Có một nghề như thế


“Có một nghề bụi phấn bám đầy tay
Người ta bảo đó là nghề trong sạch nhất
Có một nghề không trồng cây vào đất
Mà mang lại cho đời đầy trái ngọt hoa tươi”
(Đinh Văn Nhã)

Một mùa Hoa Phấn Trắng nữa lại đến. Ở một đất nước mà tinh thần tôn sư trọng đạo đã ăn vào tiềm thức từ ngàn đời nay, đâu đâu trên khắp các nẻo đường cũng thấy sự tri trân của mỗi người dành cho các thầy cô giáo của mình. Nghề lái đò, nghề gõ đầu trẻ, nghề bụi phấn, nghề ươm mầm… Bản thân tôi đã từng được bao thầy cô dìu dắt chở che, và giờ lại đang tiếp nối sứ mệnh của nghề giáo thiêng liêng trên giảng đường đại học. Trong nhịp sống hiện đại hôm nay, đâu đó tôi vẫn nghe được những câu nói: “Ồ, giảng viên à, chắc là giàu lắm?” Không biết ở những môi trường giáo dục đại học khác có đúng không, chứ ở Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội chúng tôi thì chuẩn không cần chỉnh. Vâng, chúng tôi quả thật rất giàu, nhưng thước đo sự giàu có thì hơi khác. Mỗi lần tới lớp, đứng trên bục giảng, chúng tôi lại thấy mình giàu có hơn bao giờ hết.

Chúng tôi giàu tuổi trẻ
Làm việc cùng những người trẻ, đầy nhiệt huyết thanh xuân, đầy ước mơ hoài bão, lúc nào các giảng viên chúng tôi cũng thấy cả thanh xuân của mình trong hình ảnh của các em. Các em chính là ước mơ còn dang dở, là phiên bản đẹp đẽ hơn của thầy cô trong quá khứ. Tuổi thanh xuân, thời sinh viên là chuyến tàu đẹp nhất của mỗi đời người, ai cũng đặt thật nhiều ước mơ bồng bềnh trên đó. Chúng tôi học ở các em cách sống hết mình, không toan tính cuộc đời, làm những thứ mình thích, học những cái mình cần… Với sinh viên, đó là những năm tháng trôi qua đẹp lắm, là những khoảng khắc chỉ muốn níu lại mãi mãi. Với giảng viên chúng tôi cũng vậy.

Chúng tôi giàu kiến thức
Để có thể trở thành người dẫn đường, người đồng hành của sinh viên, chúng tôi ý thức hơn bao giờ hết việc trau dồi tri thức mỗi ngày. Những bài giảng lôi cuốn, những dự án có ý nghĩa, những công trình khoa học chất lượng… đều là kết quả của những đêm thức trắng, những bữa cơm ăn vội, những cuộc hẹn hò bị bỏ lỡ. Mỗi ngày tới trường, chúng tôi muốn cùng sinh viên viết lên những trang nhật ký giảng đường đáng nhớ, có niềm vui, có nỗi buồn, có thành công, có thất bại, nhưng luôn tràn đầy kiến thức làm hành trang cho các em bước vào tương lai.

Chúng tôi giàu tình thương
Sinh viên vẫn tâm sự là: “Cô ơi chúng em nghe đồn là lên đại học các thầy cô lạnh lùng lắm. Vậy mà sao các thầy cô trường mình lại không như vậy.” Cái sự khác thường đáng yêu đó đã trở thành bản sắc của giảng viên Trường Quốc tế bao nhiêu năm nay rồi. Nghỉ học không chỉ là một chữ A(Absent) trên hệ thống, vì với giảng viên chúng tôi mỗi khoảng trống trong lớp học là cả một niềm lo âu. Những hình ảnh này đâu phải xa lạ ở trường chúng tôi. Một người thầy tận tụy ở lại phụ đạo thêm cho sinh viên hiểu bài. Một người cô sẵn sàng bỏ tiền túi mua bim bim cho cả lớp ăn chỉ vì nghe sinh viên kêu cứu: “Cuối tháng rồi đói quá cô ạ!” Quả thật, đúng như ngạn ngữ đã từng nói: “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi không có tình thương.” Ở nơi đây, Trường Quốc tế, tình thương luôn ngập tràn trong ánh mắt, trong nụ cười, trong lời nói và trong hành động.

Chúng tôi giàu vật chất
Mỗi ngày tới trường, giảng viên chúng tôi vẫn hay được sinh viên “hối lộ” cho những món quà đáng yêu và bất ngờ. Đó là một cốc cafe được đặt trước trên bàn thầy. Là một cốc chè fan hâm mộ nào đó treo ở xe của cô. Là một hộp viên ngậm ho sinh viên vội vàng đi mua khi thấy cô ho nhiều. Là một túi nem chua đặc sản sinh viên mới mang từ quê ra muốn chia sẻ với cô. Là mấy quả bơ nhà trồng được, yêu cầu cô phải ăn ngay vì ngon lắm ạ. Là những bông hoa tươi thắm dành tặng thầy cô mỗi dịp lễ đặc biệt. Ngần ấy thứ thôi đã đủ khiến chúng tôi trở nên giàu có lắm rồi.

Thời gian cứ thế trôi đi, chỉ còn tình thầy trò là luôn ở lại. Mỗi thầy cô giáo của Trường Quốc tế luôn tâm niệm rằng: “Giàu có không phải là có bao nhiêu mà là đã cho đi bao nhiêu. Hạnh phúc đơn giản là sự sẻ chia và thái độ sống tích cực.” Chúc cho các thầy cô giáo của mái trường tôi yêu luôn thấy mình thật giàu có…

“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
Để làm gì em biết không?
Để gió cuốn đi…
(Trịnh Công Sơn)

Hoài Thu

Giảng viên Khoa Ngôn ngữ Ứng dụng