Sinh viên ngành Kế toán – Tài chính lập “hattrick” tại cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc 3 năm liên tiếp


Nguyễn Anh Khoa – sinh viên ngành Kế toán và Tài chính, Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), thấy tự hào khi trở thành Đại sứ Văn hóa đọc cấp Trường trong 3 năm liền và 2 năm liên tiếp đoạt giải thưởng Đại sứ Văn hóa đọc cấp ĐHQGHN. Mặc dù là người trẻ thế hệ Gen Z nhưng Anh Khoa lại ham mê đọc sách và nhận thấy việc đọc sách có ý nghĩa đặc biệt.

Website Trường Quốc tế xin gửi bài phỏng vấn với Đại sứ Văn hóa đọc cấp Trường năm 2024.

Nguyễn Anh Khoa giành giải Đặc biệt cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc cấp Trường năm 2024.

– Xin được chúc mừng Đại sứ Văn hóa đọc Trường Quốc tế năm 2024. Ba lần tham gia cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc và ba lần bạn đều giành giải thưởng, bạn chắc có niềm đam mê lớn với đọc sách. Là người trẻ thế hệ Gen Z, theo bạn việc đọc sách có ý nghĩa như thế nào với các bạn trẻ?

– Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Đọc sách không chỉ là để biết mà còn để hành động.”, câu nói chứa đựng một thông điệp sâu sắc về tầm quan trọng của việc đọc sách và ứng dụng kiến thức vào thực tiễn. Khi còn là học sinh, đối với em, việc đọc sách là một điều khô khan và khó thực hiện lâu dài. Trên giá sách của em có rất nhiều sách, hầu hết là các quyển truyện tranh và truyện về các anh hùng lịch sử, những người nổi tiếng trên thế giới. Việc dùng internet đã hình thành nên thói quen thiếu kiên trì khi đọc sách của em, mỗi cuốn sách em không đọc hết quá một phần ba số trang sách, thay vào đó em sử dụng internet để tra cứu những điều em chưa biết hay xem phim mà em không muốn tìm hiểu qua sách. Sau những ngày tháng ôn thi vất vả, trở thành sinh viên năm Nhất của Trường Quốc tế, em đã thay đổi khá nhiều về nhận thức. Hà Nội có quá nhiều khác biệt so với quê hương của em, một thành phố náo nhiệt và phồn hoa, điều này đã khiến em có chút “ngợp”. Trong những lúc buồn chán, em đã đến thư viện Trường Quốc tế. Khi đứng trước các giá sách, bản thân em cảm thấy tò mò về các cuốn sách chuyên ngành, và từ đó, em đã có thêm một sở thích mới là đọc sách. Trải qua những ngày tháng năm Nhất, với những cuốn sách em đọc được, em đã dần hòa nhập với môi trường đại học và hứng thú trong việc đọc sách. Cuối năm Nhất, em đã biết đến cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc, và cuộc thi đã giúp em đúc kết và khám phá ra những giá trị sâu sắc và ý nghĩa của việc đọc sách. Là người trẻ thế hệ Gen Z, em nhận thấy việc đọc sách có ý nghĩa đặc biệt. Đầu tiên, sách là nguồn tri thức vô tận, giúp chúng em mở rộng tầm hiểu biết về thế giới xung quanh. Như Francis Bacon từng nói “Sách làm đầy căn phòng trống rỗng, làm bừng sáng những nơi u tối và làm vui lên những nơi trầm buồn.” Trong thời đại số hóa, khi thông tin được truyền tải qua nhiều phương tiện khác nhau, việc đọc sách vẫn giữ vững vai trò nền tảng trong việc cung cấp kiến thức chính xác và sâu rộng.

Nguyễn Anh Khoa chia sẻ tại tọa đàm phát triển văn hóa đọc của Nhà trường.

Việc đọc sách còn giúp chúng em phát triển kỹ năng tư duy phản biện và khả năng phân tích. Những cuốn sách các lĩnh vực khác nhau như khoa học, văn học, lịch sử hay triết học đều mở ra những góc nhìn mới, giúp chúng em suy nghĩ đa chiều và sâu sắc hơn. Đọc sách cũng là một cách tuyệt vời để giải trí và thư giãn. Trong cuộc sống bận rộn và căng thẳng hiện nay, việc ngồi xuống với một cuốn sách hay không chỉ giúp giảm stress mà còn đưa chúng em vào những thế giới mới, những câu chuyện đầy màu sắc và ý nghĩa.

