Gặp các tình nguyện viên SEA Games 31 của Trường Quốc tế


Sau hơn 10 ngày thi đấu chính thức, Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) sẽ kết thúc với Lễ bế mạc tại Cung điền kinh trong nhà Mỹ Đình, Hà Nội vào tối 23/5. Sau tấm Huy chương vàng (HCV) bóng đá nam của đội U23 Việt Nam, Đoàn Thể thao Việt Nam khép lại SEA Games 31 với 205 HCV, 125 HCB và 116 HCĐ, dẫn đầu toàn đoàn.

Để có được SEA Games 31 thành công như vậy không thể không nhắc đến sự đóng góp của các tình nguyện viên phục vụ trên cả nước, trong đó có các bạn tình nguyện viên của Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội. 20 tình nguyện viên sẽ hỗ trợ đoàn vận động viên VOVINAM tại Flamingo Đại Lải ở Vĩnh Phúc có những trải nghiệm thú vị trên vai trò mới này. Các sinh viên Trường Quốc tế tập trung tại Flamingo Đại Lải từ ngày 10/5/2022, trước khi bắt đầu công việc phiên dịch và hỗ trợ đoàn vận động viên lưu trú tại đây. Các tình nguyện viên còn dược tập huấn sâu về tư duy dịch vụ và kỹ năng nghề nghiệp của 3 bộ phận: Tiền sảnh, Ẩm thực và Buồng phòng. Với khả năng giao tiếp và ngoại ngữ tốt, sinh viên Trường Quốc tế tự tin thực hiện các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là công việc phiên dịch cho các vận động viên nước ngoài.

Các thầy, cô lên thăm hỏi và động viên các tình nguyện viên tại Flamingo Đại Lải.

Sau một thời gian “tôi luyện” tại Flamingo Đại Lải với các vị trí công việc khác nhau, các sinh viên Trường Quốc tế đã trưởng thành hơn, học được nhiều điều, đặc biệt trong đó là tuân thủ nghiêm nguyên tắc, quy định làm việc tại resort 5 sao. “Chúng em được phân công làm việc tại các bộ phận khác nhau và thực hiện tất cả các công việc từ nhỏ nhất như lau dọn phòng đến chỉ dẫn, hướng dẫn khách. Lần đầu tiên được tiếp xúc với một bộ máy làm việc khổng lồ chúng em không khỏi choáng ngợp, nhưng sau vài ngày đã quen hơn và dần đi vào guồng. Em và các bạn đã học hỏi được nhiều điều từ chuyến đi này”, Minh Hằng, sinh viên ngành Quản trị Khách sạn, Thể thao và Du lịch chia sẻ.

Các sinh viên chia sẻ về công việc tại Flamingo.

Hải Nam, sinh viên chương trình Song bằng Marketing, cho biết bạn đã học được thêm nhiều kỹ năng sau khi tham gia làm tình nguyện viên SEA Games 31. “Em đã có nhiều kinh nghiệm và trải nghiệm quý báu giúp em thêm vào hành trang cho công việc và cuộc sống sau này. Được tham gia làm tình nguyện viên cho một chương trình tầm cỡ khu vực thực sự là may mắn đối với em, khiến cho cuộc sống sinh viên có nhiều kỷ niệm đẹp”, Hải Nam cho hay.

Các tình nguyện viên vui mừng nhận những phần quà của Trường Quốc tế.

Đặc biệt, các anh chị quản lý các tình nguyện viên Trường Quốc tế cũng như Ban lãnh đạo Flamingo đánh giá cao tinh thần làm việc và tinh thần trách nhiệm. “Sinh viên Trường Quốc tế có khả năng tiếng Anh tốt, rất phù hợp với nhiều vị trí tại Flamingo. Mong sẽ được gặp lại các bạn sinh viên trong những hoạt động thực tập tại Flamingo thời gian tới. Các bạn đã hoàn thành tốt nhiệm vụ tình nguyện viên SEA Games của mình và hy vọng các bạn sẽ hoàn thành tốt công việc của các thực tập sinh trong thời gian tới”, chị Bùi Nga, Giám đốc nhân sự của Flamingo Đại Lải, cho hay.

Xin chúc mừng các tình nguyện viên đã phát huy vai trò, hoàn thành tốt sứ mệnh là những sứ giả của nước chủ nhà đăng cai SEA Games 31, để lại ấn tượng tốt đẹp trong mắt bạn bè quốc tế, góp phần vào thành công chung của Đại hội.

Được thành lập năm 2002, Khoa Quốc tế trước đây và Trường Quốc tế ngày nay đã và đang triển khai nhiều chương trình đào tạo đại học và sau đại học bằng tiếng Anh với nhiều hình thức đào tạo linh hoạt (liên kết, song bằng, bằng kép…).. Sinh viên Trường Quốc tế có thể học toàn phần tại Việt Nam hoặc chuyển tiếp sang học tại các trường đại học nước ngoài. Kết thúc chương trình, sinh viên được nhận bằng cử nhân chính quy của ĐHQGHN hoặc của các trường đối tác có giá trị toàn cầu, được Bộ Giáo dục – Đào tạo Việt Nam công nhận.

Năm 2022, Trường Quốc tế dự kiến tuyến sinh 1.400 chỉ tiêu cho 12 ngành học chất lượng cao, tăng tới 550 chỉ tiêu so với năm 2021. Trường cũng sẽ mở thêm 3 ngành mới thuộc lĩnh vực công nghệ: Công nghệ thông tin ứng dụng, Công nghệ tài chính và Kinh doanh kỹ thuật số, Kỹ thuật hệ thống công nghiệp và Logistics.

 

Chương trình Cử nhân Ngôn ngữ Anh (chuyên sâu Kinh doanh – Công nghệ thông tin) là chương trình đầu tiên của Việt Nam do ĐHQGHN phát triển và cấp bằng, tích hợp giữa Ngôn ngữ Anh và kiến thức chuyên ngành chuyên sâu về kinh doanh và công nghệ thông tin. Do đó chương trình sẽ đáp ứng được các vị trí việc làm đặc trưng mà xã hội đang rất cần. Sinh viên tốt nghiệp chương trình Cử nhân Ngôn ngữ Anh (chuyên sâu Kinh doanh – Công nghệ thông tin) chọn một trong 2 chuyên ngành hẹp (Kinh doanh hoặc Công nghệ thông tin) có thể đảm nhận 1 trong 4 nhóm vị trí việc làm đặc trưng của cử nhân Ngôn ngữ Anh (Biên phiên dịch về lĩnh vực kinh doanh, và CNTT, Ngôn ngữ học ứng dụng, đối ngoại, và giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành trong lĩnh vực kinh doanh – CNTT tại các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp) nhưng có định hướng chuyên sâu và hoàn toàn khác biệt với những chương trình cử nhân Ngôn ngữ Anh thông thường. Chương trình được xây dựng trên cơ sở tham khảo các chương trình của nước ngoài, hướng đến chuẩn đầu ra tương đương và thu hút sinh viên quốc tế đến học tập, trao đổi tín chỉ. Sinh viên theo học chương trình sẽ được thực tập, thực tế tại các doanh nghiệp nhằm tăng cường tính thực tiễn và trau dồi thêm các kỹ năng mềm cần thiết.