Hội thảo lấy ý kiến về chuẩn đầu ra và khung chương trình đào tạo đại học ngành Ngôn ngữ Anh


Ngày 7/6/2023, Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về chuẩn đầu ra và khung chương trình đào tạo đại học ngành Ngôn ngữ Anh. Tham dự và chủ trì hội thảo có TS. Nguyễn Quang Thuận – Phó Hiệu trưởng Trường Quốc tế, các chuyên gia của Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Mở Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Học viện Báo chí tuyên truyền, Đại học Lao động xã hội, Trường Đại Ngoại ngữ – ĐHQGHN, Trường Đại học Giáo dục – ĐHQGHN; đại diện các doanh nghiệp như Công ty cổ phần đầu tư công nghệ HTI, Công ty TNHH Giáo dục & Đào tạo Emore Quốc tế, Ngân hàng Sacombank, Công ty cổ phần Thương mại và Xây dưng Đại Việt …

Phó Hiệu trưởng Nguyễn Quang Thuận chia sẻ ngành Ngôn ngữ Anh của nhà trường mở được hai năm.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Quang Thuận chia sẻ ngành Ngôn ngữ Anh của nhà trường mở được hai năm và theo quy định sau hai năm sẽ tổ chức điều chỉnh chương trình. Cũng theo quy định mới của ĐHQGHN, Trường Quốc tế là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc điều chỉnh khung chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra, do vậy việc mời các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp, các bên liên quan đến tham gia đóng góp ý kiến có ý nghĩa quan trọng. TS Nguyễn Quang Thuận mong muốn các ý kiến đóng góp quý báu sẽ giúp nhà trường đánh giá và có hướng điều chỉnh để nâng cao chất lượng đào tạo, sát với nhu cầu hơn của thị trường lao động.

TS Nguyễn Việt Hùng – Trưởng Khoa Ngôn ngữ ứng dụng – giới thiệu về ngành Ngôn ngữ Anh của Trường Quốc tế.

Chương trình Cử nhân Ngôn ngữ Anh (chuyên sâu Kinh doanh – Công nghệ thông tin) là chương trình đầu tiên của Việt Nam tích hợp giữa Ngôn ngữ Anh và kiến thức chuyên ngành chuyên sâu về kinh doanh và công nghệ thông tin do ĐHQGHN phát triển và cấp bằng,.. Sinh viên tốt nghiệp chương trình Cử nhân Ngôn ngữ Anh (chuyên sâu Kinh doanh – Công nghệ thông tin) có thể chọn 1 trong 2 chuyên ngành hẹp (Kinh doanh hoặc Công nghệ thông tin) có thể đảm nhận 1 trong 4 nhóm vị trí việc làm đặc trưng của cử nhân Ngôn ngữ Anh nhưng có định hướng chuyên sâu và hoàn toàn khác biệt với những chương trình cử nhân Ngôn ngữ Anh thông thường. Chương trình được xây dựng trên cơ sở tham khảo các chương trình của nước ngoài, hướng đến chuẩn đầu ra tương đương và thu hút sinh viên quốc tế đến học tập, trao đổi tín chỉ. Sinh viên theo học chương trình sẽ được thực tập, thực tế tại các doanh nghiệp nhằm tăng cường tính thực tiễn và trau dồi thêm các kỹ năng mềm cần thiết.

Các chuyên gia đóng góp ý kiến cho chuẩn đầu ra của chương trình.

Trong lần điều chỉnh đầu tiên này, Tổ công tác tiến hành rà soát, điều chỉnh, chỉnh sửa và bổ sung các học phần kỹ năng mới để sinh viên đáp ứng tốt hơn với nhu cầu thị trường, điều chỉnh số tín chỉ của một số học phần dựa trên tình hình thực tế, v.v…

Ý kiến đóng góp của chuyên gia, doanh nghiệp đặc biệt quan trọng cho việc điều chỉnh khung chương trình và chuẩn đầu ra.
Theo ý kiến của các chuyên gia, ngành Ngôn ngữ Anh của Trường Quốc tế theo định hướng ứng dụng, nên Trường cần làm rõ và chỉ ra những điểm đặc trưng của một sinh viên tốt nghiệp từ chương trình này và cụ thể hóa trong khung chương trình cũng như chuẩn đầu ra của chương trình. Đặc biệt, với nghề biên, phiên dịch thì đạo đức nghề nghiệp là quan trọng và cần thiết, do vậy nhà trường nên đưa tiêu chuẩn này vào chuẩn đầu ra của chương trình. Đại diện các doanh nghiệp cũng có đánh giá tốt về ngành Ngôn ngữ Anh và mong muốn hợp tác cùng Trường Quốc tế để tuyển dụng được các ứng viên giỏi phù hợp với công ty.

Các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp chụp ảnh lưu niệm cùng các giảng viên nhà trường.

Hội thảo lấy ý kiến về chuẩn đầu ra và khung chương trình đào tạo đại học ngành Ngôn ngữ Anh kết thúc thành công, ghi nhận được nhiều ý kiến đóng góp hữu ích của các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp. Trong thời gian tới, Trường Quốc tế sẽ tiến hành điều chỉnh khung chương trình và chuẩn đầu ra của chương trình theo đúng triết lý đào tạo của nhà trường, gắn đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp, gắn thực hành thực tập trong quá trình đào tạo.