Phát triển năng lực sinh viên Trường Quốc tế: Hướng tới học tập và sáng tạo cùng thế giới


Ngày 20/6/2023, Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức tọa đàm “Phát triển năng lực sinh viên Trường Quốc tế: Hướng tới học tập và sáng tạo cùng thế giới”. Tham dự tọa đàm có TS. Nguyễn Minh Trường – Phó Ban Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, ĐHQGHN; Ban Giám hiệu Trường Quốc tế, đại diện lãnh đạo, các cán bộ, giảng viên và sinh viên các khóa.

Nằm trong chuỗi hoạt động quảng bá các chương trình đào tạo kỹ năng mềm thuộc Đề án phát triển và quản lý chương trình đào tạo kỹ năng mềm dành cho sinh viên các khóa của Trường Quốc tế, tọa đàm không chỉ lan tỏa giá trị và ý nghĩa của các chương trình đào tạo kỹ năng mềm thuộc Đề án tới sinh viên, mà còn tạo cơ hội cho sinh viên lắng nghe chia sẻ từ đại diện doanh nghiệp về năng lực nghề nghiệp cần có của sinh viên ra trường, từ đó có định hướng rèn luyện, phát triển bản thân phù hợp với sở thích và mong muốn cá nhân, đồng thời đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động quốc tế hóa.

Chương trình tọa đàm đã thu hút sự quan tâm của các cán bộ, giảng viên và sinh viên Trường Quốc tế.

Với ý nghĩa đó, Ban Tổ chức chương trình đã lựa chọn và mời đội ngũ diễn giả là những người thành công, có ảnh hưởng trong lĩnh vực hoạt động của mình đến để trực tiếp trò chuyện, chia sẻ kinh nghiệm cá nhân về môi trường lao động tại Việt Nam, trên thế giới và định hướng tuyển dụng nhân sự của các doanh nghiệp toàn cầu; yêu cầu năng lực nghề nghiệp cần có của sinh viên trong môi trường lao động quốc tế hóa và các kế hoạch, giải pháp, công cụ cần trang bị đối với sinh viên nhằm hoàn thiện và phát triển bản thân. Diễn giả chính của tọa đàm có Thầy Vũ Khanh (Pháp danh Chân Không Không) – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu sức khỏe cộng đồng Bellrings; ThS. Nông Thị Thu Trang – Trưởng Bộ phận điều hành mạng lưới viễn thông tại Việt Nam – Lào – Campuchia – Myanmar (Công ty THNN Ericsson Việt Nam); ThS. Lê Minh Đức – Giám đốc Khối Quản lý đào tạo Công ty Cổ phần Tập đoàn UB; ThS. Lê Nguyễn Bảo Khánh – Chuyên gia Phân tích tội phạm tài chính (Ngân hàng Commonwealth, Úc), cựu sinh viên Trường Quốc tế.

Theo TS. Nguyễn Quang Thuận – Phó Hiệu trưởng nhà trường, Ban Giám hiệu đặt nhiều kỳ vọng vào các chương trình kỹ năng mềm thuộc đề án.

Khẳng định định hướng đào tạo của Trường Quốc tế là chú trọng và ưu tiên phát triển năng lực toàn diện của sinh viên, khơi gợi và truyền cảm hứng sáng tạo cho mỗi cá nhân, theo TS. Nguyễn Quang Thuận – Phó Hiệu trưởng nhà trường, Ban Giám hiệu đặt nhiều kỳ vọng vào các chương trình kỹ năng mềm thuộc đề án, coi đây là một chủ trương đúng đắn trong việc đào tạo các thế hệ sinh viên chủ động, tự tin, có đủ sức khỏe, kiến thức, đạo đức trên con đường phát triển bản thân và xây dựng sự nghiệp. Phó Hiệu trưởng cho biết Ban Giám hiệu Trường Quốc tế đang xem xét các phương án đưa nội dung đào tạo kỹ năng mềm vào chương trình giảng dạy chính khóa của nhà trường cho các khóa sinh viên sắp tới.

TS. Nguyễn Minh Trường đánh giá cao bản sắc riêng, trí thông minh cảm xúc và tác phong năng động của sinh viên Trường Quốc tế.

Phát biểu tại tọa đàm, TS. Nguyễn Minh Trường – Phó Trưởng ban Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên ĐHQGHN nhận định, đề án đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên của Trường Quốc tế có một số điểm chung với đề án đào tạo toàn diện cho sinh viên năm thứ I tại Hòa Lạc của ĐHQGHN. TS. Nguyễn Minh Trường đánh giá cao bản sắc riêng, trí thông minh cảm xúc và tác phong năng động của sinh viên Trường Quốc tế và nhìn nhận đề án của nhà trường là mô hình mới cho các đơn vị đào tạo khác trong ĐHQGHN tham khảo phương thức triển khai nhằm đạt hiệu quả cao, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo chung của ĐHQGHN.