Hơn nữa, đọc sách góp phần xây dựng kỹ năng giao tiếp và viết lách. Việc tiếp xúc với ngôn ngữ phong phú và đa dạng trong sách giúp chúng em cải thiện vốn từ vựng, cách diễn đạt và kỹ năng viết. Điều này rất quan trọng trong thời đại mà kỹ năng giao tiếp và viết lách đóng vai trò then chốt trong công việc và cuộc sống. Như Emily Dickinson đã từng nói “Không có con tàu nào giống như một cuốn sách để chúng ta đi tới những miền xa xôi nhất.”

Đọc sách còn giúp chúng em rèn luyện tính kiên nhẫn và khả năng tập trung. Trong khi các phương tiện truyền thông hiện đại thường khuyến khích sự phân tán chú ý, việc đọc sách đòi hỏi chúng em phải tập trung và kiên nhẫn để hiểu và cảm nhận từng trang sách. Đây là những kỹ năng cần thiết để thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào.

Cuối cùng, việc đọc sách khuyến khích tinh thần học hỏi suốt đời. Thế hệ Gen Z đang sống trong một thế giới thay đổi nhanh chóng, nơi mà kiến thức và công nghệ liên tục được cập nhật. Đọc sách là một cách để chúng em không ngừng học hỏi, phát triển bản thân và thích nghi với những thay đổi của thời đại. Như Malala Yousafzai từng nói “Một đứa trẻ, một giáo viên, một cuốn sách và một cây bút có thể thay đổi thế giới.” Vì vậy, đọc sách không chỉ là một sở thích cá nhân mà còn là một phần quan trọng của cuộc sống và sự phát triển bền vững của mỗi người trẻ trong thế hệ Gen Z.

Anh Khoa vinh dự nhận danh hiệu ‘Sinh viên 5 tốt’ cấp Trường, cấp ĐHQGHN và tỏa sáng tại cấp Thành phố Hà Nội trong năm 2023.

– Bạn có thể chia sẻ kinh nghiệm tham dự cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc của mình được không? Bí kíp nào để có thể giành được giải cao trong cuộc thi này?

– Em rất vui và tự hào khi được chia sẻ kinh nghiệm tham dự cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc của mình. Để giành được giải cao trong cuộc thi này, em đã chuẩn bị kỹ lưỡng và có những bí kíp riêng. Đầu tiên, em luôn dành thời gian để đọc thật nhiều sách từ nhiều thể loại khác nhau. Em tin rằng mỗi cuốn sách đều mang đến một bài học quý giá, một câu chuyện đáng suy ngẫm.

Khi tham gia cuộc thi, em đã suy nghĩ về giá trị mà cuộc thi muốn hướng tới, đối tượng mà Ban tổ chức muốn lan tỏa là ai và giá trị cốt lõi trong bài dự thi của em là gì. Các tác phẩm dự thi của em luôn hướng tới sự nhiệt huyết, trong sáng của tuổi trẻ, khát vọng cống hiến ngọn lửa sinh viên và thể hiện tình yêu thương gia đình và mới mọi người xung quanh. Bài dự thi năm 2024 của em đã có sự đột phá hơn, năm nay em muốn lồng ghép giá trị lịch sử dân tộc, niềm tự hào về bản sắc, con người Việt Nam và thể hiện tình yêu quê hương đất nước. Giá trị cốt lỗi của bài dự thi chính là chìa khóa để chạm đến xúc cảm của Ban Giám khảo chứ không chỉ là những dòng văn chương hay những thiết kế sinh động và lạ mắt.

Một bí kíp quan trọng khác là em luôn ghi chú và suy ngẫm về những điều đã đọc. Mỗi khi đọc xong một cuốn sách, em thường ghi lại những điểm nổi bật, những câu nói hay và ý nghĩa mà em tâm đắc. Việc này giúp em không chỉ nhớ lâu hơn mà còn dễ dàng áp dụng vào bài thi. Em cũng cố gắng viết các bài cảm nhận về sách để rèn luyện kỹ năng viết và diễn đạt. Đây là cách để em truyền tải cảm xúc và suy nghĩ của mình một cách chân thành và sâu sắc.

Ngoài ra, em luôn tìm hiểu kỹ về yêu cầu và tiêu chí của cuộc thi. Việc hiểu rõ mục tiêu và mong muốn của Ban Giám khảo giúp em chuẩn bị tốt hơn và không bị lệch hướng. Em cũng thường xuyên tham gia các buổi trao đổi, thảo luận về sách với bạn bè và thầy cô. Những cuộc trò chuyện này không chỉ giúp em mở rộng tầm nhìn mà còn học hỏi được nhiều ý kiến và quan điểm khác nhau.

