Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) bước vào tuổi 21 sau hơn 1 năm chuyển đổi từ Khoa lên Trường, với một tâm thế mới, quyết tâm mới. Nhà trường theo đuổi con đường kiến tạo giá trị cho người học; giúp sinh viên phát triển hết khả năng, năng lực để thực hiện sứ mệnh của bản thân mình, từ đó đem tri thức, kiến thức để phụng sự xã hội, phụng sự đất nước.
Triết lý giáo dục theo Giới – Định – Tuệ
Triết lý giáo dục Giới – Định – Tuệ hướng đến giáo dục con người hoàn thiện cả đạo đức lẫn tri thức, cả thể chất lẫn tinh thần. Với triết lý giáo dục như vậy, Trường Quốc tế hướng đến việc đào tạo ra các thế hệ sinh viên có đủ Thân khỏe – Tâm an – Tuệ mẫn, Sức khỏe – Bình an – Thông thái để khẳng định sự tồn tại và giá trị bản thân, có thể giúp mình, giúp người và giúp đời trong tương lai.
Cây chương trình đào tạo – thể hiện triết lý đào tạo mà Nhà trường đang hướng đến.
Trong mỗi một con người chúng ta luôn tồn tại 3 yếu tố cần phải quản trị là Thân – Tâm – Tuệ. Muốn có một cuộc sống tốt, cuộc đời vui vẻ theo như ý muốn thì con người cần phải hiểu rõ và có khả năng điều khiển linh hoạt các yếu tố này trong chính bản thân mình.
Thân là thể hiện sức khỏe, thói quen sống lành mạnh, chế độ ăn uống ngủ nghỉ điều độ, khoa học và có kế hoạch rèn luyện sức khỏe, vận động tập luyện thường xuyên. Thân là phương tiện, công cụ để trải nghiệm cuộc đời của mỗi người. Khi thân đạt đến mức điêu luyện được gọi là “Thân tuệ”. Nhiều sinh viên bước vào ngưỡng cửa đại học, bắt đầu một hành trình mới, chưa nhận thức được tầm quan trọng của Thân, vậy nên để khoảng thời gian 4 năm đại học bị lãng phí, dùng Thân làm những việc không nên làm, đến những chỗ không nên đến, không chăm lo sức khỏe, ăn uống các chất hại thân. Môi trường đại học, vì thế, cần giáo dục sinh viên hiểu rõ về thân mình, sức khỏe của mình, nhận thức tầm quan trọng trước thì mới có hành động đúng.
Sinh viên Trường Quốc tế tham gia chương trình đào tạo kỹ năng mềm PDP_Training 02 “Giải pháp giảm áp lực và phát triển tư duy tích cực” tổ chức từ ngày 17/6/2023 – 18/6/2023.
Tuệ là mức độ nhận biết, thấu hiểu của con người trước một công việc hay sự kiện đang diễn ra. Tuệ có nguồn cội giống như kiến thức, nhưng khác với kiến thức, nó là năng lực hiểu biết trực tiếp không thông qua ngôn ngữ, khái niệm hay lý luận. Sinh viên Trường Quốc tế được rèn luyện và học tập trong một cộng đồng văn hóa đa quốc gia, đa sắc tộc gồm các giảng viên tu nghiệp ở nước ngoài, giảng viên nước ngoài, sinh viên quốc tế, do vậy các em có hoàn cảnh, điều kiện tốt nhất để học hỏi từ “những người khổng lồ”. Tuy nhiên, để có được trí tuệ phát triển thì sinh viên nên chọn cho mình lăng kính nhìn sự vật đúng đắn, nhận thấy được xung quanh mình rất nhiều “người khổng lồ” để học hỏi. Tất cả điều này lại phụ thuộc vào các em. Và sinh viên khi được “nạp đủ” trí tuệ, tri thức, sau 4 – 5 năm đại học chắc chắn sẽ là người có giá trị, từ đó mang lại được giá trị cho nhiều người khác.
Sinh viên Trường Quốc tế, ngoài việc chăm chỉ học tập trên giảng đường, còn tích cực tham gia các hoạt động
vì cộng đồng.
Tâm là niềm yêu thích, sung sướng và đam mê trong công việc của một người. Tâm cũng là những suy nghĩ tích cực, tươi tắn, hài hòa và cân bằng với từng hoàn cảnh xung quanh, cư xử chuẩn mực để người đối diện có niềm tin và hưng phấn. Tâm bắt nguồn từ trong chính bản thân chúng ta, cho nên, muốn trở thành người tốt thì cần có cái “Tâm”, sống bằng cả tấm lòng, mọi cư xử, hành động phải xuất phát từ đáy lòng. Ở Trường Quốc tế, mối quan hệ thầy trò, đồng nghiệp luôn chân tình, con người cùng nhau phát triển, cộng nghiệp trên cùng một con thuyền. Đặc biệt, trên con thuyền ấy, mỗi người đều có giá trị riêng, đóng góp riêng. Sinh viên có nhiều cơ hội gần gũi, học hỏi từ thầy, cô, được soi sáng để khai phá ra chính mình.
