Giảng viên Trường Quốc tế ghi dấu ấn tại hội thảo quốc tế EMCEI lần thứ 7


Từ ngày 23 – 26/6/2025, đoàn giảng viên Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tham dự Hội thảo quốc tế lần thứ 7 về Hội nhập môi trường khu vực Địa Trung Hải (The 7th Euro-Mediterranean Conference for Environmental Integration – EMCEI 2025), diễn ra tại Đại học Mediterranea, thành phố Reggio Calabria, Italy. Hội thảo quy tụ hơn 600 đại biểu trực tiếp và trực tuyến đến từ hơn 80 quốc gia, thảo luận các giải pháp khoa học và chính sách cho phát triển bền vững toàn cầu.

Đoàn công tác Trường Quốc tế gồm 5 giảng viên, do PGS.TS. Lưu Thị Minh Ngọc làm trưởng đoàn, đã trình bày tổng cộng 9 bài nghiên cứu khoa học vớig các chủ đề đa dạng: đổi mới sáng tạo, năng lượng, văn hóa tổ chức, chuyển đổi khu công nghiệp sinh thái, ngân hàng số và tiêu dùng bền vững. Đây là hoạt động học thuật có quy mô lớn, góp phần khẳng định vị thế học thuật và năng lực nghiên cứu và công bố quốc tế của Nhà trường.


Các giảng viên Trường Quốc tế tham gia trình bày tại Hội thảo quốc tế EMCEI 2025, Reggio Calabria, Italy.

Tại hội thảo, PGS.TS. Lưu Thị Minh Ngọc đã trình bày bốn bài nghiên cứu khoa học nổi bật, phản ánh sự kết hợp giữa chiều sâu học thuật và thực tiễn phát triển tại Việt Nam. Nghiên cứu đầu tiên tập trung vào cam kết của nhân viên trong các doanh nghiệp FDI, chỉ ra rằng yếu tố lãnh đạo hỗ trợ và chính sách khen thưởng công bằng có vai trò quyết định trong việc giữ chân người lao động, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh nhân lực chất lượng cao. Nghiên cứu thứ hai đề xuất một khung lý thuyết tích hợp gồm ba trụ cột – hệ thống đổi mới công nghệ (TIS), năng lực hấp thụ (ACAP) và mô hình học tập thực hành (DUI) – nhằm giải thích quá trình đổi mới tại các doanh nghiệp làng nghề thủ công ở Hà Nội. Mô hình được xây dựng dựa trên phản biện của 14 chuyên gia qua hai vòng Delphi, góp phần nâng cao hiệu quả đổi mới trong các doanh nghiệp truyền thống, vốn đóng vai trò quan trọng trong gìn giữ văn hóa và phát triển kinh tế địa phương.

Hai nghiên cứu còn lại của PGS.TS. Minh Ngọc đều xoay quanh chủ đề phát triển bền vững. Nghiên cứu thứ ba khảo sát hơn 350 người tiêu dùng để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi mua sắm sản phẩm xanh trên nền tảng số. Kết quả cho thấy lối sống xanh, chuẩn mực xã hội và sự hiểu biết về môi trường là những yếu tố thúc đẩy mạnh mẽ ý định tiêu dùng bền vững, đặc biệt khi có sự hỗ trợ từ mạng xã hội và trải nghiệm số thuận tiện. Nghiên cứu cuối cùng tập trung vào mối liên hệ giữa đổi mới công nghệ và mức tiêu hao năng lượng trong sản xuất, với kết quả cho thấy các doanh nghiệp đầu tư đổi mới (máy móc, quy trình) có mức tiêu thụ năng lượng thấp hơn đáng kể so với doanh nghiệp truyền thống. Từ đó, nghiên cứu đề xuất các chính sách ưu đãi đầu tư xanh, góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải và thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

PGS.TS. Nguyễn Phương Mai chia sẻ nghiên cứu tại EMCEI 2025 về du lịch bền vững và hành vi môi trường trong doanh nghiệp.

