Hội thảo Computing4Human 2022 có nhiều nghiên cứu thú vị về trí tuệ kinh doanh


Ngày 16/12 tới, Hội thảo Computing4Human (C4H) lần thứ 3 sẽ chính thức diễn ra. C4H là chuỗi hội thảo quốc tế do Trường Đại học Chung-Ang (Hàn Quốc) sáng lập và nắm giữ bản quyền. Chúng tôi đã có phần phỏng vấn TS. Võ Đình Nam, Trưởng Ban chuyên môn, đại diện đối tác Hàn Quốc trong Ban tổ chức, để cùng hiểu rõ hơn những điểm nổi bật của Hội thảo năm nay.

– Xin ông hãy cho biết một vài thông tin về Hội thảo Computing4Human
– Hội thảo “Trí tuệ nhân tạo lấy con người làm trung tâm” là hội thảo thường niên lần thứ 3 do Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với các đối tác Hàn Quốc và Việt Nam đồng tổ chức. Về phía Hàn Quốc có sự tham gia của Đại học Chung-Ang, Đại học Catholic. Về phía Việt Nam, các đơn vị đồng tổ chức có Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng và Đại học Đại Nam. Đáng chú ý, tham gia đồng tổ chức với hội thảo Computing4Human 2022 còn có Học viện Viettel, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel).

TS. Võ Đình Nam – Trưởng Ban chuyên môn, đại diện đối tác Hàn Quốc trong Ban tổ chức.

Đây là một diễn đàn mở để các nhà nghiên cứu trình bày và thảo luận về những công trình nghiên cứu mới nhất liên quan đến ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), các công cụ và phương pháp tính toán vào mọi mặt của đời sống xã hội và kinh doanh. Các chủ đề của hội thảo bao gồm các vấn đề “nóng” hiện nay như hệ thống hạ tầng thông minh, y tế thông minh, Internet vạn vật (IoT), các mô hình dự báo và tối ưu hóa, trí tuệ kinh doanh, chuyển đổi số trong kinh doanh, logistics điện tử và chuỗi cung ứng.

– Ông có thể “bật mí” những điểm nổi bật của hội thảo là gì không?
– Hội thảo Computing4Human 2022 có một số điểm nổi bật như sau. Thứ nhất, đây là một hội thảo đa ngành. Các chủ đề nghiên cứu có sự giao thoa giữa các vấn đề xã hội và kinh tế nhưng sử dụng các phương pháp và công cụ của khoa học ứng dụng như toán học, công nghệ thông tin. Có thể nói, Computing4Human dành cho tất cả các nhà nghiên cứu, học giả đang thực hiện các nghiên cứu liên ngành. Hội thảo sẽ là nơi gặp gỡ, trao đổi của các nhà khoa học và thúc đẩy sự hợp tác học thuật giữa các cá nhân và tổ chức tham gia hội thảo.
Thứ hai, hội thảo năm nay có sự hiện diện của 3 diễn giả chính là các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu về quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin và phân tích kinh doanh như GS. Jacques Marcel Alfred Martin (Tổng thư ký Hiệp hội châu Âu về Quản trị xuất sắc, Nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Toulon, Pháp), GS. Lemai Nguyen (Đại học Deakin, Úc), GS. Hồ Tú Bảo (Thành viên Ban tư vấn chính phủ về chuyển đổi số quốc gia). Các vị diễn giả chính của Hội thảo sẽ mang đến những bài trình bày với góc nhìn mới, giúp các nhà khoa học trẻ có định hướng sâu hơn trong các nghiên cứu trong tương lai.

Hội thảo Computing4Human (C4H) lần thứ 3 diễn ra theo 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Thứ ba, Computing4Human 2022 có sự đồng hành của Tập đoàn Viettel, doanh nghiệp viễn thông hàng đầu tại Việt Nam. Điều này cho thấy, tính hấp dẫn của các chủ đề trong hội thảo không chỉ ở khía cạnh khoa học mà còn cả ở khía cạnh thực tiễn. Tôi tin tưởng là diễn đàn Computing4Human 2022 sẽ không chỉ mang lại những kiến thức mới cho các nhà khoa học mà còn đưa ra những thông tin hữu ích cho các nhà quản trị doanh nghiệp, các nhà hoạch định chính sách liên quan đến các vấn đề phát triển kinh tế – xã hội quốc gia.
Thứ tư, hội thảo năm nay có sự đóng góp của rất nhiều các nhà khoa học đến từ nhiều trường đại học danh tiếng trong nước và nước ngoài. Cho đến thời điểm hiện tại, Ban chuyên môn của hội thảo đã nhận được 64 bài viết với chất lượng tốt với nhiều chủ đề đa dạng, tập trung nhiều vào mảng nghiên cứu về trí tuệ kinh doanh.

– Những “lợi ích” và “điều kiện” để tham gia hội thảo Computing4Human là gì?
Theo tôi, có hai “lợi ích” cơ bản dành cho các nhà nghiên cứu, nhà khoa học khi đến với Computing4Human 2022. Một là, các nhà khoa học được “thoải mái” chia sẻ kết quả nghiên cứu của mình và nhận được các ý kiến đóng góp hữu ích, có tính chuyên môn sâu từ những người phản biện mà Ban chuyên môn đã lựa chọn. Từ đó, chất lượng các bài tham luận sẽ được nâng cao, có thể bổ sung, hoàn chỉnh để gửi đi công bố ở các tạp chí quốc tế có chỉ số ảnh hưởng cao. Hai là, kỷ yếu hội thảo Computing4Human đã được chỉ báo trong danh mục Scopus nên mỗi bài tham luận được chấp nhận tại hội thảo sẽ được in trong kỷ yếu xuất bản, thể hiện sự ghi nhận về thành tích chuyên môn của các tác giả bài viết.

Về “điều kiện” tham gia hội thảo, tôi nghĩ ngoài các yêu cầu chung về thể lệ tham dự, điều cần thiết nhất với các nhà nghiên cứu là niềm đam mê đối với khoa học và mong muốn được chia sẻ với cộng đồng học thuật trong và ngoài nước.

– Xin trân trọng cảm ơn ông

Hạnh Hương 

(thực hiện)