AI và một số ứng dụng trong y tế


Ngày 8/9/2022, Câu lạc bộ Nhà khoa học Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) (VISL) cùng với Câu lạc bộ Nhà khoa học ĐHQGHN (VSL) đã tổ chức hội thảo “AI và một số ứng dụng trong y tế”.

Trình bày tại hội thảo là PGS.TS. Nguyễn Thanh Tùng – một trong những nhà khoa học đầu ngành trong việc áp dụng trí tuệ nhân tạo và học máy vào lĩnh vực y tế. Hội thảo có sự tham dự của nhiều chuyên gia, nhà khoa học của các đơn vị trong ĐHQGHN cũng như các trường đại học, cơ sở nghiên cứu khoa học trên cả nước. Đặc biệt, hội thảo cũng thu hút khá nhiều các bạn sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh đang mong muốn nghiên cứu trí tuệ nhân tạo và ứng dụng của nó trong y tế.

Hội thảo “AI và một số ứng dụng trong y tế” thu hút sự quan tâm của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài ĐHQGHN.

Mở đầu, PGS.TS Nguyễn Thanh Tùng đã có phần giới thiệu tóm tắt về trí tuệ nhân tạo (AI), học máy và áp dụng kỹ thuật học máy trong chẩn đoán y tế. Chiều dài lịch sử phát triển của Trí tuệ nhân tạo (AI) đã được diễn giả khái quát bằng những hình ảnh vô cùng sống động. Tiếp đó, PGS Nguyễn Thanh Tùng đã đưa ra những nhận định khái quát về lĩnh vực khoa học kỹ thuật non trẻ này, những ứng dụng của Trí tuệ nhân tạo trong cuộc sống, đặc biệt là trong lĩnh vực y sinh. Tiếp đến, PGS Tùng đi sâu vào việc áp dụng trí tuệ nhân tao, kỹ thuật học máy kết hợp với sử dụng quan phổ Raman trong chuẩn đoán tiểu đường không xâm lấn và một số bệnh khác như ung thư da và alzheimer.

PGS.TS Nguyễn Thanh Tùng trình bày công trình nghiên cứu của nhóm.

Phần trình bày về việc ứng dụng AI trong bài toán y sinh phát hiện bệnh tiểu đường dựa trên quang phổ Raman chính là công trình nghiên cứu mới nhất hiện nay của PGS.TS Nguyễn Thanh Tùng về áp dụng Trí tuệ nhân tạo, cụ thể là sử dụng mô hình kết hợp giữa PCA, SVM và ANN để giải quyết bài toán. Người tham dự được lắng nghe và quan sát những kết quả nghiên cứu từ những không ngừng nghỉ của cả nhóm bao gồm việc xây dựng thuật toán đến những phân tích cặn kẽ, cụ thể về quang phổ Raman và những ứng dụng to lớn của nó trong y học. Qua những lập luận sâu sát và những kết quả thu được, người tham dự hiểu được tầm quan trọng của học máy, cụ thể là mô hình kết hợp PCA, SVM và ANN vào trong phân tích và suy đoán dữ liệu thu thập được. Kết thúc bài trình bày, diễn giả phác họa viễn cảnh hấp dẫn khi trí tuệ nhân tạo nói chung và công trình nghiên cứu của nhóm được áp dụng vào thực tiễn y học tại Việt Nam và trên thế giới.

Phần thảo luận diễn ra sôi nổi giữa các nhà khoa học trên tinh thần cởi mở và cầu thị.

Kết thúc phần trình bày của diễn giả là phần thảo luận. Tại đây, các nhà khoa học đã nêu ra những nhận xét khách quan dựa trên những kinh nghiệm cá nhân về công trình nghiên cứu. Từ những quan điểm đó, những vấn đề mới, góc nhìn mới lại được khám phá ra và làm cho buổi hội thảo trở nên thú vị và ý nghĩa. TS. Đỗ Thanh Hà, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, đã đề cập đến vấn đề nhiễu dữ liệu khi đo đạc trong phòng thí nghiệm. PGS.TS Mai Anh Tuấn, Trường Đại học Công nghệ, trao đổi về tính thực tiễn của công trình nghiên cứu, đánh giá cao nỗ lực cũng như công sức đầu tư nghiên cứu của nhóm. Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến lạc quan về tính khả thi cao của học máy trong xử lý dữ liệu quang phổ Raman trong bài toán chuẩn đoán tiểu đường không xâm lấn. TS Trần Đức Quỳnh, Trường Quốc tế, đưa ra quan điểm học máy nói chung và mạng nơ ron nhân tạo nói riêng có năng lực vô hạn trong xử lý dữ liệu nhưng cũng không quên cảnh báo nhóm nghiên cứu về những khó khăn phải đối mặt để khai phá tiềm năng to lớn của công nghệ đầy hấp dẫn này.

Người tham dự chương trình chụp ảnh lưu niệm.

Sau gần 2 tiếng làm việc tích cực, hội thảo đã kết thúc thành công, cung cấp nhiều kiến thức bổ ích cho người tham dự. Trong thời gian tới, Câu lạc bộ Nhà khoa học Trường Quốc tế sẽ tiếp tục tổ chức nhiều buổi tọa đàm, hội thảo khoa học chuyên sâu hữu ích hơn nữa để tạo một môi trường nghiên cứu học thuật mở cho các cán bộ, giảng viên trong nhà trường cũng như các nhà khoa học quan tâm.