PGS.TS. Nguyễn Phương Mai tham gia hội thảo với hai bài trình bày nổi bật về phát triển bền vững trong ngành du lịch và quản trị môi trường tại nơi làm việc. Nghiên cứu đầu tiên tập trung vào tác động của trách nhiệm xã hội tại điểm đến (Destination Social Responsibility – DSR) tới lòng trung thành của du khách, được kiểm định qua mô hình SEM trên cơ sở dữ liệu 613 khách du lịch tại Việt Nam. Kết quả cho thấy DSR, bao gồm bảo vệ môi trường, gìn giữ bản sắc văn hóa và hỗ trợ cộng đồng địa phương, không chỉ cải thiện hình ảnh điểm đến mà còn tạo động lực để du khách quay trở lại. Nghiên cứu có hàm ý thiết thực cho các nhà hoạch định chính sách và đơn vị lữ hành trong việc định hình phát triển du lịch bền vững.

Trong nghiên cứu thứ hai, tác giả đi sâu phân tích vai trò của lãnh đạo có tính đạo đức trong việc thúc đẩy hành vi thân thiện với môi trường nơi làm việc, với dữ liệu khảo sát từ 320 nhân viên tại các doanh nghiệp ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Bài nghiên cứu sử dụng kết hợp lý thuyết trao đổi xã hội (SET) và mô hình kích hoạt chuẩn mực (NAM) để lý giải hành vi môi trường dưới tác động của lãnh đạo có tính đạo đức. Kết quả chỉ ra rằng khi người lãnh đạo thể hiện sự chính trực, công bằng và quan tâm tới giá trị bền vững, họ sẽ tạo ra một hệ sinh thái tổ chức nơi nhân viên cảm thấy có trách nhiệm và chủ động hành động vì môi trường. Đây là hướng nghiên cứu có ý nghĩa lớn trong bối cảnh doanh nghiệp Việt Nam đang hướng tới phát triển xanh và thực hiện ESG (môi trường – xã hội – quản trị).

TS. Lê Thị Mai trình bày nghiên cứu chuyên sâu về hành vi tiêu dùng bền vững của thế hệ Z, đặc biệt trong lĩnh vực thời trang đã qua sử dụng, một xu hướng đang gia tăng mạnh mẽ trong bối cảnh kinh tế tuần hoàn và ý thức môi trường của người trẻ ngày càng cao. Nghiên cứu áp dụng kết hợp mô hình lý thuyết giá trị (Value Theory) và lý thuyết hành vi có kế hoạch (TPB), khảo sát trên hơn 300 sinh viên tại Hà Nội, nhằm tìm hiểu những yếu tố thúc đẩy hoặc cản trở hành vi tiêu dùng sản phẩm second-hand. Kết quả cho thấy rằng các giá trị sinh thái, như mối quan tâm đến môi trường, giảm phát thải và tiết kiệm tài nguyên, cùng với động lực thể hiện bản thân thông qua thời trang sáng tạo là những yếu tố góp phần thúc đẩy thái độ tích cực và ý định mua sắm các sản phẩm đã qua sử dụng. Trong khi đó, những yếu tố như tâm lý e ngại sản phẩm cũ, thói quen tiêu dùng tiện nghi, hoặc nhận thức tiêu cực từ xã hội là các rào cản cần vượt qua. Nghiên cứu không chỉ cung cấp bằng chứng thực nghiệm quan trọng cho xu hướng tiêu dùng mới của giới trẻ, mà còn đưa ra những khuyến nghị chiến lược cho doanh nghiệp thời trang, nhà hoạch định chính sách và các chiến dịch xã hội nhằm thúc đẩy chuyển đổi hành vi tiêu dùng bền vững trong tương lai gần.

TS. Lê Hương Linh chia sẻ nghiên cứu về khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam.

