Kỹ năng thuyết trình và chủ trì cuộc họp


Trong hai ngày 25 – 26/6/2025, Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức chương trình đào tạo phát triển năng lực dành cho cán bộ, giảng viên. Chủ đề của chương trình đào tạo, “Kỹ năng thuyết trình và chủ trì cuộc họp”, giúp cung cấp cho người học những kỹ năng quan trọng trong công việc – thuyết trình và chủ trì cuộc họp hiệu quả.

Diễn giả của chương trình học là ThS Ngô Hoàng Minh. ThS Ngô Hoàng Minh có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực đào tạo và giảng dạy cho các doanh nghiệp lớn. Đồng thời anh hiện là Trưởng phòng đào tạo Sun Group; Phó phòng huấn luyện Home Credit VN; Phó phòng khối nhân lực Teckcombank; Quản lý đào tạo Dai-ichi Life Việt Nam.

ThS Ngô Hoàng Minh có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực đào tạo và giảng dạy cho các doanh nghiệp lớn.

Theo diễn giả, các cuộc họp nội bộ đóng vai trò then chốt trong hoạt động của mỗi tổ chức, không chỉ là nơi chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm mà còn là dịp quan trọng để đánh giá hiệu quả công việc và đề ra các quyết sách phù hợp. Thông qua trao đổi trực tiếp, các vấn đề chung được nhận diện rõ ràng hơn, từ đó giúp tập thể đưa ra những giải pháp đồng thuận và khả thi. Đồng thời, họp hành cũng góp phần duy trì văn hóa doanh nghiệp, củng cố tinh thần đoàn kết và tạo sợi dây liên kết bền chặt giữa các thành viên. Đây chính là nền tảng để xây dựng một môi trường làm việc chuyên nghiệp, minh bạch và hiệu quả.

Bài giảng của ThS Ngô Hoàng Minh thu hút sự quan tâm của các học viên. 

Việc chuẩn bị kỹ lưỡng trước mỗi cuộc họp là yếu tố then chốt quyết định hiệu quả thảo luận và chất lượng ra quyết định. Trước tiên, một bản kế hoạch chương trình (agenda) rõ ràng cần được xây dựng, trong đó nêu cụ thể thời gian, thời lượng, địa điểm, các vấn đề sẽ được bàn thảo và mục tiêu mà các bên hướng tới. Thông báo về cuộc họp nên được gửi đến các thành viên từ sớm để đảm bảo sự sẵn sàng và chủ động. Đồng thời, từng thành viên cũng cần chuẩn bị nghiêm túc bằng cách thu thập, phân tích thông tin, số liệu, tài liệu liên quan, và đặc biệt là đề xuất các giải pháp cụ thể, thực tiễn nhằm giải quyết những vấn đề được đưa ra. Sự chuẩn bị chu đáo này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian họp mà còn nâng cao chất lượng nội dung thảo luận và quyết định chung.

Học viên tham gia thảo luận nhóm.

Trong một cuộc họp hiệu quả, phần mở đầu đóng vai trò quan trọng trong việc tạo không khí thoải mái, cởi mở giữa các thành viên. Người chủ trì cần giới thiệu ngắn gọn chủ đề, nêu rõ lý do tổ chức cuộc họp, đồng thời thống nhất nhanh các quy tắc cơ bản như việc phân công thư ký ghi biên bản, tắt chuông điện thoại để đảm bảo sự tập trung. Ở phần thảo luận, cần vận dụng linh hoạt các phương pháp điều hành để cuộc họp đi đúng trọng tâm: khích lệ sự tham gia tích cực, lắng nghe và ghi nhận đầy đủ các ý kiến, làm rõ các khía cạnh của vấn đề, hạn chế xung đột và hướng tới sự đồng thuận chung. Kết thúc cuộc họp, cần thống nhất rõ ràng các hành động cụ thể sẽ triển khai sau đó, phân công trách nhiệm rõ ràng và thiết lập cơ chế kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo việc thực thi hiệu quả các nội dung đã được thống nhất.

Đại diện  nhóm trình bày thuyết trình theo chủ đề đã chọn.

Cũng trong bài giảng của mình, ThS Ngô Hoàng Minh đã đưa ra mô hình GROW – hướng dẫn tổ chức họp hiệu quả. Trong bối cảnh các tổ chức, doanh nghiệp ngày càng chú trọng hiệu quả vận hành và ra quyết định, mô hình GROW được xem là một công cụ thực tiễn giúp tổ chức cuộc họp đạt kết quả rõ ràng, cụ thể. GROW là viết tắt của bốn bước: Goal (Mục tiêu), Reality (Thực trạng), Options (Giải pháp) và Will (Cam kết hành động) – mỗi bước đóng vai trò như một “cột mốc” định hướng xuyên suốt quá trình thảo luận và đưa ra quyết định.

Bắt đầu với Goal – Mục tiêu, người chủ trì cần dẫn dắt cuộc họp hướng đến kết quả cụ thể: “Chúng ta muốn đạt được điều gì?” Mục tiêu càng rõ ràng, đo lường được và thực tế thì càng dễ định hướng giải pháp.

Reality – Thực trạng là bước đánh giá tình hình hiện tại: tổ chức đang ở đâu so với mục tiêu? Các số liệu, thống kê, ví dụ thực tiễn là căn cứ để làm rõ các vấn đề.

Options – Các giải pháp khả thi mở ra không gian sáng tạo và thảo luận. Các thành viên sẽ cùng đề xuất những phương án khác nhau, phân tích ưu – nhược điểm của từng lựa chọn và xem xét tính khả thi về nguồn lực, ngân sách và phối hợp.

Cuối cùng, Will – Cam kết hành động chính là “điểm chốt” quyết định thành bại của cuộc họp. Các bên cần thống nhất rõ: ai làm gì, khi nào thực hiện, kết quả được đo lường ra sao.

Từng cá nhân lên thuyết trình trước lớp.

Việc áp dụng mô hình GROW trong các cuộc họp không chỉ giúp quá trình thảo luận có cấu trúc, mạch lạc mà còn thúc đẩy tinh thần chủ động, hợp tác và hướng tới kết quả thực chất. Đây là phương pháp hiệu quả cho bất kỳ tổ chức nào muốn biến mỗi cuộc họp thành một bước tiến cụ thể trong chiến lược phát triển.

Các học viên cùng trao đổi, thảo luận.

Đặc biệt, phần lớn thời gian của khóa học được dành cho hoạt động thực hành thuyết trình và đóng vai chủ trì họp. Các nhóm học viên được phân công chuẩn bị theo chủ đề tự chọn, trình bày trước lớp, nhận góp ý và điều chỉnh theo từng kỹ năng nhỏ: mở đầu, tương tác, xử lý tình huống, kết luận… Chính sự nhập vai này đã mang lại không khí học tập tích cực, tạo sự tự tin và rèn luyện kỹ năng thực tế cho mỗi người.

Chương trình đào tạo “Kỹ năng thuyết trình và chủ trì cuộc họp” thực sự mang lại nhiều giá trị tích cực, không chỉ giúp cán bộ, giảng viên phát triển toàn diện năng lực, nâng cao hiệu suất làm việc. Trong năm 2025, Nhà trường sẽ tổ chức 05 chuỗi chương trình đào tạo hữu ích dành cho cán bộ, giảng viên.