Chương trình đào tạo tiến sĩ liên ngành đầu tiên về Kinh tế và Quản lí tại Việt Nam


Ngày 1/12/2022, Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức Hội thảo đánh giá, góp ý về chuẩn đầu ra và khung chương trình đào tạo tiến sĩ ngành Kinh tế và Quản lí.

Tham dự Hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học của nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, như Trường Đại học Ngoại Thương, Trường Đại học Thương Mại, Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN, Viện Quản lí Kinh tế Trung Ương, Viện Kinh tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Xúc tiến Đầu tư ĐHQGHN, Viện Chiến lược Ngân hàng nhà nước, Công ty tư vấn tài chính Bloomax…

Các chuyên gia, nhà khoa học của nhiều trường đại học, viện nghiên cứu tham gia Hội thảo đánh giá, góp ý về chuẩn đầu ra và khung chương trình đào tạo chương trình tiến sĩ ngành Kinh tế và Quản lí.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Lê Trung Thành – Hiệu trưởng Trường Quốc tế nhấn mạnh mục đích của Hội thảo là lấy ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn, đại diện các đơn vị sử dụng lao động và nghề nghiệp về chương trình đào tạo tiến sĩ ngành Kinh tế và Quản lí. Sau Hội thảo, nhà trường sẽ tiếp thu kinh nghiệm và ý kiến đóng góp quý báu để thực hiện mở ngành, xây dựng và ban hành chương trình đào tạo tiến sĩ liên ngành đầu tiên về Kinh tế và Quản lí tại Việt Nam.

PGS.TS Lê Trung Thành bày tỏ mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu của các chuyên gia, nhà khoa học.

Tiếp đó, hội thảo được nghe đại diện Tổ Đề án xây dựng chương trình giới thiệu chung về chương trình, chuẩn đầu ra và khung chương trình đào tạo tiến sĩ ngành Kinh tế và Quản lí.

Đại diện Tổ Đề án giới thiệu về chương trình đào tạo.

Chương trình tiến sĩ ngành Kinh tế và Quản lí là chương trình đào tạo sau đại học có tính chất liên ngành. Chương trình được thiết kế để kích thích tư duy phản biện, phát triển khả năng của nghiên cứu sinh để thực hiện các nghiên cứu và công việc nghiên cứu với quyền tự chủ, thiết lập khả năng làm chủ các quan điểm khác nhau cùng khả năng tích hợp và hệ thống hóa kiến thức. Đây là một chương trình chuyên biệt, liên kết chặt chẽ giữa Tiến sĩ Kinh tế học, Quản lí Kinh tế và Quản trị kinh doanh, nhưng cho phép nghiên cứu chuyên sâu hơn về tổ chức. Chương trình đào tạo trang bị cho nghiên cứu sinh kiến thức về hoạt động kinh tế và tổ chức quản lí ở mức độ sâu, để từ đó các nghiên cứu sinh tạo ra kiến thức mới, nắm vững được thực tiễn trong thực hành quản lí cũng như có khả năng phát triển nghiên cứu chuyên sâu. Như vậy, qua quá trình đào tạo, tiến sĩ ngành Kinh tế và Quản lí không chỉ tạo ra kiến thức mới mà còn biết truyền tải kiến thức này đến các sinh viên hay các nhà nghiên cứu khác.

Các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp ý kiến cho chương trình đào tạo tiến sĩ ngành Kinh tế và Quản lí.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, các chuyên gia đã có những góp ý, thảo luận, khẳng định yêu cầu cấp thiết của việc mở ngành đào tạo tiến sĩ Kinh tế và Quản lí; đóng góp nhiều ý kiến bổ ích về khung chương trình đào tạo và nêu ra yêu cầu mục tiêu cụ thể trong việc xây dựng chuẩn đầu ra cho chương trình. Sau thời gian làm việc khẩn trương, nghiêm túc với tinh thần xây dựng cao, Hội thảo đã hoàn thành nội dung chương trình đề ra, nhận được những kinh nghiệm và ý kiến đóng góp tích cực của các đại biểu tham dự.

Đại biểu tham dự chương trình Hội thảo chụp ảnh lưu niệm.

Như vậy, có thể khẳng định, sự ra đời của chương trình đào tạo tiến sĩ ngành Kinh tế và Quản lí là một bước đi cần thiết đóng góp vào chiến lược phát triển của Trường Quốc tế. Với chương trình đào tạo ngành tiến sĩ thứ hai này, Trường sẽ tiếp tục tạo ra sự khác biệt trong đào tạo, nhấn mạnh các yếu tố hợp tác quốc tế trong đào tạo. Đặc biệt, kinh nghiệm giảng dạy và tổ chức đào tạo của chương trình tiến sĩ ngành Kinh tế và Quản lí cũng sẽ là nền tảng để nhà trường phát triển các chương trình tiến sĩ khác trong thời gian tới.