Chuyển đổi số: Xu thế tất yếu và cần chuẩn bị nguồn nhân lực ở Việt Nam cho lĩnh vực này


GS.TSKH Hồ Tú Bảo – cố vấn chương trình Phân tích dữ liệu kinh doanh của Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội, có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu, ứng dụng và giảng dạy trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, học máy và khai phá dữ liệu (data mining), và khoa học dữ liệu (data science). Những lời khuyên, chỉ dẫn của GS Hồ Tú Bảo luôn được tìm kiếm và ứng dụng cho các hoạt động nghiên cứu trong kinh tế và xã hội.

Website Trường Quốc tế đã có bài phỏng vấn với chuyên gia hàng đầu ở Việt Nam và khu vực về lĩnh vực chuyển đổi số về vai trò của chuyển đổi số với sự phát triển kinh tế – xã hội cũng như dự báo về cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực này.

– Được biết GS là chuyên gia hàng đầu ở Việt Nam và khu vực về lĩnh vực chuyển đổi số, mong thầy chia sẻ thông tin về xu thế và thực trạng chuyển đổi số trên thế giới và ở Việt Nam?
– Chuyển đổi số là một đòi hỏi khách quan do tiến bộ của khoa học và công nghệ dẫn đến thay đổi môi trường buộc các quốc gia phải thay đổi để thích nghi. Các nước phát triển tạo ra các công nghệ số và dùng ngay chúng trong các hoạt động của mình, nên việc chuyển đổi số diễn ra tự nhiên. Các nước đi sau như Việt Nam thì chủ yếu phải là nắm lấy cơ hội của các công nghệ số và môi trường mới mới có thể vượt lên. Việt Nam là quốc gia chú trọng rất nhiều đến chuyển đổi số và chương trình chuyển đổi số quốc gia đã đến với mọi người, mọi tổ chức. Theo tôi, chuyển đổi số đã có những kết quả tốt, nhưng việc thực hiện chưa được như mong muốn. Chắc chắn đây là con đường dài.

– Hiện nay rất nhiều người chưa hiểu rõ vai trò của chuyển đổi số với xã hội và phát triển kinh tế. Một cách ngắn gọn và đơn giản, thầy có thể chia sẻ thêm thông tin về việc này được không ạ?

GS.TSKH Hồ Tú Bảo tham gia chương trình tọa đàm “Chuyển đổi số trong trường đại học” do Trường Quốc tế và Học viện Viettel tổ chức.

– Ngắn gọn thì môi trường ta đang sống đã và đang chuyển thành một môi trường thực-số. Ví dụ, mỗi người là một thực thể, sức khoẻ của mỗi người là một thực thể, việc khám chữa bệnh cho mỗi người là một thực thể. Ngày nay, các máy móc y tế đã cho phép bác sĩ nhìn thấy rất nhiều con số, rất nhiều hình ảnh (cũng là những con số) về tình trạng sức khoẻ mỗi người, và do đó việc khám chữa bệnh đang được làm chính xác hơn, làm tốt hơn rất nhiều, do con người thấu hiểu hơn về bệnh tật nhờ những con số ấy. Hình dung rộng ra từ chuyện này, mọi việc con người muốn làm (phần thực) nay đều có thể làm tốt hơn nhờ những con số– tức dữ liệu có được qua số hoá (phần số)– gắn với cái phần thực ấy. Khi mọi việc đều có phần thực–¬phần số, ta có quanh mình một “môi trường thực-số”. Mọi thứ trên đời sẽ không chỉ có phần thực trên môi trường thực-số. Bản chất của chuyển đổi số chính là việc thay đổi cách làm mọi chuyện nhờ dùng phần số để làm tốt hơn phần thực. Đây chính là cốt lõi hoạt động của con người trong kỷ nguyên số.

– Để thúc đẩy và chủ động chuyển đổi số ở Việt Nam, theo thầy việc đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này và các lĩnh vực liên quan quan trọng như thế nào?

GS Hồ Tú Bảo là diễn giả chính tại Hội thảo quốc tế Computing4Human.

– Nên nhìn chuyển đổi số là cách con người sẽ làm việc trong mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội trên môi trường thực-số. Do vậy đào tạo để con người có thể làm việc thích ứng với môi trường thực-số là hết sức quan trọng trong mọi lĩnh vực.

– Được biết GS đang là chuyên gia công tác tại Trường Quốc tế, thầy chia sẻ thêm Trường Quốc tế đã có những chương trình đào tạo nào để thúc đẩy việc chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho công tác chuyển đổi số? Điểm mạnh của các chương trình đào tạo này là gì? Cơ hội việc làm ra sao?
– Một chương trình đào tạo của Trường Quốc tế về Phân tích Kinh doanh (dưới tên gọi “Phân tích dữ liệu kinh doanh”), tức đào tạo để dùng “phần số” của kinh doanh làm việc kinh doanh tốt hơn. Điểm chính yếu của chương trình này là đào tạo những người tiên phong về cách làm hiện đại trong kinh doanh. Cơ hội việc làm là rất lớn, vì kinh doanh sẽ ngày càng phải dựa rất nhiều vào việc dùng dữ liệu để thấu hiểu mọi chuyện, và nhân lực này hiện còn rất ít.
Chương trình Phân tích dữ liệu kinh doanh của Trường Quốc tế là chương trình đầu tiên ở Việt Nam đào tạo về lĩnh vực này và hiện nhiều trường đại học khác đang tìm hiểu để mở.

Với tư cách là chuyên gia của Nhà trường, GS Hồ Tú Bảo luôn có nhiều đóng góp tích cực cho quá trình xây dựng và phát triển Trường Quốc tế.

– Đối với các bạn học sinh trung học phổ thông chuẩn bị thi đại học năm nay, thầy có lời khuyên nào cho việc chọn ngành nghề phù hợp với với xu thế chuyển đổi số của nền kinh tế tri thức trong CMCN 4.0?
– Các bạn hãy nghĩ đến tương lai làm việc trên môi trường thực-số để chọn ngành nghề.

– Xin trân trọng cảm ơn GS. Xin được chúc thầy sức khỏe và tiếp tục gặt hái được thêm nhiều thành công trên con đường nghiên cứu của mình.