TS. Nguyễn Phương Mai – Phó trưởng Khoa Kinh tế và Quản lý, Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) vừa nhận quyết định và bổ nhiệm chức danh Phó giáo sư trong tháng 1/2024. TS. Nguyễn Phương Mai là nữ Phó giáo sư thứ 2 phát triển và được bổ nhiệm chức danh tại Nhà trường sau PGS.TS Trần Thị Oanh. Nhân sự kiện ý nghĩa này website Trường Quốc tế đã có bài phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Phương Mai, để lắng nghe những chia sẻ của cô về công việc và cuộc sống.
– Xin được chúc mừng PGS.TS Nguyễn Phương Mai – nữ Phó giáo sư thứ 2 phát triển tại Trường Quốc tế! Xin cô có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi nhận được tin vui này không ạ?
PGS.TS Nguyễn Phương Mai (bìa phải) nhận quyết định quyết định và bổ nhiệm chức danh Phó giáo sư.
– Tôi có hai từ để diễn tả cảm xúc của mình khi nhận được thông tin từ Hội đồng, đó là “hạnh phúc” và “tự hào”. Quá trình đánh giá hồ sơ và xét chọn của Hội đồng Giáo sư nhà nước rất công bằng, khách quan và chính là một sự ghi nhận về những nỗ lực phấn đấu của một nhà khoa học. Tôi nghĩ với một nhà khoa học thì không có gì đáng tự hào và hạnh phúc hơn là khi thấy những thành quả nghiên cứu của mình được cộng đồng khoa học ghi nhận. Hơn nữa tôi cũng cảm thấy rất hạnh phúc vì tôi đã tiếp nối được truyền thống khoa bảng của gia đình. Bố tôi được phong học hàm Phó giáo sư ngành Kinh tế năm 1991 và giờ sau hơn 30 năm, gia đình tôi đã có thêm một nữ Phó Giáo sư ngành Kinh tế thứ 2. Tôi vẫn luôn ngưỡng mộ bố mình và lấy tấm gương làm khoa học của ông để phấn đấu theo.
– Tại Trường Quốc tế nói riêng, qua hơn 20 năm thành lập và phát triển, cô là 1 trong 2 nữ Phó giáo sư được đề nghị xét và đã đạt được kết quả như mong đợi, và được bổ nhiệm Phó Giáo sư tại Trường. Là 1 phụ nữ, vừa đảm nhiệm là 1 giảng viên, 1 nhà khoa học lại còn là 1 lãnh đạo Khoa chuyên môn, ít nhiều cũng sẽ có những rào cản, vậy cô có thể chia sẻ những rào cản đó được không?
Cô Nguyễn Phương Mai vẫn luôn ngưỡng mộ bố mình và lấy tấm gương làm khoa học của ông để phấn đấu theo.
– Khi nói về “rào cản”, bất kỳ một nhà khoa học nào cũng có thể kể ra rất nhiều thứ như vấn đề tài chính, cơ chế, thủ tục, v.v. Con đường làm khoa học với nữ giới thì càng có nhiều chông gai hơn. Tôi nghĩ mình có ít rào cản hơn các nữ nhà khoa học khác vì tôi là mẹ đơn thân nên tôi không bị phân tán thời gian vào các công việc nội trợ của gia đình. Tuy nhiên, công việc quản lý ở trường lại khá bận rộn nên tôi luôn thấy thiếu thời gian cho công việc làm nghiên cứu và thường xuyên bị “đứt mạch” suy nghĩ khi viết bài. Vì vậy, tôi nghĩ rào cản lớn nhất có lẽ vẫn là “thời gian”.
– Khó khăn có, thách thức có, nhưng vượt lên trên hết, cô vẫn luôn cố gắng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, cô có thể chia sẻ động lực nào đã khiến cô có thật nhiều sức mạnh, niềm tin và sự lạc quan như vậy?
– Tôi vẫn luôn tâm đắc với một câu nói nổi tiếng của doanh nhân nổi tiếng Steve Jobs, đó là “Stay hungry, stay foolish” (Hãy cứ khát khao, hãy luôn dại khờ). Đôi khi sự lạc quan đến từ niềm tin vào những điều tốt đẹp sẽ đến khi chính bản thân cứ kiên trì “dại khờ” và “khát khao” trên con đường nghiên cứu khoa học. Còn nếu bạn hỏi về “sức mạnh” để làm nghiên cứu khoa học thì tôi nghĩ mình vẫn “yếu đuối” lắm chứ không mạnh mẽ như mọi người vẫn lầm tưởng. Có những lúc quay cuồng trong các công trình nghiên cứu, cảm giác mệt mỏi và bế tắc thực sự ùa đến. Những lúc đó, tôi chỉ ước ao có một bờ vai vững chắc nào đó cho mình dựa vào. Nhưng bạn biết đấy, đời không như là mơ.