Anh Khoa rất tích cực tham gia các hoạt động Đoàn thể.

Một điều quan trọng nữa là em luôn giữ vững tinh thần tự tin và không ngừng cố gắng. Em tin rằng mỗi cuộc thi là một cơ hội để thử thách bản thân và học hỏi. Dù kết quả có như thế nào, em luôn coi đó là một trải nghiệm quý báu. Cuối cùng, em luôn nhớ rằng đọc sách và thi cử không phải là mục tiêu cuối cùng. Điều quan trọng nhất là em đã trưởng thành và học được nhiều điều từ những cuốn sách và từ chính cuộc thi. Em hy vọng những kinh nghiệm và bí kíp trên sẽ hữu ích cho các bạn trẻ đam mê đọc sách và muốn tham gia cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc.

– Bạn giành giải Đặc biệt của cuộc thi năm nay với tác phẩm “Búp Sen Xanh” của nhà văn Sơn Tùng. Tại sao bạn lại chọn tác phẩm này để dự thi và thông điệp em muốn gửi đến mọi người qua tác phẩm này là gì?

– Em đã từng nghe những vần thơ ngọt ngào của bà, của mẹ ngay từ khi mới sinh ra:
“Tháp Mười đẹp nhất bông sen,
Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ.”
Đó là những lời thơ đầu tiên em được nghe, được đọc lại, dù em có thể chưa hiểu hết về Bác. Nhưng mỗi khi nhắc đến hai chữ thiêng liêng “Bác Hồ”, lòng em lại xúc động, trào dâng tình cảm trân trọng và nhớ ơn. Tình cảm ấy như một dòng suối chân thành thấm vào những tâm hồn xa lạ.

Có rất nhiều tác phẩm văn học, âm nhạc, hội họa, thơ ca viết về Bác, và em đã đọc rất nhiều trong số đó. Nhưng cuốn sách “Búp Sen Xanh” của nhà văn Sơn Tùng đã để lại ấn tượng sâu sắc nhất với em. Nhà văn Sơn Tùng đã vẽ nên một bức tranh đầy chân thực về cuộc đời vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ khi sinh ra cho đến khi lên đường cứu nước rời bến cảng Nhà Rồng. Bằng lối viết giản dị, trong sáng, nhà văn đã thu hút em bằng cách tái hiện một hình ảnh sống động về Bác Hồ, từ thời niên thiếu đến khi Người khởi nghiệp.

Đúng như em nghĩ, Bác Hồ không phải là một vị tiên ông với đôi mắt sáng ngời hay mái tóc bạc trắng như mây. Bác sinh ra dưới mái nhà tranh trong niềm hân hoan của cha mẹ, lớn lên ở một miền quê nghèo nhưng giàu nghĩa tình, chăm chỉ học hành và đầy hiếu khách. Bác cũng phải làm việc nhà, thích câu cá, thả diều như bao người dân Việt Nam.

Trong “Búp Sen Xanh”, chúng ta không thể quên được những lời thoại dí dỏm của cậu bé Côn, sự tinh nghịch, sự thông minh và lòng yêu nước sâu sắc. Cuốn sách khiến em cảm thông với những hoàn cảnh khó khăn, đau đớn mà Bác phải trải qua để sau đó quyết định ra đi cứu nước. Tất cả đã làm em ngưỡng mộ và khâm phục Bác Hồ.
Nhà văn Sơn Tùng đã viết rất nhiều về Bác Hồ, nhưng “Búp Sen Xanh” vẫn được coi là một tác phẩm nổi bật, thành công nhất. Vì sao vậy? Bởi vì nó đơn giản và gần gũi, làm cho Bác Hồ trở nên gần gũi và thân quen hơn với độc giả.

Đọc “Búp Sen Xanh”, em đã nhìn thấy Bác Hồ qua những trang sách, cảm nhận được tinh thần bất khuất, sự nhân từ và tình yêu thương. Cuốn sách này là món quà thiêng liêng mà nhà văn Sơn Tùng dành cho Bác Hồ và toàn dân Việt Nam. Nó vẫn giữ vững giá trị và tâm hồn cao cả của vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Anh Khoa luôn biết cân bằng giữa việc học tập và tham gia các hoạt động Đoàn thể.

