Chuyển đổi số trong trường đại học


Ngày 17/5/2022, Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) và Học viện Viettel cùng CLB Nhà khoa học ĐHQGHN (VSL) phối hợp tổ chức hội thảo chuyên đề với chủ đề “Chuyển đổi số trong trường đại học”. Đây là sự kiện được tổ chức nhân kỷ niệm Ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam 18/5 – ngày để kỷ niệm, tôn vinh những người làm khoa học. Hội thảo diễn ra theo hai hình thức trực tiếp từ Học viện Viettel – Học viện nằm trong tốp 12 cơ sở đào tạo đẹp nhất thế giới do Hiệp hội Kiến trúc sư thế giới bình chọn, và trực tuyến qua nền tảng Zoom.

Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Đây là bước phát triển tiếp theo của tin học hóa, có được nhờ sự tiến bộ vượt bậc của những công nghệ mới mang tính đột phá và đúng nghĩa sẽ là sự tác động để con người thay đổi tư duy làm việc, vận hành bộ máy từ đó sẽ tìm cách để ứng dụng nó vào từng hoạt động cụ thể của doanh nghiệp. Với 02 diễn giả của chương trình là GS.TSKH Hồ Tú Bảo – chuyên gia của Trường Quốc tế và TS. Bùi Quang Tuyến – Giám đốc Học viện Viettel cùng sự tham gia của các Thầy, Cô, nhà khoa học tới từ các đơn vị nghiên cứu, trường đại học trong cả nước, Hội thảo thực sự đã trở thành một diễn đàn khoa học uy tín, chất lượng.

Hội thảo “Chuyển đổi số trong trường đại học” diễn ra tại Học viện Viettel.

Chương trình cũng được tổ chức theo hình thức trực tuyến, thu hút sự tham gia của gần 200 người quan tâm.

GS.TSKH. Hồ Tú Bảo là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng và giảng dạy trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, học máy và khai phá dữ liệu (data mining) và khoa học dữ liệu (data science). Ông làm Giáo sư và Trưởng phòng thí nghiệm Học máy và Khai phá dữ liệu tại Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản (JAIST) giai đoạn 1993-2018 và giáo sư danh dự của JAIST từ 4.2018. Ngoài ra, ông còn là thành viên nhóm Think Tank VINASA. GS.TSKH. Hồ Tú Bảo là đồng tác giả của cuốn sách “Hỏi đáp về Chuyển đổi số” và cuốn sách sắp xuất bản “Chuyển đổi số thế nào”.

TS. Bùi Quang Tuyến đã có hơn 20 năm công tác tại Viettel, đã kinh qua nhiều vị trí chức danh, như: Giám đốc Viettel tỉnh/thành phố (Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình), Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viễn thông Viettel, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư Quốc tế Viettel, Trưởng ban Chiến lược Kinh doanh Tập đoàn Viettel, Giám đốc Học viện Viettel. Ông là người đã tham gia vào việc xây dựng chiến lược, thương hiệu, trực tiếp điều hành xây dựng hệ thống kênh phân phối và các chính sách trong kinh doanh viễn thông tại Viettel. Ông đã có nhiều ấn phẩm được xuất bản như: “Hành trình tri thức thời kinh tế số”, “Năng lực động trong quản trị doanh nghiệp”, “Đào tạo và Học tập trong doanh nghiệp”, “Chuyển đổi số – từ Tư duy đến Hành động”, “Phát triển năng lực – Kiến tạo tương lai”.

TS Bùi Quang Tuyến cho rằng chuyển đổi số trong học tập, đào tạo là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện.

Hai diễn giả đều khẳng định chuyển đổi số là phần tất yếu trong quá trình phát triển của giáo dục đại học. Chuyển đổi số mang lại cơ hội áp dụng công nghệ để tạo ra những thay đổi nhanh chóng về mô hình, cách thức tổ chức và phương pháp dạy – học.

Theo TS. Bùi Quang Tuyến, nguồn nhân lực hiện nay đang thiếu kiến thức, bao gồm quên kiến thức nền tảng, kiến thức bị lỗi thời và kiến thức mới xuất hiện. Theo báo cáo “Future of jobs” năm 2016 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) thì 50% kiến thức bị lỗi thời ngay khi sinh viên tốt nghiệp. Ngoài ra, đặc điểm của những người đi làm đó là: thiếu thời gian học tập, giảm tập trung, nhanh quên, kiến thức nền giảm sút, ngại thay đổi và chủ nghĩa kinh nghiệm – bảo thủ. Trong khi đó, việc tổ chức đào tạo thường xuyên tại các tổ chức, doanh nghiệp thường gặp nhiều khó khăn do lực lượng phân tán, chi phí lớn và phải đảm bảo vừa học vừa làm.