TS. Lê Hương Linh chia sẻ kết quả nghiên cứu liên ngành về chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang mô hình khu công nghiệp sinh thái (Eco-Industrial Parks hay còn gọi là EIP) tại Việt Nam. Đây là một chủ đề có ý nghĩa cấp thiết trong bối cảnh quốc gia đang theo đuổi các cam kết giảm phát thải khí nhà kính và phát triển bền vững. Nghiên cứu sử dụng khung lý thuyết TOE (Technology – Organization – Environment) để phân tích dữ liệu từ 92 doanh nghiệp hoạt động trong hai khu công nghiệp tiêu biểu ở Hưng Yên và Đồng Nai, kết hợp với phỏng vấn sâu các chuyên gia và cán bộ quản lý khu công nghiệp. Kết quả cho thấy một loạt thách thức trong quá trình chuyển đổi sang EIP như thiếu hỗ trợ tài chính, năng lực quản lý môi trường còn hạn chế, và sự thiếu gắn kết giữa chính sách quy hoạch phát triển công nghiệp với yêu cầu môi trường. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng nhận diện được những động lực tiềm năng như áp lực thị trường, cơ hội hợp tác kỹ thuật, và các chính sách ưu đãi xanh đang được xây dựng. Từ đó, nghiên cứu đề xuất bộ chỉ số đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi EIP cho từng doanh nghiệp, làm cơ sở để xây dựng lộ trình cụ thể và khả thi nhằm đạt được chuyển đổi xanh tại các khu công nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.

ThS. Nguyễn Hoàng Lan trình bày nghiên cứu ứng dụng về ngân hàng số bền vững tại vùng cao, với trường hợp điển hình là Agribank chi nhánh Mù Cang Chải. Nghiên cứu được thực hiện trong bối cảnh các tổ chức tài chính đang tìm cách mở rộng dịch vụ tài chính toàn diện gắn với mục tiêu giảm phát thải. Với cách tiếp cận hỗn hợp, kết hợp dữ liệu định lượng từ 189 khách hàng và phân tích thực trạng triển khai dịch vụ ngân hàng điện tử, nghiên cứu cho thấy e-banking mang lại lợi ích kép: vừa mở rộng cơ hội tiếp cận tài chính cho người dân vùng sâu vùng xa, vừa giúp tiết kiệm giấy tờ, giảm nhu cầu đi lại, từ đó giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra các rào cản về hạ tầng kỹ thuật số, trình độ công nghệ của người dân và niềm tin đối với dịch vụ điện tử. Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất các biện pháp cải thiện như tăng cường truyền thông giáo dục tài chính, đầu tư vào hạ tầng mạng tại vùng khó khăn, và xây dựng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng số phù hợp với đặc thù khu vực nông thôn miền núi. Nghiên cứu không chỉ cung cấp bằng chứng thực tiễn có giá trị mà còn góp phần xây dựng chính sách tài chính xanh, thúc đẩy phát triển bền vững từ góc độ tiếp cận tài chính.

ThS. Nguyễn Hoàng Lan chia sẻ nghiên cứu ứng dụng về e-banking bền vững tại vùng cao, góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện và giảm phát thải khí nhà kính.

Việc tham gia hội thảo EMCEI 2025 không chỉ giúp các giảng viên cập nhật tri thức mới, chia sẻ kết quả nghiên cứu mà còn tạo cơ hội kết nối quốc tế, mở rộng hợp tác học thuật với các đối tác châu Âu, Trung Đông và Bắc Phi. Sự tham gia tích cực của đoàn là minh chứng cho nỗ lực quốc tế hóa hoạt động nghiên cứu và giảng dạy của Trường Quốc tế, ĐHQGHN. Các bài nghiên cứu được đánh giá cao về tính thực tiễn, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên của quốc gia như chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững. Có thể nói Trường Quốc tế tiếp tục khẳng định vị thế học thuật vươn tầm quốc tế, đồng hành cùng các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam và thế giới.

Lê Hương Linh

Khoa Kinh tế và Quản lý