Một bài thơ của nhà giáo về nghề giáo


Có nhiều bài thơ, bài hát về nghề giáo, trong đó có những bài thơ, bài hát của các nhà giáo về nghề giáo. Ôn cố tri tân, nhân dịp ngày lễ 20/11 năm nay, tôi xin giới thiệu bài thơ Gió xuân của cụ Khoát Như Nguyễn Đức Đạt (1823 – 1887), đỗ Thám hoa năm Quý Sửu 1853, là một danh nho thời triều Nguyễn, có nhiều học trò thành danh, giúp ích cho đất nước. Bài thơ trên được viết vào năm Canh Thìn 1880, có lẽ là tâm tình của cụ về cuộc đời và nghề dạy học chăng.

Tháng năm xuân trải bao mùa

Sớm chiều đãi cát mây đưa xa dần

Mãi đây ngọn gió nghĩa tình

Xuân về lay động muôn cành đơm hoa.

(Nguyễn Hải Thanh dịch)

Xin ghi lại đây nguyên tác và phần phiên âm, dịch nghĩa của bài thơ:

年年春事似搏沙,

朝暮煙雲轉眄賒。

恆有信風長不變,

春來依舊報群花。

Phiên âm

Niên niên xuân sự tự đoàn sa,

Triêu mộ yên vân chuyển miện xa.

Hằng hữu tín phong trường bất biến,

Xuân lai y cựu báo quần hoa.

Dịch nghĩa

Năm này qua năm khác, việc của xuân giống như nghịch cát vậy

Sớm chiều cứ thấy mây khói xoay vần về nơi xa

Chỉ có ngọn gió trung thành kia mãi mãi chẳng hề thay đổi

Khi xuân về thì năm nào cũng vẫn thế, đến báo cho muôn hoa nở.

Dù đỗ đạt cao, cụ Nguyễn Đức Đạt dành cả cuộc đời làm nghề dạy học. Trường của cụ là một ngôi trường uy tín dành cho những người đi thi hương. Học trò của cụ nhiều người thành danh, trong đó có những bậc danh sĩ như: Phan Bội Châu, Cao Xuân Dục, Ngô Đức Kế, Đặng Nguyên Cẩn, Đặng Văn Bá, Đặng Thái Thân, Đặng Văn Thụy, Nguyễn Sinh Sắc… Cụ như ngọn gió muôn xuân thổi vào hồn những người học trò của mình trí tuệ, đạo đức, tình cảm và truyền thống văn hoa đất Việt.

PGS.TS. NGUT Nguyễn Hải Thanh

Chuyên gia Trường Quốc tế