Doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về tuyển dụng và đãi ngộ nhân tài cho các học viên Trường Quốc tế


Nằm trong các hoạt động đổi mới chương trình đào tạo kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn, ngày 23/3/2024, Khoa Kinh tế và Quản lý, Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội, tổ chức buổi chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong tuyển dụng và đãi ngộ nhân tài cho các học viên ngành Quản trị tài chính và Kinh doanh quốc tế. Diễn giả là bà Trần Thị Phúc Hạnh – Trưởng Ban nhân sự, Thành viên ban điều hành ZME, thành viên Hiệp hội Nhân sự HRA, VNHR.

Mở đầu buổi chia sẻ, PGS.TS Lưu Thị Minh Ngọc – Trưởng Khoa Kinh tế và Quản lý, giảng viên giảng dạy của học phần, đã gợi mở một số vấn đề và góc nhìn thực tiễn đang đặt ra cho các tổ chức công và tư trong việc thu hút và giữ chân nhân sự giỏi, để các học viên nhìn nhận và nắm được các xu thế chung của công tác tuyển dụng và giữ chân nhân tài, đồng thời tư duy và đặt những câu hỏi liên quan tới chủ đề chia sẻ của diễn giả.

Diễn giả Trần Thị Phúc Hạnh đã chia sẻ rất nhiều thông tin hữu ích về tuyển dụng và đãi ngộ nhân tài.

Với 15 năm làm quản lý nhân sự ở các doanh nghiệp tại Việt Nam, diễn giả đã chia sẻ nhiều điều giá trị và bổ ích trong công tác thu hút, tuyển dụng và đãi ngộ nhân tài trong các tổ chức hiện nay. Bà Trần Thị Phúc Hạnh cho rằng việc thu hút và giữ chân nhân tài cần xuất phát từ quan điểm 3C của Dave Ulric: Competence (năng lực), Commitment (cam kết), Contribution (đóng góp). Do đó, bà cho rằng nhân tài là những người nằm trong khoảng 20% nhân sự của một tổ chức nhưng có đóng góp 80% giá trị cho tổ chức đó.

Chia sẻ về xu hướng tuyển dụng nhân tài trong tương lai, diễn giả cho rằng các tổ chức cần phải xây dựng được 3B (Bạn-Bàn-Bán), nghĩa là trước hết tổ chức phải làm quen, kết bạn được với nhân tài cần chiêu mộ, tuyển dụng; tiếp đó mới tiến tới việc bàn bạc, trao đổi về năng lực của doanh nghiệp và của nhân tài cần tuyển dụng; và cuối cùng mới tới bước Bán – tức là bán giá trị của hai bên tiến tới chiêu mộ và tuyển dụng nhân tài về với doanh nghiệp. Cùng với đó là các xu hướng tích hợp AI, công nghệ thông tin để tối ưu hóa hiệu quả việc tuyển dụng và trải nghiệm của nhân viên, xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp trong tuyển dụng và thu hút nhân tài….

Diễn giả giao lưu cùng các học viên Trường Quốc tế. 

Để giữ chân được nhân tài, Bà Phúc Hạnh cho rằng các tổ chức, doanh nghiệp cần xây dựng và có những chính sách, công cụ tài chính và phi tài chính nhằm khuyến khích và tạo động lực cho nhân viên. Đồng thời đảm bảo việc trả lương, thưởng tương xứng với năng lực, giá trị và đóng góp của nhân sự – tuyệt đối không được nợ, chậm lương của bất kỳ nhân viên nào trong tổ chức.

Diễn giả cũng đặt ra các câu hỏi, tình huống để các học viên tham gia chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn của bản thân cũng như đặt ra nhiều câu hỏi đa chiều cho diễn giả và giảng viên của lớp học về vấn đề tuyển dụng và đãi ngộ nhân sự hiện nay.


Diễn giả chụp ảnh cùng PGS.TS Lưu Thị Minh Ngọc – Trưởng Khoa Kinh tế và Quản lý.

Tổng kết lại các nội dung và mở rộng thêm một số góc nhìn về thu hút và tuyển dụng nhân tài trong các tổ chức hiện nay, PGS.TS Lưu Thị Minh Ngọc cho rằng việc xác định nhân sự nào là nhân tài phụ thuộc rất nhiều yếu tố trong đó có lĩnh vực, ngành nghề, và bối cảnh… của tổ chức. Do đó, để có thể duy trì và phát triển sự nghiệp trong một thị trường lao động cạnh tranh gay gắt như hiện nay, bản thân các nhân viên cần phát huy tinh thần tự học, tự trau dồi kiến thức, kỹ năng, công nghệ mới cho bản thân nhằm đáp ứng được với các yêu cầu và đòi hỏi ngày càng lớn từ tổ chức và doanh nghiệp.

Đào Công Tuấn
Khoa Kinh tế và Quản lý