Khoa Quốc tế – ĐHQGHN với Tọa đàm quốc tế “Giáo dục không biên giới: Viễn cảnh toàn cầu”


Ngày 25/7/2017 tại khách sạn Crowne Plaza West, Hà Nội, Khoa Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề: “Giáo dục không biên giới: Viễn cảnh toàn cầu” nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập Khoa Quốc tế.

Tham dự buổi tọa đàm có đại diện cơ quan ngoại giao, nhiều trường đại học, tổ chức nghề nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội. Diễn giả trong buổi tọa đàm là các học giả, chuyên gia uy tín đến từ nhiều trường đại học và quốc gia khác nhau như New Zealand, Hoa Kỳ, Anh quốc, Australia, Đài Loan, Thái Lan, Việt Nam cùng Ban Chủ nhiệm Khoa, đội ngũ các giảng viên, cán bộ nghiên cứu khoa học Khoa Quốc tế – ĐHQGHN.

PGS.TS. Nguyễn Văn Định – Phó Chủ nhiệm Khoa Quốc tế phát biểu khai mạc Toạ đàm

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, giáo dục không biên giới đang dần trở thành một lĩnh vực thu hút những nghiên cứu có chiều sâu. Việt Nam đang chuyển đổi, phát triển giáo dục và là một trong nhiều nước tiếp nhận giáo dục đại học không biên giới. Điều này mang lại cho chúng ta một cơ hội học hỏi tốt để phát triển giáo dục đại học. Trong bài phát biểu Khai mạc, PGS.TS. Nguyễn Văn Định, Phó Chủ nhiệm Khoa Quốc tế nhấn mạnh tác động sâu sắc của khoa học công nghệ trong định hình tương lai của giáo dục đại học, những rào cản truyền thống dần được phá bỏ, hình thành nên một kỷ nguyên của giáo dục không biên giới.  Chính vì thế, các lãnh đạo, giảng viên, nhà giáo dục học cần được trang bị những hiểu biết sâu sắc giáo dục đại học không biên giới để có những điều chỉnh chính sách, chiến lược phù hợp để không chỉ bắt kịp mà còn có thể vươn lên dẫn đầu xu thế mới.

Phát biểu của bà bà Marcia Anglarill, Tuỳ viên văn hoá, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội

Phát biển trong Toạ đàm, bà Marcia Anglarill, Tuỳ viên văn hoá, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của Đại sứ quán Hoa Kỳ đối với việc phát triển hợp tác trong giáo dục đại học giữa hai nước, đặc biệt là những mô hình hợp tác đón đầu ba xu hướng quan trọng trong giáo dục không biên giới: toàn cầu hoá (globalization), địa phương hoá (localization) và cá nhân hoá (individualization).

TS. Jorge Díaz-Herrera, Hiệu trưởng Trường Đại học Keuka, Hoa Kỳ – Đồng chủ toạ buổi toạ đàm

Toạ đàm gồm hai phiên do hai chủ toạ, GS. TS. Jorge Díaz-Herrera, Hiệu trưởng Trường Đại học Keuka, Hoa Kỳ và TS. Tzu – Hsiang Ko, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Lunghwa, Đài Loan điều hành. Các diễn giả đến từ Trường Đại học Victoria tại Wellington, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Lunghwa, Trường Đại học Công nghệ Sydney, Trường Đại học East London, Trường Đại học Chiang Mai và Trường Đại học Macquarie đã chia sẻ những triết lý giáo dục, chiến lược phát triển và kinh nghiệm trong việc thích nghi với bối cảnh mới và sự chuẩn bị nguồn lực cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Xuyên suốt các báo cáo tham luận, người tham dự dần hình cái nhìn rõ nét hơn về xu thế hiện nay của giáo dục đại học: các ranh giới thời gian, không gian, lĩnh vực hoạt động, mô hình đào tạo dần bị xoá mờ; sự giao thoa giữa các ngành nghề, kết nối giữa trường đại học với nhau và với doanh nghiệp, với thị trường ngày càng trở nên rõ nét hơn.

Tzu – Hsiang Ko, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Lunghwa, Đài Loan – Đồng chủ toạ buổi Toạ đàm

Trong phần trao đổi trực tiếp tại buổi hội thảo, các chuyên gia và học giả tới từ các trường đại học hàng đầu trên thế giới đã cùng chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong việc áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật vào các bài giảng thực tế trên lớp, triết lý giáo dục, chính sách vi mô và vĩ mô của các trường trong việc thay đổi thói quen giảng dạy và học tập của từng giảng viên và sinh viên. Tuy nhiên, các học giả cũng không phủ nhận vai trò giảng dạy, hướng dẫn trực tiếp của các giảng viên trong việc định hướng và hoạch định hướng học tập và nghiên cứu cho sinh viên.

Khách mời và Ban tổ chức Toạ đàm “Giáo dục không biên giới: Viễn cảnh toàn cầu”

Kết thúc buổi tọa đàm, các nhà giáo dục và học giả đã đi đến kết luận rằng: sự thay đổi trong thế kỷ mới đang diễn ra rất nhanh chóng trên mọi lĩnh vực, bao gồm cả giáo dục. Ứng dụng khoa học công nghệ vào giảng dạy và học tập là cách duy nhất tạo nên sự thay đổi cho ngành giáo dục. Sự thay đổi đó cần được tiến hành toàn diện từ phương pháp, phương tiện giảng dạy tới hình thức kiểm tra đánh giá chất lượng giảng dạy và học tập, thay đổi không bó hẹp trong khuôn viên một trường đại học, một quốc gia mà là sự thay đổi toàn diện của giáo dục toàn cầu. Ngoài ra cũng cần gia tăng sự hợp tác giữa các trường đại học và các doanh nghiệp như là một điểm then chốt quyết định sự thành công và phát triển bền vững của các đơn vị đào tạo hướng tới nhu cầu của xã hội và nhân loại.

Buổi toạ đàm quốc tế lần này không chỉ là một hoạt động ý nghĩa chào mừng 15 năm thành lập Khoa Quốc tế mà những chia sẻ đến từ các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách từ nhiều nước trên thế giới đã mang đến cho người tham dự những góc nhìn mới, quan điểm mới đồng thời xây dựng được một cái nhìn toàn cảnh về những gì các trường đại học trên thế giới đã, đang và sẽ thực hiện trong một thế giới mà giáo dục đã trở nên không còn biên giới.

Một số hình ảnh của buổi Toạ đàm quốc tế

Khách mời tham dự đến từ các trường đại học đối tác của Khoa Quốc tế

Mr. Haike Manning, Nguyên Đại sứ New Zealand tại Việt Nam (giai đoạn 2011-2016)

PGS.TS. Vũ Văn Tích – Trưởng Ban Khoa học Công nghệ ĐHQGHN

Lisa Mooney, Phó hiệu trưởng Trường ĐH East London (Anh quốc)

Ian Burnett, Trường ĐH Công nghệ Sydney, Australia

Nopasit Chakpitak, Trường ĐH Chiang Mai, Thái Lan

Ông Feargal Caley, Trường ĐH Macquaire, Australia