể đọc sách thư giãn mà không ảnh hưởng đến thời gian học cố định của bản thân.

Ngọc Mai từng giành giải Nhì cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc” cấp Trường.

Ngoài cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc”, em thường chọn thử thách bản thân mình ở những cuộc thi khác về sách như “Tủ sách sống”, “Cuốn sách thay đổi cuộc đời”,… để có thể vừa trải nghiệm học hỏi, vừa góp phần lan tỏa tình yêu sách và văn hóa đọc tới mọi người, đặc biệt là thế hệ học sinh, sinh viên. Ngoài ra, để niềm yêu thích sách có thể thực sự chạm tới tâm thức mọi người, em thường chọn sách làm quà tặng sinh nhật, Giáng sinh cho người thân, bạn bè hoặc giới thiệu những cuốn sách bản thân tâm đắc trong những cuộc tán gẫu, nói chuyện. Trong số những người bạn đó, có một vài người nhờ những cuốn sách em tặng và những ngày cùng em lang thang ở hiệu sách, đã thực sự trở nên yêu thích sách và trở thành một “mọt sách” thực thụ.

– Xin cảm ơn bạn vì nhưng chia sẻ thú vị. Chúc bạn sẽ tiếp tục gặt hái được thêm nhiều thành công trên chặng đường học tập sắp tới tại Trường Quốc tế.