Dù là một cuốn sách dành cho thiếu nhi, nhưng em thấy nó phù hợp với mọi lứa tuổi. Cha mẹ có thể học cách dạy dỗ con cái từ câu chuyện của cụ Nguyễn Sinh Huy, sinh viên có thể rút ra phương pháp học tập và xây dựng ước mơ, và các em học sinh sẽ cảm nhận được những giá trị văn hóa và tình yêu thương đất nước từ Bác Hồ.

Qua cuốn sách, thông điệp mà em muốn nói đến với các bạn trẻ và các bạn có niềm đam mê đọc sách đó là: Tuổi trẻ là thời điểm quý báu của mỗi con người, là giai đoạn để chúng ta xây dựng và cống hiến cho tương lai. Để bảo tồn và truyền thống lịch sử, tuổi trẻ cần cảm nhận và yêu quý bản sắc văn hóa dân tộc, những giá trị truyền thống đã được đời đời cha anh gìn giữ và chắp cánh. Sự cống hiến của tuổi trẻ không chỉ đơn thuần là góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội, mà còn là sự tỏa sáng của tình yêu quê hương, đất nước.

– Bạn có ý tưởng gì để sinh viên Trường Quốc tế yêu thích đọc sách và ham mê đọc sách hơn nữa?

– Đầu tiên, em nghĩ đến việc tổ chức các cuộc thi về Văn hóa đọc, không chỉ dừng lại ở việc viết bài về các cuốn sách mà còn mở rộng đến sáng tác truyện ngắn, thơ, hoặc kịch bản dựa trên những tác phẩm văn học nổi tiếng. Điều này sẽ khơi gợi sự sáng tạo và năng lượng tích cực từ các sinh viên, đồng thời giúp họ khám phá và tìm hiểu sâu hơn về văn học. Thứ hai, để thúc đẩy sự tham gia và tạo cảm hứng, việc sản xuất các podcast về sách là một ý tưởng rất hiệu quả. Các podcast này không chỉ giới thiệu các đầu sách mới mà còn truyền tải những giá trị của văn học, từ đó khơi gợi sự quan tâm của sinh viên đối với các tác phẩm văn học. Ngoài ra, để tạo cầu nối chặt chẽ hơn giữa sinh viên và văn học, các hoạt động như gặp gỡ tác giả, buổi ra mắt sách, hoặc các buổi thảo luận với nhà văn sẽ giúp mở rộng tầm nhìn và thúc đẩy sự khám phá về văn học. Các sinh viên sẽ có cơ hội trao đổi trực tiếp với các tác giả, khám phá nguồn cảm hứng và hiểu sâu hơn về quá trình sáng tác. Để tăng cường tinh thần cộng đồng và đổi mới trong việc khuyến khích đọc sách, Nhà trường có thể thiết kế các không gian đọc sách thân thiện, hiện đại và tạo điều kiện cho sinh viên dễ dàng tiếp cận với sách. Các phòng đọc sách, thư viện ảo, hoặc thậm chí các khu vườn sách ngoài trời sẽ là những nơi lý tưởng để sinh viên có thể thư giãn, học tập và nghiên cứu văn học một cách thoải mái và hiệu quả. Đồng thời, việc xây dựng một cộng đồng đọc sách năng động thông qua các câu lạc bộ văn học, các buổi sinh hoạt văn hóa, hay thậm chí các tổ chức ngoại khóa về văn học sẽ giúp sinh viên giao lưu, chia sẻ và thúc đẩy sự đam mê với sách.

Anh Khoa có nhiều ý tưởng hay để phát triển văn hóa đọc trong sinh viên Trường Quốc tế.

Cuối cùng, việc tạo ra các nền tảng trực tuyến về văn học, từ các trang web, diễn đàn đến các ứng dụng đọc sách thông minh sẽ giúp sinh viên dễ dàng tiếp cận và tìm hiểu về văn học mọi lúc mọi nơi. Việc sử dụng công nghệ và các nền tảng kỹ thuật số này sẽ phù hợp với lối sống hiện đại của sinh viên và giúp thúc đẩy sự phát triển của văn hóa đọc trong cộng đồng học thuật. Tóm lại, bằng việc kết hợp các hoạt động truyền thống và các ý tưởng sáng tạo mới, Trường có thể tạo ra một môi trường thú vị và năng động, khuyến khích sinh viên yêu thích và chăm chỉ hơn trong việc đọc sách, từ đó nâng cao kỹ năng văn học và mở rộng tầm nhìn tri thức của mỗi cá nhân.