Hai tọa đàm khoa học hữu ích của Khoa Kinh tế và Quản lý trong tháng 11


Ngày 9/11/2023, Khoa Kinh tế và Quản lý, Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), tổ chức thành công hai buổi tọa đàm khoa học với chủ đề “Chia sẻ kinh nghiệm về việc đánh giá độ tự chủ đại học của các đối tác nước ngoài ở Úc” và “Kỹ thuật đánh giá hiệu quả với phương pháp phân tích bao dữ liệu”. Diễn giả của chương trình là TS. Nguyễn Thế Cường và ThS. Lê Văn Đạo. Tọa đàm có sức hấp dẫn và vô cùng thiết thực đối với các nghiên cứu sinh và toàn thể cán bộ, giảng viên của Khoa Kinh tế và Quản lý.

Trong phần thứ nhất của buổi toạ đàm, TS. Nguyễn Thế Cường chia sẻ kinh nghiệm về chủ đề “Đánh giá độ tự chủ đại học của các đối tác nước ngoài ở Úc”. Nội dung bài chia sẻ gồm 3 phần chính: chia sẻ kinh nghiệm của bản thân về việc tự chủ đại học ở Úc; chia sẻ về các tiêu chí đánh giá và các bước để kiểm tra việc tự chủ đại học của đối tác ở Úc và một số khuyến nghị cho việc mở rộng tự chủ đại học ở Việt Nam.

TS. Nguyễn Thế Cường chia sẻ về chủ đề tự chủ đại học của các đối tác nước ngoài ở Úc.

Diễn giả bắt đầu bằng việc giới thiệu các đối tác của Trường Quốc tế tại Úc (7 trường) và chia sẻ về việc Bộ Ngoại giao và Thương mại có quyền quản lý và kiểm soát về các vấn đề đối ngoại của các trường đại học công lập ở Úc. Diễn giả cũng chia sẻ phần lớn các trường đại học của Úc là công lập, chỉ có 1 đến 2 trường dân lập, nên Bộ Ngoại giao và Thương mại kiểm soát các vấn đề về đối ngoại để kiểm soát các nguồn kinh phí liên quan đến cấp học bổng, trao đổi sinh viên. Tiếp đó, TS. Cường cũng chia sẻ về các tiêu chí đánh giá và các bước để kiểm tra việc tự chủ đại học của đối tác ở Úc. Đặc biệt, diễn giả đưa ra một số khuyến nghị cho việc mở rộng tự chủ đại học ở Việt Nam, như tăng cường tự chủ về học thuật, nhân sự và tài chính hay tăng cường tự chủ về nhân sự lãnh đạo của các trường đại học.

Diễn giả chụp ảnh lưu niệm cùng người tham dự tọa đàm.

Trong phần thứ hai của buổi toạ đàm, ThS. Lê Văn Đạo chia sẻ về chủ đề “Kỹ thuật Đánh giá hiệu quả với phương pháp phân tích bao dữ liệu”. Diễn giả chia sẻ lý do vì sao cần biết về phương pháp phân tích bao dữ liệu, định nghĩa của “hiệu quả” trong kỹ thuật, đánh giá hiệu quả với phương pháp phân tích bao dữ liệu. Theo diễn giả, khi đánh giá hiệu quả cần xem mọi việc như là một quá trình sản suất và dùng ít đầu vào nhưng tạo ra được nhiều đầu ra nhất có thể (tối ưu hoá).

Cuối cùng, diễn giả cũng chia sẻ các nghiên cứu của mình trong các lĩnh vực khác nhau (giáo dục đại học, khai tác thuỷ hải sản,..) và trao đổi về kỹ thuật đánh giá hiệu quả bằng phương pháp phân tích bao dữ liệu tập trung vào một số điểm gồm hiệu quả phân bổ; hiệu quả quy mô; và hiệu quả kỹ thuật.

Sau khi diễn giả trình bày, các giảng viên và các nghiên cứu sinh đã tích cực đặt ra những câu hỏi và trao đổi sôi nổi với diễn giả và tất cả các vấn đề đều được diễn giả giải đáp và trao đổi.

Trong thời gian tới, Khoa Kinh tế và Quản lý sẽ tiếp tục triển khai các buổi tọa đàm với nhiều chủ đề đa dạng, nhằm tăng cường sự chia sẻ và kết nối trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học giữa các cán bộ giảng viên của Khoa với các cán bộ giảng viên của Trường Quốc tế, ĐHQGHN cũng như các nhà khoa học khác có quan tâm.

Vũ Minh Quân

Khoa Kinh tế và Quản lý