“Chỉ cần có hoài bão sẽ không lo bị chao đảo trước những con sóng lớn”


TS. Lê Xuân Hải – giảng viên Khoa Các khoa học ứng dụng – là thành viên mới gia nhập ngôi nhà chung VNU-IS. Trong ngôi nhà mới, thầy Lê Xuân Hải cảm nhận được niềm vui trong môi trường mới, sự chân thành, hỗ trợ hết mình từ đồng nghiệp và các em sinh viên. Cùng với các thầy, cô TS. Lê Xuân Hải mong muốn được đóng góp nhiều hơn cho Trường Quốc tế. Website Trường Quốc tế có bài phỏng vấn thầy Lê Xuân Hải.

– Xin chào thầy Lê Xuân Hải, thầy mới gia nhập ngôi nhà chung VNU-IS được một thời gian chưa phải là dài, thầy có thể chia sẻ cảm nghĩ của mình về ngôi nhà mới được không ?
– Tuy mới gia nhập ngôi nhà chung VNU-IS chưa lâu nhưng tôi có rất nhiều ấn tượng về nơi này. Đầu tiên, mình cảm thấy VNU-IS là một môi trường nghiên cứu, giảng dạy tuyệt vời khi mình được làm việc chung với những đồng nghiệp chân thành, cởi mở. Được trao đổi, hợp tác, nhận được những góp ý từ các nhà khoa học hàng đầu trong nước và quốc tế. Đặc biệt mọi người trong VNU-IS coi nhau như những thành viên trong một gia đình, với những tình cảm gần gũi thân thương… Ngoài ra, ở đây các bạn sinh viên luôn hào hứng trong mỗi giờ học và hăng say nghiên cứu, điều đó làm người thầy như tôi cảm thấy rất vui và thêm yêu nghề. Hơn hết, tại đây tôi còn được nhà trường tạo điều kiện tốt nhất cho việc nghiên cứu khoa học, như tạo điều kiện để có phòng Lab, thành lập nhóm nghiên cứu. Cảm ơn VNU-IS thật nhiều, mình sẽ cố gắng gây dựng, đóng góp những điều tuyệt vời nhất cho mái nhà thân yêu này.

– Được biết thầy đang giảng dạy trong chương trình Tự động hóa và Tin học – ngành học hay nhưng không hề dễ. Thầy có thể chia sẻ thêm về ngành học này được không ạ? Các bạn thí sinh nên chuẩn bị cho mình tâm thế như thế nào trước khi đăng ký học ngành này?
– Đúng như vậy, chương trình Tự động hóa và Tin học là ngành học hay nhưng không hề dễ. Đây là một chương trình đào tạo mang tính liên ngành, khi mà sinh viên được dung hòa cả những kiến thức về tự động hóa và lập trình. Một bên là tạo ra nền tảng trên cơ sở trí tuệ và một bên phần cứng, ứng dụng.
Với những hướng đào tạo, nghiên cứu và phát triển như vậy kỹ thuật điều khiển và tự động hóa kết hợp với tin học là then chốt để có thể tự động hóa quá trình công nghệ và là chìa khoá để thực hiện công nghiệp 4.0. Đây là một nghành học công nghệ cao nên yêu cầu có khả năng tốt về toán, vật lý, tư duy lập trình… Các bạn thí sinh khi đăng ký lựa chọn ngành cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, chủ động, luôn đổi mới sáng tạo và một khả năng chịu áp lực cao khi đăng ký học ngành này. Ngoài ra cũng cần chi tiết và tỉ mỉ vì làm kỹ thuật thì luôn phải cẩn thận và chuẩn xác. Hơn nữa, bây giờ các bạn thí sinh cần chuẩn chị tâm thế ôn luyện tốt trong giai đoạn cuối do đây là nhóm ngành “hot” nên có tính cạnh tranh đầu vào cao.

Thầy Lê Xuân Hải làm việc cùng các em sinh viên trong nhóm nghiên cứu của mình.

