Chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu khoa học


Ngày 13/12/20022, Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức buổi tọa đàm theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, với chủ đề “Chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu khoa học”.

Với 372 người đăng ký tham dự, 146 người tham dự trực tuyến qua Zoom, có thể thấy chủ đề của tọa đàm có sức hấp dẫn và vô cùng thiết thực đối với người tham dự.

Chủ đề của tọa đàm thu hút sự quan tâm của giảng viên và sinh viên nhà trường.

Diễn giả tọa đàm là PGS.TS Đỗ Xuân Hùng – Phó Giáo sư chuyên ngành Tài chính và Giám đốc Chương trình Thạc sĩ Tài chính tại Trường Kinh doanh Massey (MBS), New Zealand; thành viên của Ủy ban Đảm bảo học tập của MBS và cũng là thành viên của hội đồng quản trị MBS từ năm 2019 đến năm 2020. PGS.TS. Đỗ Xuân Hùng có thời gian làm việc cho các ngân hàng lớn ở Australia như Westpac và Commonwealth Bank of Australia. Ông từng là giảng viên tại Trường Kinh doanh, Đại học Monash Malaysia; cộng tác viên nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Công nghệ, Sydney. Chuyên môn của ông là về Kinh tế lượng và Phân tích thống kê cho Ngân hàng và Tài chính. Diễn giả có nhiều bài nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế được xếp hạng cao, bao gồm Tạp chí Nghiên cứu Hoạt động Châu Âu, Kinh tế Năng lượng, Tạp chí Thị trường Tài chính, Tạp chí Quốc tế về Phân tích Tài chính, Tạp chí Kinh tế và Tài chính Bất động sản.

Mở đầu buổi tọa đàm, diễn giả Đỗ Xuân Hùng chia sẻ về quá trình học tập, nghiên cứu, và làm việc tại nước ngoài cũng như kinh nghiệm nghiên cứu và các công trình khoa học của mình. Tiếp đến, diễn giả chia sẻ sâu hơn về các bước trong quá trình nghiên cứu.

PGS.TS Đỗ Xuân Hùng chia sẻ nhiều thông tin hữu ích về kinh nghiệm nghiên cứu khoa học.

Thứ nhất, để hình thành ý tưởng nghiên cứu, người nghiên cứu cần quan sát các hiện tượng trong cuộc sống, suy ngẫm, và liên tưởng tới các vấn đề/chủ đề. Ngoài ra, các bài báo chuyên ngành cũng là 1 nguồn tài liệu tham khảo để hình thành nên các ý tưởng nghiên cứu. Cuối cùng, người nghiên cứu có thể tham gia vào các cuộc thảo luận với đồng nghiệp hoặc hội thảo với các nhà khoa học, vì chính những cuộc trao đổi và thảo luận đó có thể hình thành “chất liệu”, ý tưởng và đề tài nghiên cứu. Một khi nhà nghiên cứu đã tìm được ý tưởng nghiên cứu thì cần kiểm tra xem có bài báo/ tài liệu nghiên cứu nào đã trùng với ý tưởng cuả mình chưa thông qua các công cụ như Google Scholar.
Thứ hai, nhà nghiên cứu cần lập 1 nhóm nghiên cứu gồm có: giáo sư/phó giáo sư – những người có bề dày nghiên cứu để định hướng cho nhóm; “Mid-career researchers”- những nhà nghiên cứu đang ở trong giai đoạn “chín” và có thể trực tiếp đóng góp nhiều phần cho công trình nghiên cứu; những người có khả năng xử lý dữ liệu và chạy mô hình; cuối cùng là những người có khả năng viết tốt để trình bày “key selling points” một cách hấp dẫn, thuyết phục. Khi thành lập một nhóm nghiên cứu, đồng nghĩa là khối lượng công việc được san sẻ và các nhiệm vụ được chuyên môn hoá ở cấp độ cao.
Kế tiếp, diễn giả trình bày cấu trúc của 1 bài nghiên cứu cơ bản gồm những phần: phần tóm lược (abstract), giới thiệu (introduction), dữ liệu (data), phương pháp nghiên cứu (methodology/research design), kết quả và thảo luận (empirical results & discussion), và kế luận (conclusion). Diễn giả nhấn mạnh tầm quan trọng của 2 phần đầu tiên (Abstract và Introduction) – 2 phần mà rất nhiều nhà nghiên cứu và bản thân chính diễn giả cũng đã từng nhận định sai. Thực tế, 2 phần trên có sự ảnh hưởng rất lớn đến việc công trình có được xuất bản hay không, công trình có hấp dẫn người đọc và nhà phê bình hay không. Phần tóm lược (Abstract) và giới thiệu ( Introduction) cần nêu bật được 1 số điểm sau: Material facts, What is this research about? Motivation, What’s new / Contribution, và Implications (So what?).

Diễn giả chụp ảnh lưu niệm cùng các giảng viên và sinh viên Trường Quốc tế.

Tiếp theo diễn giả chia sẻ về quy trình đăng bài, trả lời phản biện với nguyên tắc vàng là “Make the reviewers happy whenver possible”. Diễn giả nhấn mạnh khi trả lời phản biện hoặc viết thư phản hồi cho các nhà phê bình (reviewers) cần có 1 thái độ tích cực, lạc quan, và sử dụng ngôn từ lịch sự, phù hợp, tránh gây ra những hiểu nhầm không đáng có, ảnh hưởng tới kết quả xuất bản của công trình. Cuối cùng, diễn giả chia sẻ “research proposal template” để cho em bạn sinh viên và các nhà khoa học khác cùng tham khảo, thảo luận.

Sau khi diễn giả trình bày, các giảng viên cũng như các bạn sinh viên đã tích cực đặt câu hỏi và trao đổi sôi nổi với diễn giả. Tất cả các vấn đề như “Cách duy trì động lực trong nghiên cứu” hay “Cách thảo luận/trao đổi với giáo sư” trong quá trình nghiên cứu đều được diễn giả giải đáp và tư vấn định hướng. Với sự tham gia và thảo luận sôi nổi từ cán bộ và các bạn sinh viên, chủ đề được đánh giá là rất thực tế và hấp dẫn.

Trong thời gian tới, Trường Quốc tế sẽ tổ chức các buổi tọa đàm với nhiều chủ đề đa dạng, nhằm tăng cường sự chia sẻ và kết nối trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học giữa các cán bộ giảng viên của Khoa Kinh tế và Quản lý với các cán bộ giảng viên của nhà trường cũng như các nhà khoa học khác có quan tâm.

Nguyễn Thị Kim Duyên
Khoa Kinh tế và Quản lý