Tiếp lời TS. Nguyễn Minh Trường, TS. Mai Anh – Giám đốc Trung tâm Tư vấn, Đào tạo và Chuyển giao tri thức, cho rằng việc nắm vững hệ thống các kỹ năng mềm ngay từ khi còn đang học trong nhà trường mang lại nhiều lợi ích cho sinh viên khi chương trình đào tạo được xây dựng theo nhóm các kỹ năng tương quan, có hệ thống để giúp các em làm quen, thực hành và vận dụng thành thạo các nhóm kỹ năng mềm ngay từ năm thứ I đại học cho đến khi các em tốt nghiệp ra trường. Từ các kỹ năng cơ bản để quản trị bản thân như kỹ năng quản trị cảm xúc, thấu hiểu điểm mạnh và điểm yếu của bản thân để có phương hướng phát triển phù hợp đến các kỹ năng làm việc cùng người khác (kỹ năng đàm phán và phát triển quan hệ cá nhân, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng lãnh đạo…) và các kỹ năng chuyên sâu để chuẩn bị cho môi trường làm việc thực tế (kỹ năng giao tiếp qua thư tín, kỹ năng viết CV và phỏng vấn, kỹ năng công tác văn phòng), hệ thống các chương trình đào tạo không đi sâu vào lý thuyết, mà dành phần lớn thời lượng để sinh viên được thực hành bằng các bài tập tình huống theo nhóm, qua đó giúp các em phát huy được tinh thần làm việc nhóm, thành thạo hơn kỹ năng hợp tác với người khác để đạt được các mục tiêu chung…

Diễn giả Nông Thị Thu Trang nhận định các nhà tuyển dụng cũng thường đánh giá cao những ứng viên có kỹ năng mềm tốt, được thể hiện thông qua thái độ, hành vi và cách xử lý vấn đề của họ.

Theo đánh giá của ThS. Nông Thị Thu Trang (Công ty THNN Ericsson Việt Nam), sinh viên ngày nay có nhiều cơ hội và lợi thế hơn hẳn so với lứa sinh viên của thập kỷ trước do các em không chỉ được tiếp thu kiến thức qua chương trình đào tạo chính quy từ nhà trường, mà còn có điều kiện để tự học, tự trải nghiệm thông qua những tiến bộ khoa học công nghệ và các phương tiện truyền thông đại chúng ngoài xã hội. Từ tiêu chuẩn tuyển dụng của Công ty TNHH Ericsson Việt Nam (thành thạo công nghệ, có năng lực sáng tạo, có kỹ năng cá nhân tốt), ThS. Nông Thị Thu Trang nhận định, bên cạnh các yêu cầu về chuyên môn và kinh nghiệm làm việc, các nhà tuyển dụng cũng thường đánh giá cao những ứng viên có kỹ năng mềm tốt, được thể hiện thông qua thái độ, hành vi và cách xử lý vấn đề của họ. Theo diễn giả, những đức tính và kỹ năng mềm sinh viên Việt Nam cần phải trau dồi bao gồm: sự tự tin; tinh thần chủ động, dám mạo hiểm; kỹ năng làm việc nhóm; kỹ năng ứng xử trong các mối quan hệ cá nhân và công việc…

ThS. Lê Minh Đức – Giám đốc Khối Quản lý đào tạo Công ty Cổ phần Tập đoàn UB.

Cùng chung nhận định với ThS. Nông Thị Thu Trang, ThS. Lê Minh Đức (Công ty Cổ phần Tập đoàn UB) cho rằng ngoài việc trau dồi kiến thức chuyên môn và hiểu biết về các nền văn hóa, sinh viên còn cần thành thạo các kỹ năng mềm như kỹ năng ứng xử, thuyết trình, thương thảo, phản biện và giải quyết tình huống. Những kỹ năng này không giúp bạn giải quyết trực tiếp công việc, nhưng sẽ giúp bạn được người khác ghi nhận, yêu mến, giải quyết hài hòa các mối quan hệ cá nhân và công việc.

ThS. Lê Nguyễn Bảo Khánh – cựu sinh viên nhà trường, đề cao kỹ năng tự học và tư duy sẵn sàng học hỏi của sinh viên.

Chia sẻ với sinh viên về kinh nghiệm học tập, tìm kiếm cơ hội làm việc tại các doanh nghiệp đa quốc gia, ThS. Lê Nguyễn Bảo Khánh (Ngân hàng Commonwealth, Úc) đề cao kỹ năng tự học và tư duy sẵn sàng học hỏi của sinh viên. Cựu sinh viên Trường Quốc tế cho rằng, kỹ năng tự học có vai trò quan trọng trong việc giúp cá nhân thích nghi tốt với các môi trường làm việc khác nhau, tìm ra được phương pháp cải thiện bản thân thích hợp và tinh thần cầu thị sẽ giúp cá nhân gây được thiện cảm với người khác. Bên cạnh đó, kỹ năng giao tiếp, ứng xử và kỹ năng xử lý văn bản cũng là các kỹ năng thiết yếu đối với sinh viên. Thành thạo các kỹ năng này, sinh viên sẽ có nhiều cơ hội để thể hiện bản thân và tạo được mối quan hệ tốt với cả đồng nghiệp, đối tác và khách hàng.

Thầy Chân Không Không đưa ra các lời khuyên giúp các em phương pháp cân bằng cảm xúc cá nhân.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của lối sống khoa học tới sức khỏe thể chất và tinh thần của sinh viên, thầy Chân Không Không (Viện nghiên cứu sức khỏe cộng đồng Bellrings) đưa ra các lời khuyên giúp các em phương pháp cân bằng cảm xúc cá nhân, hình thành tâm thế tích cực và điều chỉnh lối sinh hoạt để đạt được các mục tiêu phát triển con người theo triết lý giáo dục của nhà trường: Thân khỏe – Tâm an – Tuệ mẫn…

Sinh viên quốc tế trao đổi, thảo luận với các diễn giả trong chương trình.

Trong gần 3 giờ, các diễn giả, khách mời và những người tham dự tọa đàm đã trao đổi, chia sẻ nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm thực tế hữu ích đối với sinh viên. Những nhận định, đánh giá của những người đi trước sẽ giúp sinh viên nhận thức thêm tầm quan trọng của việc học các kỹ năng mềm song song với việc hình thành tư duy chủ động, sáng tạo, để các em tự tin chuẩn bị hành trang bước ra thế giới với sức trẻ, tinh thần nhiệt huyết và năng lực toàn diện.

Phương Thảo
Trung tâm Tư vấn, Đào tạo và Chuyển giao tri thức