Seminar “Chia sẻ về tác động của tăng lương tối thiểu đến việc làm và năng suất lao động ở Việt Nam”


Diễn giả: TS. Nguyễn Việt Cường –  chuyên gia Trường Quốc tế, top 5% nhà nghiên cứu kinh tế hàng đầu theo xếp hạng của REPEC

Nghiên cứu của TS. Nguyễn Việt Cường đánh giá tác động của việc tăng lương tối thiểu lên việc làm và năng suất lao động ở Việt Nam sử dụng số liệu từ Điều tra Lao động Việc làm (LĐVL) 2012-2020. Kết quả cho thấy tác động tích cực của việc tăng lương tối thiểu đối với tiền lương tháng của người lao động (NLĐ) có tiền lương dưới mức tối thiểu. Mức lương tối thiểu tăng 1% sẽ làm tăng 0,83% tiền lương hàng tháng. Tác động của tăng lương tối thiểu đối với tiền lương của lao động nói chung là không đáng kể. Tuy nhiên, nghiên cứu tìm thấy tác động tiêu cực của tăng lương tối thiểu lên số giờ làm việc của người lao động. Thay vì giảm số NLĐ, người sử dụng lao động (NSDLĐ) có thể đối phó với việc tăng lương tối thiểu bằng cách giảm giờ làm việc của NLĐ. Mức lương tối thiểu tăng 1% sẽ làm giảm số giờ làm việc bình quân đi 0,38%. Vì tổng tiền lương của NLĐ không thay đổi nên việc giảm giờ làm dẫn đến tăng thu nhập theo giờ. Mức lương tối thiểu tăng 1% dẫn đến tiền lương theo giờ tăng 0,32%. Điều này hàm ý rằng năng suất lao động tăng lên do tăng lương tối thiểu. Ngoài ra nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng đại dịch COVID-19 có tác động tiêu cực đến NLĐ có mức lương thấp. Mặc dù mức lương tối thiểu thực tế giảm 1,3% vào năm 2020, nhưng tỷ lệ NLĐ nhận lương thấp hơn mức tối thiểu đã tăng lên 2,8 điểm % (hay nói cách khác là 56%) so với 5% năm 2019 và 7.8% năm 2020.