Chuỗi tọa đàm của Khoa Kinh tế và Quản lý trong tháng 9 và 10


Trong không khí tưng bừng chào đón năm học mới 2023 – 2024, Khoa Kinh tế và Quản lý, Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã tổ chức chuỗi 03 tọa đàm cấp Khoa. Các chủ đề tọa đàm gắn liền với hướng nghiên cứu của các cán bộ giảng viên của Khoa. Các buổi tọa đàm thu hút sự quan tâm và tham gia của đông đảo cán bộ, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên và sinh của Trường.

Mở đầu là buổi tọa đàm về chủ đề “Chuyển đổi số tại Việt Nam: Ảnh hưởng đến các kiểm toán viên bên ngoài và thực tiễn của họ” do TS. Nguyễn Thị Phương – giảng viên chuyên ngành Kế toán và Kiểm toán, làm diễn giả. TS. Nguyễn Thị Phương với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong ngành Kế toán và Kiểm toán, đã giúp người tham dự có một cái nhìn tổng thể về vấn đề chuyển đổi số ở Việt Nam và các tác động đến kiểm toán viên bên ngoài và thực tiễn của họ. Trí tuệ nhân tạo (AI), mạng xã hội, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, phân tích dữ liệu lớn đã thay đổi ngành nghề kinh doanh; thị trường lao động loại bỏ các công việc phổ biến hoặc lặp đi lặp lại. Thực trạng trong lĩnh vực kiểm toán: các công cụ và kỹ thuật kiểm toán mới trong thực hành kiểm toán và đặt lên nhiều vấn đề trong thực trạng kiểm toán. Liệu chuyển đổi số có dẫn tới chuyên gia kiểm toán ở Việt Nam có bị thay thế bằng các công cụ tự động sử dụng trí tuệ nhân tạo? Mức độ áp dụng công nghệ hiện đại tại các công ty kiểm toán ở Việt Nam hiện nay như thế nào? Chuyển đổi số sẽ tác động thế nào đến kiểm toán viên Việt Nam và công việc của họ? Những thách thức nào mà các kiểm toán viên này gặp phải trong việc áp dụng công nghệ kiểm toán hiện đại?

Tọa đàm về chủ đề “Chuyển đổi số tại Việt Nam: Ảnh hưởng đến các kiểm toán viên bên ngoài và thực tiễn của họ” đươc tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Việc ứng dụng công nghệ trong thực tế kiểm toán hiện tại là 30% công việc của các công ty kiểm toán sẽ được thực hiện bằng cách sử dụng tối đa AI. Như vậy, việc ứng dụng công nghệ ảnh hưởng lên việc kiểm toán hiện tại như việc đánh giá rủi ro được kiểm soát bởi công nghệ. Từ đó kiểm toán viên có nhiều thời gian hơn để tập trung vào các vấn đề và mối quan tâm phức tạp đòi hỏi sự đánh giá chuyên môn. Những khó khăn của ngành kiểm toán trong việc ứng dụng công nghệ là do sự thiếu hụt các nhân viên chuyên môn có khả năng ứng dụng công nghệ, thiếu chuẩn mực kiểm toán liên quan đến Big Data, phân tích Big Data và sự tương thích của Big Data trong kiểm toán.

Nghiên cứu sinh Thái Thị Minh chia sẻ về đề tài nghiên cứu Các yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn chương trình đại học quốc tế ở ĐHQGHN: Nghiên cứu tình huống Trường Quốc tế”.

Tiếp nối thành công của tọa đàm trong tháng 9, Khoa Kinh tế và Quản lý tiếp tục tổ chức 02 buổi tọa đàm trong tháng 10 với những chủ đề đa dạng. Tọa đàm “Các yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn chương trình đại học quốc tế ở ĐHQGHN: Nghiên cứu tình huống Trường Quốc tế” do nghiên cứu sinh khóa 1 ngành Kinh tế và Quản lý Thái Thị Minh là diễn giả. Diễn giả chia sẻ định hướng nghiên cứu là tập trung vào các chương trình liên kết quốc tế bậc đại học tại Trường Quốc tế. Với 21 năm hình thành và phát triển, Trường Quốc tế có quy mô đào tạo khoảng 7000 sinh viên, học viên (gồm cả đại học và sau đại học), các sinh viên tốt nghiệp với tỉ lệ có việc làm rất cao (93%). Diễn giả sử dụng phương pháp phân tích định lượng, sử dụng bảng hỏi với 147 mẫu nghiên cứu và 18 câu hỏi. Ngoài ra, các phương pháp phân tích mô tả, phân tích nhân tố khám phá, phân tích độ tin cậy và phân tích hồi quy cũng được sử dụng. Sau khi khảo lược tài liệu, tác giả xây dụng mô hình nghiên cứu gồm 1 biến phụ thuộc (sự lựa chọn trường đại học) và 5 biến độc lập được chia thành 2 nhóm: Các yếu tố bên trong (Sở thích cá nhân và Triển vọng việc làm) và các yếu tố bên ngoài (Bạn bè & gia đình, ảnh hưởng của các nền tảng mạng xã hội, chuẩn mực xã hội). Cuối cùng, diễn giả đi đến kết quả nghiên cứu như sau:

Triển vọng việc làm có yếu tố tác động cao nhất tới việc lựa chọn trường đại học của sinh viên theo học chương trình liên kết quốc tế.
Gia đình và bạn bè có tác động tích cực cao tới việc lựa chọn trường đại học của sinh viên theo học chương trình liên kết.
Cuối cùng, ảnh hưởng của nền tảng xã hội tạo ra ảnh hưởng vừa tới việc lựa chọn trường đại học của sinh viên theo học chương trình liên kết quốc tế.

PGS.TS. Lưu Thị Minh Ngọc trình bày chủ đề “Chia sẻ kinh nghiệm viết đề xuất đề tài nghiên cứu khoa học”.

Tọa đàm thứ hai với chủ đề “Chia sẻ kinh nghiệm viết đề xuất đề tài nghiên cứu khoa học” do PGS.TS. Lưu Thị Minh Ngọc trình bày. PGS.TS. Lưu Thị Minh Ngọc đã chia sẻ về các bước trong quá trình hình thành ý tưởng nghiên cứu và tầm quan trọng của việc xác định đúng vấn đề nghiên cứu. Mỗi một nhà nghiên cứu sẽ có các cách tiếp cận khác nhau để hình thành ý tưởng nghiên cứu. Cụ thể, có nhà nghiên cứu sẽ quan sát các hiện tượng trong cuộc sống, suy ngẫm, và liên tưởng tới các chủ đề hoặc các vấn đề cần giải quyết. Có nhà nghiên cứu lại tìm đọc các bài báo chuyên ngành, hoặc tài liệu tham khảo để hình thành nên các ý tưởng nghiên cứu. Có những nhà nghiên cứu tham gia vào các cuộc thảo luận với đồng nghiệp hoặc các buổi hội thảo với các nhà khoa học vì chính những cuộc trao đổi và thảo luận đó có thể hình thành các “chất liệu”, các ý tưởng và đề tài nghiên cứu. Dù là cách tiếp cận nào, diễn giả nhấn mạnh, cũng cần phải xác định rõ nghiên cứu của mình sẽ đóng góp về mặt học thuật hay đóng góp về mặt thực tiễn? Nếu là nghiên cứu ứng dụng, thì nghiên cứu sẽ là khám phá vấn đề và đưa ra các đề xuất, giải pháp.

Trong khi đó nghiên cứu cơ bản lại đi sâu về phân tích xu hướng, hành vi. Tiếp đến, nhà nghiên cứu cần xác định rõ phương pháp nghiên cứu được sử dụng sẽ là nghiên cứu định tính, nghiên cứu định lượng hay nghiên cứu hỗn hợp. Là một nhà khoa học có nhiều năm kinh nghiệm làm nghiên cứu khoa học, đã từng chủ trì các đề tài cấp nhà nước và cấp Bộ, PGS. TS. Lưu Thị Minh Ngọc đã mang đến tọa đàm những lời khuyên hữu ích cho các giảng viên trẻ của Khoa để hoàn thiện, nâng cao năng lực viết đề xuất nghiên cứu khoa học trong tương lai.

Các buổi tọa đàm diễn ra sôi nổi với sự tham gia của diễn giả và toàn thể giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên các ngành đào tạo do Khoa đảm nhận. Chủ đề của tọa đàm có sức hấp dẫn và vô cùng thiết thực đối với người tham dự.

Trong thời gian tới, Khoa Kinh tế và Quản lý sẽ tiếp tục triển khai các buổi tọa đàm với nhiều chủ đề đa dạng, nhằm tăng cường sự chia sẻ và kết nối trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học giữa các cán bộ giảng viên của Khoa với các cán bộ giảng viên của Trường Quốc tế, ĐHQGHN cũng như các nhà khoa học khác có quan tâm.

Mỹ Hạnh – Kim Duyên

Khoa Kinh tế – Quản lý