– Thầy và nhóm sinh viên của thầy tích cực tham gia nghiên cứu chung. Xin hỏi thầy có bí kíp thế nào để khơi dậy niềm đam mê, thích thú nghiên cứu của các bạn sinh viên? Theo thầy có nên giới hạn thời điểm bắt đầu làm nghiên cứu không hay bất kỳ lúc nào, dù chỉ là sinh viên năm thứ I, vẫn có thể cùng thầy, cô làm nghiên cứu?
– Để khơi dậy niềm đam mê, thích thú nghiên cứu của các bạn sinh viên, thì ngoài việc cho sinh viên nghiên cứu học thuật chuyên sâu nên kết hợp với đó là thực nghiệm để sinh viên có thể thấy được ngay những ứng dụng hiệu quả của các thuật toán chuyên sâu đó. Ngoài ra, sinh viên còn được tiếp cận với nhiều bài toán lập trình thực tế, từ đó rèn luyện các kỹ năng lập trình, thiết kế mạch và đọc hiểu sơ đồ hệ thống khiến sinh viên thêm tự tin về kiến thức, hăng say, đam mê nghiên cứu hơn. Ngoài ra, nhóm mình cũng có nhiều dịp đi chơi cùng nhau, thầy trò trao đổi, tâm sự thân thiết làm các bạn sinh viên thêm thoải mái, thích thú khi nghiên cứu chung với mình. Mình coi các sinh viên như những người thân yêu trong gia đình mình, luôn truyền được động lực và niềm đam mê cho các bạn.

TS. Lê Xuân Hải chia sẻ tuy mới gia nhập ngôi nhà chung VNU-IS chưa lâu nhưng thầy có rất nhiều ấn tượng về nơi này.

Theo tôi, không nên giới hạn thời điểm bắt đầu làm nghiên cứu. Bất kỳ lúc nào, dù sinh viên năm thứ I cũng có thể tham gia nghiên cứu cùng nhóm mình trực tiếp tại Lab hoặc tại những buổi online, miễn các cá nhân đó phải thực sự đam mê, quyết tâm và chăm chỉ. Sinh viên nghiên cứu từ sớm rất nhiều lợi thế, đặc biệt khi được nghiên cứu cùng các chuyên gia và các bạn cùng đam mê – đó là một môi trường tuyệt vời để phát triển bản thân về cả học thuật lẫn nhiều kỹ năng khác.
Các bạn tân sinh viên cần xác định mục tiêu và xây dựng kế hoạch học tập rõ ràng. Khi đã xác định được mục tiêu cho bản thân,việc bạn cần làm ngay đó là vạch ra kế hoạch học tập, lộ trình cụ thể để thực hiện hóa mục tiêu đó, mỗi mục tiêu sẽ có những cách thức thực hiện khác nhau. Để hoàn thành được mục tiêu này, các bạn sinh viên cũng nên tham khảo các tiêu chuẩn phấn đấu như “Sinh viên 5 tốt”, “Đoàn viên ưu tú”, “ Học bổng”. Trước khi thực hiện bất kỳ công việc gì, bạn cũng nên nhìn vào mục tiêu của mình đã đề ra, xem lợi và hại của việc này với mục tiêu của mình. Nếu bạn muốn tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu, thì các hoạt động liên quan đến học tập và nghiên cứu khoa học cần phải được ưu tiên hàng đầu. Nếu bạn muốn trở thành lãnh đạo phong trào, thì bạn phải là người thường xuyên xuất hiện ở các chương trình do Đoàn – Hội – Câu lạc bộ (CLB) tổ chức,… Hãy nhỡ rằng, “quả ngọt” chỉ có khi người làm vườn biết vun trồng và chăm sóc đúng cách.

Theo thầy Lê Xuân Hải, các bạn sinh viên nên tham gia nghiên cứu từ sớm.

Đại học và một vùng đất mới mẻ, bạn cần hết mình “vun xới”. Và để công việc “vun xới” ấy có hiệu quả cao và không nhàm chán, bạn cần có đam mê. Muốn thành công trong quãng đường học đại học, điều không thể thiếu chính là đam mê học tập, nghiên cứu. Ngoài việc tiếp thu kiến thức ở trường các bạn sinh viên nên tự học, tự đọc và tìm hiểu thêm sách báo và nghiên cứu thêm những tài liệu liên quan tới ngành học của mình và những thông tin xã hội để từ đó có thể tham gia nghiên cứu hay tham gia trao đổi những điều hay ho cùng bạn bè, thầy cô mình. Dẫu biết con đường theo đuổi đam mê sẽ không hề dễ dàng nhưng “chỉ cần có hoài bão sẽ không lo bị chao đảo trước những con sóng lớn”. Đối mặt với những thử thách, khó khăn bạn sẽ ngày càng trưởng thành và vững vàng hơn. Những lúc đó, ta tìm kiếm động lực từ đâu? Hãy nghĩ đến tương lai của bản thân, nghĩ đến gia đình, những người thân yêu luôn sát cánh bên bạn và mong bạn ngày càng tốt hơn. Là sinh viên, bạn có rất nhiều cơ hội để tham gia các chương trình ngoại khóa hoặc hoạt động tình nguyện như Hiến máu tình nguyện, Xuân tình nguyện, Tiếp sức mùa thi, Mùa hè xanh, do Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên và các đơn vị khác tổ chức. Việc tham gia các hoạt động này không chỉ giúp bạn rèn luyện khả năng làm việc độc lập, tích lũy kinh nghiệm sống, thực hành các kỹ năng chuyên môn nghề nghiệp, kỹ năng sống mà còn giúp bạn mở rộng mối quan hệ xã hội.

