Cách thức sử dụng cửa hàng đầu đàn để phát triển thương hiệu


Ngày 5/8 vừa qua, Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học với chủ đề “Tác động của Cửa hàng đầu đàn (CHĐĐ) tới nhận biết thương hiệu các sản phẩm ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) trên thị trường Việt Nam”.

Diễn giả của tọa đàm là TS. Nguyễn Phú Hưng – giảng viên Khoa Kinh tế và Quản lý. TS. Nguyễn Phú Hưng có hơn 20 năm kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu và tư vấn doanh nghiệp.

TS. Nguyễn Phú Hưng – giảng viên Khoa Kinh tế và Quản lý – là diễn giả của chương trình.

Chủ đề của tọa đàm là một khái niệm khá mới mẻ và hấp dẫn tại Việt Nam, TS. Nguyễn Phú Hưng đã chia sẻ một góc nhìn mới và ấn tượng về cách thức sử dụng cửa hàng đầu đàn (CHĐĐ) để phát triển thương hiệu. Có thể khẳng định, thương hiệu là một tài sản quan trọng đối với doanh nghiệp. Khái niệm về tài sản thương hiệu có thể được nhìn nhận từ các góc độ khác nhau, gồm: góc độ nhận thức của người tiêu dùng và góc độ liên quan đến hành vi của người tiêu dùng. Rõ ràng, các doanh nghiệp luôn nỗ lực phát triển thương hiệu của mình, và một trong những chiến lược để phát triển tài sản thương hiệu là xây dựng hệ thống CHĐĐ. Nghiên cứu về khái niệm CHĐĐ đã được đề cập đến ở nhiều nước và áp dụng thành công trong nghiều lĩnh vực khác nhau, và gần đây mô hình này cũng được áp dụng cho các sản phẩm của ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG). Tuy nhiên, đây lại là khái niệm chưa được nghiên cứu nhiều tại Việt Nam, mặc dù thực tiễn đã tồn tại.

Trong chương trình tọa đàm, diễn giả đã trình bày về những đặc tính của CHĐĐ, những nhóm hoạt động tại CHĐĐ tác động như thế nào đến thương hiệu của doanh nghiệp, từ đó đưa ra giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường và xây dựng thương hiệu. Sau phần trình bày của diễn giả, người tham dự đã thảo luận sôi nổi về tính mới và ý nghĩa thực tiễn của nghiên cứu này tại Việt Nam; cách thức tính toán quy mô mẫu, lựa chọn doanh nghiệp và đối tượng tham gia giả khảo sát; những thách thức trong triển khai nghiên cứu thử nghiệm và sau đó là nghiên cứu chính thức của chủ đề này; phương pháp xử lý dữ liệu và độ tin cậy của dữ liệu nghiên cứu; các hàm ý thực tiễn cho doanh nghiệp Việt Nam.

Tọa đàm kết thúc tốt đẹp, cung cấp nhiều thông tin bổ ích cho người tham dự. Trong thời gian tới, Trường Quốc tế sẽ tổ chức các chương trình tọa đàm với nhiều chủ đề đa dạng, nhằm tăng cường sự chia sẻ và kết nối trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học giữa các cán bộ, giảng viên cũng như các chuyên gia, nhà khoa học quan tâm.

Trần Thị Thủy Anh,
Ảnh: Phan Bảo Trung,
Giảng viên Khoa Kinh tế và Quản lý