Sinh viên Trường Quốc tế rất tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, đến với các vùng sâu vùng xa.
Ở Trường Quốc tế, sinh viên sẽ được định hướng, được đồng hành để biến khoảng thời gian học tập trên giảng đường thành vô giá, những giá trị các em nhận được cũng sẽ là vô giá, 4 – 5 năm tích lũy trong trường được tính tương đương thành 8 -10 năm. Các em nên tận dụng tối đa thời gian để học tập, rèn luyện, phát triển bản thân mình, bởi khi tích lũy đủ tri thức, có tâm thế vững vàng bên trong, mọi quyết định đưa ra sẽ đúng đắn, giúp được cho nhiều người.
“Di sản” để lại của người thầy
Con người VNU-IS luôn làm việc theo đúng tinh thần 24/7 (24 giờ trên 7 ngày trong tuần). Câu nói vui của các thế hệ lãnh đạo nhà trường, nhưng trên thực tế đã luôn được thể hiện rõ trong quá trình hình thành và phát triển của nhà trường, trong mỗi người cán bộ, người học của nhà trường luôn tràn đầy tinh thần, nỗ lực cống hiến, làm việc không ngừng nghỉ vì mục đích chung. Ở nơi đây, khi có việc, khi cần ai cũng sẵn sàng đến dù là ngoài giờ, ngày nghỉ hay ngày lễ. Thầy, cô sẵn sàng dành thời gian ngoài giờ để hỗ trợ, giúp đỡ sinh viên nếu các em cần. Cán bộ sẵn sàng hy sinh thời gian dành cho gia đình để đến Trường hoàn thành công việc của mình.
Sứ mệnh của nghề giáo, sứ mệnh của người thầy, là đem giá trị của mình cho mọi người.
Sứ mệnh của nghề giáo, sứ mệnh của người thầy, là đem giá trị của mình cho mọi người, “nghề giáo là nghề cho đi mà không màng nhận lại”, làm người người khác hạnh phúc thì chính mình sẽ thấy hạnh phúc. Và như vậy, người thầy cần có nhiều giá trị để trao tặng cho người học, biết cách gợi mở để người học khai phá và chuyển hóa giá trị của thầy thành giá trị của mình. Người thầy cần có phương thức “mở khóa” làm sao để người học có thể tự học, tự làm giàu bản thân mình.
Các giảng viên Trường Quốc tế đang mỗi ngày cần mẫn truyền lại những di sản mình có đến các thế hệ học trò.
Vậy sản phẩm của người thầy sẽ như thế nào? Sản phẩm của người thầy không chỉ là những bài giảng, lời nói, tri thức thông thường, mà còn phải được biến thành những “câu chuyện”, “tác phẩm” đặc biệt, có sức hấp dẫn riêng, để thầy trò cùng nhau trải nghiệm, cùng tưởng tượng xem kiến thức đã học được ứng dụng như thế nào trong thực tiễn cuộc sống bên ngoài giảng đường. Bản thân người thầy luôn ở trong tâm thế cho đi mà không cần được nhận lại, sẵn sàng mở lòng trao tặng những di sản mình đang sở hữu, bởi khi trao tặng là người thầy cũng đang khai phá thêm chính con người mình, nguồn tri thức mình sở hữu. Di sản, giá trị người thầy trao tặng cho sinh viên là điều quý giá, ở tầm cao nhất hơn gấp nhiều lần tiền bạc.
Sinh viên Trường Quốc tế, ngay từ ngày đầu nhập học, đã được tham gia các khóa học để khai phá bản thân mình.
Mục tiêu cuối cùng và quan trọng nhất của Trường Quốc tế là giúp người học khai phá hết tiềm năng, năng lực trong bản thân mỗi người theo tinh thần “Unlock the ISER in you”- trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Người học, khi được phát triển hết khả năng con người mình, sẽ thực hiện được sứ mệnh của bản thân, từ đó sẽ phụng sự xã hội, phụng sự đất nước. Và đúng như khẩu hiệu hành động của Trường Quốc tế – “Học tập và sáng tạo cùng thế giới”, người học VNU-IS luôn được trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất để khẳng định sự tồn tại và giá trị bản thân; để thích ứng, hoà nhập nhanh chóng và thành công trong môi trường lao động toàn cầu ngay sau khi tốt nghiệp.