Đối với đặc thù ngành Công nghệ, đặc biệt với các khoa chuyên ngành kỹ thuật, sinh viên nên tìm hiểu, tiến hành một đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) mà mình tâm đắc. Nếu bạn dự định tiếp tục học thạc sĩ, tiến sĩ thì NCKH là cơ hội để bạn đặt những bước chân vào thế giới khoa học, còn nếu bạn không dự định học tiếp thì đây cũng sẽ là một trải nghiệm thú vị giúp các bạn tìm hiểu sâu về lĩnh vực mình yêu thích, phát triển tư duy, kỹ năng rất có lợi cho công việc tương lai. Kiến thức tổng quan và chuyên ngành, kỹ năng làm việc nhóm, thu thập tư liệu, trình bày báo cáo một cách khoa học, thuyết trình… sẽ là những điều mà bạn tích lũy được khi tiến hành đề tài NCKH. Đồng thời, các đề tài NCKH chất lượng cao sẽ được đề cử tham gia các giải thưởng cao hơn từ cấp ĐHQGHN, cấp Thành phố đến cấp Bộ Giáo dục – Đào tạo, cấp Nhà nước.

“Quả ngọt” chỉ có khi người làm vườn biết vun trồng và chăm sóc đúng cách.

– Theo thầy những nhà nghiên cứu trẻ sẽ gặp thuận lợi, khó khăn thế nào khi làm nghiên cứu? Thầy có lời khuyên nào cho các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên, mong muốn dấn thân vào con đường nghiên cứu?
– Nhìn chung những nhà nghiên cứu trẻ sẽ gặp một số thuận lợi và khó khăn. Về thuận lợi, các nhà nghiên cứu trẻ do tuổi đời còn rất trẻ nên rất ham học hỏi, tìm tòi, khám phá cái mới. Với sự năng động, linh hoạt cũng như nhạy bén, các bạn trẻ dễ dàng nắm bắt rất nhanh các nhu cầu của xã hội để từ đó đưa ra các giải pháp đáp ứng các nhu cầu đó. Hiện nay, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, việc tìm kiếm các nguồn tài liệu trở nên dễ dàng hơn với số lượng tài liệu ngày càng phong phú hơn.

Ngoài ra, các trường đại học hiện nay đều chú trọng đến hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên, xem đây là một trong các hoạt động trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của nhà trường. Thông qua việc nghiên cứu khoa học, các giảng viên, nhà nghiên cứu trẻ sẽ tự nâng cao trình độ chuyên môn, góp phần quan trọng vào việc xây dựng đội ngũ giảng viên lớn mạnh về chất cho nhà trường. Do đó, nhiều trường đại học đã quy định hoạt động nghiên cứu khoa học là yêu cầu và nhiệm vụ của giảng viên trong công tác tại trường.
Còn về khó khăn, hiện nay, việc tiếp cận các đề tài dự án như cấp Bộ, cấp tỉnh, cấp Nhà nước của các nhà khoa học trẻ vẫn còn hạn chế do thời gian thông báo để đưa ra đề xuất rất ngắn. Còn có nhiều thủ tục hành chính trong quá trình xin hay nghiệm thu đề tài…

– Nhân Ngày Khoa học công nghệ 18/5, thầy có lời chúc nào đến các nhà nghiên cứu của Trường Quốc tế?
– Nhân Ngày Khoa học công nghệ 18/5, tôi xin chúc các nhà khoa học của Trường Quốc tế có thêm nhiều nghiên cứu đột phá trong các lĩnh vực, nhiều công trình có giá trị được công bố trên các tạp chí uy tín trên thế giới đóng góp cho sự phát triển chung của ĐHQGHN và của nền khoa học nước nhà. Chúc các nhà nghiên cứu và các thành viên gia đình VNU-IS luôn mạnh khỏe, bình an và hạnh phúc để có thể tập chung cháy hết mình trong nghiên cứu, dẫn dắt các thế hệ học trò chinh phục những thành công mới!
Minh Lâm
(thực hiện)