Cơ hội hợp tác rộng mở trong lĩnh vực Công nghệ kỹ thuật y sinh


Ngày 24/05/2023, Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức workshop quốc tế “Công nghệ kỹ thuật y sinh: Triển vọng và Cơ hội”. Tham dự chương trình có TS Nguyễn Quang Thuận – Phó Hiệu trưởng Trường Quốc tế Chương trình đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực Y – Sinh.

Diễn giả của chương trình là GS. Chia-Ching Wu – giáo sư tại Đại học Quốc gia Cheng Kung, Đài Loan, Phó giám đốc Trung tâm Sửa chữa và Tái tạo Vết thương Quốc tế (iWRR) và GS.TS. Nguyễn Đức Thuận – chuyên gia lĩnh vực Kỹ thuật y sinh của Trường Quốc tế. GS. TS. Chia-Ching Wu đã có hơn 110 công trình công bố quốc tế tại WoS/Scopus, chỉ số H-index là 22 với tổng trích dẫn hơn 1100. GS.TS. Nguyễn Đức Thuận là “cha đẻ” ngành Kỹ thuật Y sinh của Đai học Bách Khoa Hà Nội. Hiện tại, GS. Nguyễn Đức Thuận đã có hơn 100 công trình công bố trong nước và quốc tế, 10 sách chuyên khảo và 2 bằng độc quyền sáng chế.

GS. Chia-Ching Wu cho biết nhóm tập trung nghiên cứu trong lĩnh vực sửa chữa và tái tạo vết thương.

Trong chương trình, hai diễn giả đã chia sẻ nhiều thông tin bổ ích về hướng nghiên cứu trong lĩnh vực sửa chữa và tái tạo vết thương và lĩnh vực kỹ thuật y sinh. GS. Chia-Ching Wu cho biết nhóm nghiên cứu của ông tập trung chủ yếu vào việc nghiên cứu về nguyên lý và ứng dụng lâm sàng của liệu pháp tái tạo vết thương dựa trên áp lực âm thông minh – Smart Negative Pressure Wound Therapy (Smart-NPWT). Với khả năng giám sát từ xa, Smart-NPWT giúp tăng cường quản lý chăm sóc vết thương. Smart-NPWT cho phép bác sĩ có thể điều chỉnh kịp thời liệu pháp dựa trên tiến trình của vết thương và giúp đảm bảo rằng việc điều trị được tối ưu hóa cho từng bệnh nhân. Ngoài ra, GS. Chia-Ching Wu cũng đã chia sẻ thêm về các chương trình đào tạo Kỹ thuật Y sinh tại Đại học Quốc gia Cheng Kung.

GS.TS. Nguyễn Đức Thuận bày tỏ hy vọng trong tương lai hai đơn vị sẽ cùng triển khai nhiều hoạt động hợp tác về đào tạo và nghiên cứu.

GS. Nguyễn Đức Thuận giới thiệu về các hướng nghiên cứu trong lĩnh vực kỹ thuật y sinh đang được triển khai tại Trường Quốc tế và chương trình đào tạo thạc sĩ Công nghệ Kỹ thuật y sinh. Đặc biệt, GS. Nguyễn Đức Thuận cũng bày tỏ hy vọng trong tương lai hai đơn vị sẽ cùng triển khai nhiều hoạt động hợp tác về đào tạo và nghiên cứu.

Sau phần trình bày của hai diễn giả, người tham dự đặt nhiều câu hỏi trao đổi thảo luận về các hướng nghiên cứu cũng như các phương pháp nghiên cứu mới.

Người tham dự trao đổi thảo luận cùng diễn giả.

Cũng trong chương trình, TS. Nguyễn Quang Thuận khẳng định việc hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu về lĩnh vực Công nghệ kỹ thuật y sinh giữa hai trường là rất cần thiết. Đồng thời, TS. Nguyễn Quang Thuận cũng gửi lời cảm ơn chân thành tới GS. Chia-Ching Wu đã dành thời gian ghé thăm Việt Nam và Trường Quốc tế.

Phó Hiệu trưởng Nguyễn Quang Thuận trao quà cho diễn giả.

Workshop quốc tế “Công nghệ kỹ thuật y sinh: Triển vọng và Cơ hội” có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu và mở rộng hợp tác quốc tế với Khoa Các khoa học ứng dụng nói riêng và Trường Quốc tế nói chung.

Diễn giả chụp ảnh lưu niệm cùng người tham dự chương trình.

Đại học Quốc gia Cheng Kung thành lập năm 1931 và đến nay vẫn giữ vững vị thế của một trong những trường top đầu tại Đài Loan. Đại học Quốc gia Cheng Kung có 9 trường đại học trực thuộc (Kỹ thuật, Quản lý, Nghệ thuật Tự do, Khoa học, Y khoa, Khoa học Xã hội, Kỹ thuật Điện và Khoa học Máy tính, Quy hoạch và Thiết kế, Khoa học Sinh học và Công nghệ Sinh học) với 43 chương trình đại học, 36 viện sau đại học độc lập. Nhà trường coi trọng giáo dục toàn diện, phương pháp giảng dạy sáng tạo và sinh động, kết hợp giữa nghiên cứu quy mô lớn, coi trọng đào tạo liên ngành. Có 27 khoa trực thuộc giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Đội ngũ giảng viên xuất sắc và nguồn tài nguyên giảng dạy dồi dào tại Đại học Quốc gia Cheng Ku đã giúp tạo ra những thành tựu nghiên cứu cả về chất lượng và số lượng.