PGS.TS Nguyễn Phương Mai tích cực tham gia hướng dẫn nghiên cứu, truyền lửa nghiên cứu cho các bạn sinh viên.
Ngoài ra, tôi có được may mắn là có được động lực làm nghiên cứu khoa học từ chính môi trường làm việc của mình. Khi gia nhập ngôi nhà chung Trường Quốc tế, trong 3 năm công tác tại trường, số bài báo quốc tế của tôi đã tăng gấp vài lần so với thời gian trước vì Nhà trường luôn có những chính sách khuyến khích giảng viên làm nghiên cứu khoa học. Các chính sách phát triển nhóm nghiên cứu, khuyến khích giảng viên tham dự các hội thảo quốc tế, hay các hoạt động như Research Camp tổ chức trong 2 năm vừa qua đã có tác dụng thúc đẩy, tạo điều kiện cho tôi và các nhà khoa học khác trong trường có thêm sự hào hứng và nhiệt huyết để tiếp tục cùng làm việc, cùng nghiên cứu và có những công bố chung. Tôi thực sự muốn nói lời cảm ơn đến Ban Giám hiệu nhà trường và đội ngũ cán bộ Phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác phát triển đã luôn giúp chúng tôi có môi trường thuận lợi trong quá trình làm nghiên cứu.
Cô Phương Mai là người rất tích cực tham gia các hoạt động chung của Nhà trường.
– Được biết một trong những điều kiện tiên quyết khi ứng cử chức danh Phó giáo sư là có số lượng bài báo công bố, đề tài dự án tương đối nhiều và chất lượng, như vậy việc làm khoa học cũng mất kha khá thời gian trong quỹ thời gian của cô và chắc chắn cô cũng cần cân đối thời gian để đánh đổi sự thành công này. Cô có thể chia sẻ 1 kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình làm khoa học của cô được không?
– Kỷ niệm làm khoa học thì tôi có nhiều lắm. Tôi nghĩ từ khóa “đánh đổi” bạn nêu ra rất chính xác vì mỗi lần đánh đổi là tôi lại có một kỷ niệm. Bạn hỏi về một kỷ niệm đáng nhớ nhất nhưng tôi lại muốn nói tới hai cái tên đáng nhớ nhất gắn với những kỷ niệm làm nghiên cứu khoa học của tôi. Đó là hai người thầy đã xuất hiện “đúng lúc”.
PGS.TS Nguyễn Phương Mai dành tình cảm đặc biệt cho hai người thầy hướng dẫn mình trên con đường nghiên cứu.
Người thầy thứ nhất là PGS. Hoàng Văn Hải (nguyên Viện trưởng Viện Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN), thầy giáo hướng dẫn tôi làm nghiên cứu sinh và dẫn dắt tôi vào con đường làm khoa học khi tôi vẫn còn rất “non” và “xanh”. Thầy luôn tin tưởng vào khả năng nghiên cứu của tôi nên thường đưa ra những nhiệm vụ thách thức và động viên tôi thực hiện. Thầy tạo điều kiện cho tôi tham gia vào nhiều đề tài, dự án nghiên cứu để tôi được học hỏi và rèn luyện. Đặc biệt hơn nữa, khi tôi loay hoay và gần như bế tắc với việc làm luận án thì thầy đã cho tôi những lời khuyên hữu ích nhất để tôi tìm ra “lối thoát”.
Người thầy thứ hai là PGS. Yongshik Choo (Đại học Chung-Ang, Hàn Quốc) – thầy giáo hướng dẫn tôi làm nghiên cứu sau tiến sĩ và cũng là đồng tác giả của một bài báo quốc tế rất quan trọng với tôi. Tôi tình cờ gặp thầy Choo trong một hội thảo và cái duyên gặp gỡ đó đã đưa tôi đến với đất nước Hàn Quốc xinh đẹp để nghiên cứu. Trong một năm tại Hàn Quốc, tôi cảm thấy mình đã trưởng thành lên rất nhiều qua những trao đổi chuyên môn với thầy Choo.
Với sự hướng dẫn của hai thầy giáo, tôi đã tự tin hơn vào bản thân mình và dần dần khẳng định được năng lực trên con đường làm nghiên cứu khoa học. Vì vậy, tôi luôn nhớ và biết ơn các thầy để tôi có được thành quả ngày hôm nay.
– Xin trân trọng cảm ơn cô về những chia sẻ. Xin kính chúc cô sẽ tiếp tục gặt hái thêm được nhiều thành công hơn nữa trên chặng đường sắp tới.
Hạnh Hương (thực hiện)
Phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác phát triển