Hội thảo lấy ý kiến về chuẩn đầu ra và khung chương trình đào tạo đại học ngành Kinh doanh quốc tế và Kế toán, Phân tích và Kiểm toán


Ngày 2/6/2023, Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về chuẩn đầu ra và khung chương trình đào tạo đại học ngành Kinh doanh quốc tế và Kế toán, Phân tích và Kiểm toán. Tham dự và chủ trì hội thảo có TS. Nguyễn Quang Thuận – Phó Hiệu trưởng Trường Quốc tế, các chuyên gia của Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Thương mại, Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội,Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN; đại diện các doanh nghiệp như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Đại lý Thuế Altria, ICAEW, Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC, Công ty Cổ phần Misa, Golden Gate Group, Trung tâm đào tạo Vietsourcing; các cựu sinh viên chương trình Kinh doanh quốc tế và Kế toán, Phân tích và Kiểm toán.

Phó Hiệu trưởng Nguyễn Quang Thuận phát biểu khai mạc hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Quang Thuận khẳng định hội thảo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc điều chỉnh chuẩn đầu ra và khung chương trình đào tạo cử nhân Kinh doanh quốc tế và Kế toán, Phân tích và Kiểm toán. Nhờ các ý kiến đóng góp quý báu của các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp, cựu sinh viên Trường Quốc tế, hai chương trình đào tạo sẽ được đánh giá và có hướng điều chỉnh để nâng cao chất lượng đào tạo, sát với nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp

Tham dự hội thảo có nhiều chuyên gia, đại diện doanh nghiệp.

Kinh doanh quốc tế và Kế toán, Phân tích và Kiểm toán là 2 chương trình đào tạo cử nhân đầu tiên của Trường Quốc tế được công nhận đạt tiêu chuẩn và được cấp Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục đạt theo bộ tiêu chuẩn kiểm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chương trình Kinh doanh quốc tế có nhiều điểm nổi bật như: chương trình dạy học có kết cấu hợp lý, phù hợp với các quy định và có tham khảo các chương trình đào tạo quốc tế; đội ngũ giảng viên trẻ, tốt nghiệp từ nhiều cơ sở đào tạo có uy tín và có thể giảng dạy chương trình bằng tiếng Anh; việc hỗ trợ người học được thực hiện tốt, có hệ thống theo dõi, giám sát người học nhằm giúp cho người học có thể tốt nghiệp đúng hạn và có được việc làm. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp chương trình Kinh doanh quốc tế loại khá, giỏi đạt 84 %. 92,3% sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp.

Các chuyên gia đến từ nhiều trường đại học đóng góp nhiều ý kiến hữu ích về khung chương trình đào tạo.

Chương trình Kế toán, Phân tích và Kiểm toán có giảng viên tham gia giảng dạy tốt nghiệp từ nước ngoài, có trình độ chuyên môn tốt, giỏi ngoại ngữ. Phương pháp giảng dạy đặc biệt chú trọng kết hợp lý thuyết và thực tiễn, nhà trường thường xuyên mời chuyên gia doanh nghiệp đến giảng dạy và tổ chức cho sinh viên đi thực tế tại các cơ quan, doanh nghiệp hàng đầu trong ngành Kế toán, Kiểm toán. Đặc biệt, các môn học của chương trình Kế toán, Phân tích và Kiểm toán có tích hợp với chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế CPA, Australia, nên sau khi tốt nghiệp, sinh viên chỉ cần hoàn thiện thêm một số môn học là có thể nhận chứng chỉ của tổ chức nghề nghiệp danh tiếng này. Đặc biệt, các nhà tuyển dụng đánh giá cao sinh viên tốt nghiệp về tiếng Anh, chuyên môn và khả năng thích ứng với công việc và môi trường thực tế.

Cả hai chương trình đã trải qua một số lần điều chỉnh trước đó và sẽ tiếp tục được điều chỉnh thêm để ngày càng phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội và thị trường lao động. Với lần điều chỉnh này, Tổ công tác điều chỉnh khung chương trình đã xóa bỏ một số học phần không phù hợp, thêm các học phần và kỹ năng mới để sinh viên đáp ứng tốt hơn với nhu cầu thị trường, thay đổi học phần tiên quyết, điều chỉnh số tín chỉ của một số học phần dựa trên tình hình thực tế, v.v…

Đại diện doanh nghiệp mong muốn bổ sung thêm nhiều hơn hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm thực tập thực tế tại doanh nghiệp.

Các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp tham gia hội thảo, cũng đánh giá cao 2 chương trình đào tạo. Đối với những điều chỉnh này, các chuyên gia đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm cải thiện chất lượng đào tạo. Đối với ngành Kinh doanh quốc tế, người tham dự cho rằng nên làm rõ định hướng của chương trình theo hướng nghiên cứu hay ứng dụng, trong khung chương trình còn một số học phần có sự trùng lặp và cần điều chỉnh về số lượng tín chỉ và khối lượng kiến thức, bổ sung thêm những học phần và kỹ năng mang đậm “màu sắc” Kinh doanh quốc tế như Đầu tư quốc tế, Đàm phán kinh doanh quốc tế, v.vv… Người tham dự cũng đã trao đổi, thảo luận về vấn đề tăng cường hoạt động rèn nghề, thực tập theo chuẩn đầu ra; hướng tiếp cận đổi mới chương trình đào tạo thích ứng nhu cầu xã hội.

Đối với ngành Kế toán, Phân tích và Kiểm toán, các chuyên gia trong ngành có những góp ý về việc cần đi sâu hơn vào các nội dung liên quan đến đạo đức nghề nghiệp, bổ sung thêm các yếu tố quốc tế vào chương trình, cải tiến theo hướng tích hợp các chứng chỉ đào tạo nghề (ACCA, CFA, v.vv…) và tạo điều kiện để sinh viên được tiếp xúc với các hiệp hội nghề nghiệp. Đặc biệt, các đại diện lãnh đạo doanh nghiệp mong muốn chương trình sẽ trang bị thêm cho sinh viên về định hướng nghề nghiệp và hiểu biết về quản trị công ty, hành vi tổ chức. Đó là những yếu tố giúp sinh viên phát huy được lợi thế trên thị trường lao động.

Người tham dự hội thảo cùng chụp ảnh lưu niệm.

Như vậy, sau gần 4 tiếng làm việc tích cực, Hội thảo lấy ý kiến về chuẩn đầu ra và khung chương trình đào tạo đại học ngành Kinh doanh quốc tế và Kế toán, Phân tích và Kiểm toán kết thúc thành công, ghi nhận được nhiều ý kiến đóng góp hữu ích của các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp. Trong thời gian tới, Trường Quốc tế sẽ tiến hành điều chỉnh khung chương trình và chuẩn đầu ra của 2 chương trình theo đúng triết lý đào tạo của nhà trường, gắn đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp, gắn thực hành thực tập trong quá trình đào tạo. Trường Quốc tế tin tưởng rằng cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia giáo dục sẽ tiếp tục đồng hành với nhà trường để cùng đào tạo ra nguồn nhân lực cao cho xã hội với đầy đủ phẩm chất, kỹ năng để trở thành công dân toàn cầu trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Hoàng Lan
Khoa Kinh tế và Quản lý