Nằm trong chuỗi tọa đàm khoa học cấp khoa được Khoa Kinh tế và Quản lý, Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức hàng tháng với mục đích tăng cường trao đổi, giao lưu chuyên môn học thuật, ngày 28/12/2023 vừa qua, tọa đàm khoa học với 02 chủ đề “Một số vấn đề đương đại trong kế toán carbon và tín chỉ carbon tại Việt Nam” và “Phương pháp đầu tư cổ phiếu cơ bản” đã diễn ra thành công. Diễn giả của chương trình là ThS. Nguyễn Thùy Trang và ThS. Nguyễn Tuấn Minh – giảng viên Khoa Kinh tế và Quản lý. Tham dự chương trình có đông đảo các giảng viên, nhà khoa học quan tâm đến những vấn đề trên.
Trong phần thứ nhất của buổi toạ đàm, ThS. Nguyễn Thùy Trang chia sẻ về chủ đề: “Một số vấn đề đương đại trong kế toán carbon và tín chỉ carbon tại Việt Nam”. Trong bối cảnh các khu vực phát triển trên thế giới như EU, Mỹ, hay tới đây là Trung Quốc, Nhật Bản… áp dụng hàng rào thuế carbon cho hàng hóa xuất nhập khẩu, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình xây dựng, phát triển thị trường carbon. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để cơ quan quản lý, các tổ chức, doanh nghiệp chuyển mình, nghiên cứu, áp dụng ngay giải pháp xanh, giảm phát thải, thực hiện biện pháp để tạo ra và tích lũy tín chỉ carbon cho thời gian tới.
Hai diễn giả của tọa đàm là giảng viên của Khoa Kinh tế và Quản lý.
Trước bối cảnh biến đổi khí hậu đang là một vấn đề hiện hữu trên toàn cầu, tín chỉ carbon và tài chính xanh đã trở thành xu hướng tất yếu với mục tiêu hướng đến phát triển bền vững. Việc thay đổi công nghệ theo hướng giảm phát thải khí nhà kính, tạo ra quyền phát thải sẽ giúp doanh nghiệp thu hút nguồn tài chính dễ dàng với chi phí rẻ, đồng thời góp phần nâng tầm giá trị trên thị trường thế giới. Đối với doanh nghiệp, nhận thức sớm các rủi ro về khí hậu và xác định chiến lược chuyển dịch hợp lý, từ đó tăng lợi thế cạnh trạnh và tạo cơ hội thu về nguồn doanh thu bổ sung.
Trong buổi chia sẻ, ThS. Nguyễn Thùy Trang cũng đã đưa ra vấn đề về kế toán carbon với các phạm vi phát thải khác nhau, được chia ra ba cấp độ: cấp độ 1, cấp độ 2 và cấp độ 3. Cấp độ 1 bao gồm những phát thải trực tiếp do hoạt động của tổ chức gây ra. Phát thải ở cấp độ 2 chủ yếu là những khí thải gián tiếp xuất phát từ điện, hơi nước, làm mát hoặc các nguồn năng lượng khác được sử dụng, tuy nhiên những nguồn năng lượng đó được sản xuất bên ngoài tổ chức. Phát thải cấp độ 3 bao gồm tất cả các loại phát thải gián tiếp khác xảy ra ở thượng nguồn (upstream) hoặc hạ nguồn (downstream) trong chuỗi cung ứng của tổ chức. Phát thải ở cấp độ 1 và 2 có thể dễ dàng ghi lại và quản lý hơn so với phát thải cấp độ 3, do đó phát thải ở hai cấp độ này cũng dễ dàng giảm thiểu hơn. Tuy nhiên, người ta ước tính rằng có tới 90% tổng lượng khí thải của các tổ chức đều rơi vào cấp độ 3. Vì vậy, điều quan trọng là những lượng khí thải này phải được ghi lại và kiểm soát hiệu quả. Chỉ khi đó các tổ chức mới có thể đưa ra các chiến lược phù hợp để đảm bảo giảm thiểu được lượng phát thải ở cấp độ 3. Một số vấn đề thị trường carbon ở Việt Nam cũng được giới thiệu và thảo luận, bao gồm báo cáo kiểm kê và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của các doanh nghiệp, các công cụ định giá carbon và dự báo mức thuế carbon trong tương lai.
Hai chủ đề đã thu hút sự quan tâm của các giảng viên Trường Quốc tế.
Trong phần thứ hai của buổi toạ đàm, ThS. Nguyễn Tuấn Minh đã có những chia sẻ vô cùng thú vị về các phương pháp đầu tư cổ phiếu cơ bản. Trong phần đầu, diễn giả đã có những giải thích ngắn gọn về thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như cơ chế hoạt động của thị trường. Ở phần tiếp theo, diễn giả giới thiệu về các phương pháp đầu tư cơ bản, bao gồm một số phương pháp chính như là phương pháp đầu tư chờ thời và đầu tư tăng trưởng. Đầu tư chờ thời, hay đầu tư “lướt sóng”, là phương pháp mà nhà đầu tư sẽ thực hiện việc mua cổ phiếu ở đáy của nền giá và bán khi cổ phiếu đạt đủ lợi nhuận. Phương pháp trên chỉ thực hiện trong khoảng thời gian ngắn có thể là khi cổ phiếu vừa về, khi mua cổ phiếu được 1-2 tuần, 1 tháng,… tùy thuộc vào khoảng thời gian tồn tại của “con sóng” tăng đó. Điều quan trọng cũng như cốt lõi trong phương pháp lướt sóng là xác định được đỉnh và đáy của cổ phiếu. Nhà đầu tư qua phân tích kỹ thuật xác định được đáy của cổ phiếu. Qua đó, đưa ra mức cắt lỗ phù hợp có thể là 7-10% và mức chốt lời phù hợp tùy “con sóng”.
Đầu tư tăng trưởng, là phương pháp mà nhà đầu tư tìm kiếm doanh nghiệp nhỏ hoặc mới niêm yết có tiềm năng tăng trưởng cao dựa vào biên lợi nhuận, chi phí, ban lãnh đạo,… từ đó mua vào cổ phiếu. Khác với đầu tư giá trị và đầu tư dài hạn là mua cổ phiếu ở giá thấp, phương pháp này có thể mua cổ phiếu ở giá cao nhưng cần xác định được tiềm năng của doanh nghiệp còn lớn hay không, qua đó hạn chế mua đuổi cổ phiếu ở mức giá quá cao khi xác định tiềm năng tăng giá còn quá ít.
Cuối phần chia sẻ, ThS. Nguyễn Tuấn Minh cũng đã giới thiệu một số cổ phiếu tiềm năng mà nhà đầu tư có thể nắm giữ dài hạn. Phần chia sẻ của ThS. Nguyễn Tuấn Minh đã thu hút rất nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi từ các thầy cô tham gia buổi tọa đàm. Tùy thuộc vào “khẩu vị”, mỗi nhà đầu tư sẽ xây dựng cho mình một trường phái đầu tư phù hợp, dựa vào các phân tích thị trường và một số phương pháp phân tích cơ bản.
Trong thời gian tới, Khoa Kinh tế và Quản lý sẽ tiếp tục triển khai các buổi tọa đàm với nhiều chủ đề đa dạng, nhằm tăng cường sự chia sẻ và kết nối trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học giữa các cán bộ giảng viên, nhà nghiên cứu của Trường Quốc tế.
Hoàng Lan
Khoa Kinh tế và Quản lý