Để đáp ứng nhu cầu việc làm trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, việc học tập, đào tạo cần thực hiện suốt đời, kịp thời và chuyển dần từ hướng truyền đạt kiến thức sang phát triển năng lực. Theo TS. Bùi Quang Tuyến, chuyển đổi số trong học tập, đào tạo là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện theo hướng: giảm thuyết giảng, giảm truyền thụ kiến thức; phát triển năng lực người học; tạo cơ hội học tập mọi lúc, mọi nơi; cá nhân hóa việc học; tạo ra môi trường học tập, xã hội học tập và học tập suốt đời.

Đồng tình với TS. Bùi Quang Tuyến, trong bài thuyết trình của mình, GS.TSKH Hồ Tú Bảo chia sẻ môi trường số là môi trường ta đang sống được nối với không gian mạng, ở đó các thực thể được số hoá tạo thành các phiên bản số (dữ liệu) và có thể kết nối được với nhau. Ba cấp độ của chuyển đổi số, đầu tiên là số hoá, tiếp đó đến mô hình hoạt động và chuyển đổi. Ba yếu tố quyết định của chuyển đổi số đó là con người, thể thức và công nghệ, với ba nguyên tắc của chuyển đổi số đó là: Tổng thể và toàn diện, đồng bộ và đột phá, chính chủ và lãnh đạo tham gia.

Theo GS. TS Hồ Tú Bảo, cốt lõi của việc chuyển đổi số không phải là việc dùng công nghệ thông tin, nâng cấp công nghệ thông tin, mà chính là thay đổi cách sống, cách làm việc khi dùng công nghệ thông tin.

Chuyên gia Trường Quốc tế cho rằng, để đảm bảo, thúc đẩy nhanh quá trình này, chúng ta cần tập trung phát triển các nền tảng số bao gồm: Đảm bảo môi trường số, các hệ thống công cụ (ứng dụng web, ứng dụng thiết bị di động, giao tiếp giữa các dịch vụ…); phát triển các ứng dụng phần mềm, kết nối con người, đồng thời, nên áp dụng phương pháp luận theo mô hình 2-3-5.
“02 quan điểm (thay đổi với tư duy hệ thống; thay đổi với dữ liệu và kết nối); 03 nguyên tắc (tổng thể và toàn diện; đồng bộ và đột phá; chính chủ là lãnh đạo); 05 vấn đề (nhận thức và năng lực số; hành lang pháp lý và định chế; hạ tầng số; lộ trình chuyển đổi; quản trị thực thi)”, GS.TSKH Hồ Tú Bảo nhấn mạnh.

Cũng theo GS. TS Hồ Tú Bảo, cốt lõi của việc chuyển đổi số không phải là việc dùng công nghệ thông tin, nâng cấp công nghệ thông tin, mà chính là thay đổi cách sống, cách làm việc khi dùng công nghệ thông tin và nơi nào chuyển đổi số thì chính nơi đó phải xây dựng chiến lược, lộ trình, thực hiện. Đặc biệt, quá trình triển khai chuyển đổi số cần phải làm tốt trên 03 nhân tố: Con người (nhận thức và năng lực số); thể chế (môi trường pháp lý và định chế), công nghệ (hạ tầng số).

Hai diễn giả giao lưu, trả lời câu hỏi của người tham dự.

Phần thảo luận của hội thảo diễn ra khá sôi động với nhiều câu hỏi đặt ra cho hai diễn giả. Với vấn đề giảng viên cần phải làm gì để không bị thay thế bởi máy móc trong tương lai không xa, TS. Bùi Quang Tuyến cho rằng giảng viên nên cố gắng tìm hiểu và hiểu thấu đáo về chuyển đổi số. Giảng viên cũng nên trang bị cho mình kỹ năng số hóa bài giảng, chuyển đổi từ giảng dạy sang thành huấn luyện và biết cách sử dụng các nền tảng trên môi trường mạng một cách thành thạo.

Người tham dự chụp ảnh lưu niệm cùng diễn giả.

Với câu hỏi chuyển đổi số có giai đoạn kết thúc hay không, GS.TSKH Hồ Tú Bảo chia sẻ chuyển đổi số là cơ hội lớn cho các nước đang phát triển và là cơ hội vô giá để Việt Nam phát triển. Thậm chí có thể xem đây là cơ hội cuối cùng, vì những thay đổi lớn về công nghệ phải nhiều chục năm mới xảy ra một lần. Chúng ta đã lỡ ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đây. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có đặc điểm là những quốc gia không có truyền thống công nghiệp cũng có thể làm chuyển đổi số, mà đây chính là việc quyết tâm thay đổi chính mình với những cơ hội trên môi trường số.

Hội thảo “Chuyển đổi số trong trường đại học” đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho người tham dự. Trong thời gian tới, Trường Quốc tế và Học viện Viettel sẽ phối hợp tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo và các tọa đàm khoa học với nhiều chủ đề nóng, thu hút sự quan tâm của xã hội.