Trong hai ngày 18 – 19/7/2025, Trường Quốc tế tổ chức chương trình đào tạo phát triển năng lực dành cho cán bộ, giảng viên. Chuyên đề “Xây dựng hình ảnh cá nhân và phong cách làm việc chuyên nghiệp” thực sự là hành trình khai mở tư duy và truyền cảm hứng mạnh mẽ cho cán bộ, giảng viên của Nhà trường.
TS. Lê Như Hiếu có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc trong các tập đoàn trong và ngoài nước thuộc các lĩnh vực thương mại và dịch vụ.
Diễn giả của chương trình học là TS. Lê Như Hiếu – chuyên gia huấn luyện do Dale Carnegie Training & Associates – USA phê chuẩn. Ông có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc trong các tập đoàn trong và ngoài nước thuộc các lĩnh vực thương mại và dịch vụ tại nhiều vị trí quan trọng trong kinh doanh, tiếp thị, quản lý khách hàng, phát triển nguồn nhân lực và điều hành tổ chức.
Bằng phong cách giảng dạy sinh động, dí dỏm nhưng đầy chiều sâu, diễn giả đã giúp học viên nhận thức rõ: Hình ảnh chuyên nghiệp không chỉ là trang phục, mà là cách ta tư duy – hành xử – tạo ảnh hưởng trong mọi tương tác. Từ ánh mắt, cái bắt tay, cách ngồi, đến cách bắt chuyện trong bữa tiệc – mọi chi tiết đều mang thông điệp cá nhân và phản ánh văn hóa tổ chức. Hình ảnh chuyên nghiệp không chỉ được thể hiện qua năng lực chuyên môn mà còn bắt đầu từ những chi tiết tưởng chừng giản đơn: nụ cười luôn thường trực, trang phục đồng bộ và chỉn chu, đúng giờ trong mọi hoạt động. Ngoại hình gọn gàng với mái tóc được chăm chút, trang điểm nhẹ nhàng cùng trang sức và phụ kiện phù hợp góp phần tạo nên thiện cảm ban đầu. Bên cạnh đó, thái độ niềm nở, vui vẻ chính là “chìa khóa vàng” giúp mỗi cá nhân ghi điểm trong mắt đồng nghiệp và khách hàng, xây dựng môi trường làm việc tích cực và chuyên nghiệp.
Bài giảng của TS. Lê Như Hiếu thu hút sự quan tâm của các cán bộ, giảng viên Trường Quốc tế.
Trong giao tiếp, ánh mắt là một trong những yếu tố phi ngôn ngữ quan trọng giúp thể hiện sự chân thành, lắng nghe và kết nối. Tuy nhiên, nhiều người lại vô tình tạo cảm giác thiếu thiện chí hoặc mất tự nhiên chỉ vì cách nhìn không phù hợp. Nhìn chằm chằm có thể khiến người đối diện cảm thấy bị soi mói; nhìn lướt qua lại tạo cảm giác thiếu quan tâm. Việc chỉ tập trung nhìn vào một người, nhìn dáo dác khắp nơi hoặc để ánh mắt lạc về sàn nhà, trần nhà hay bức tường phía sau đều là những hành vi nên tránh, vì chúng làm gián đoạn sự tương tác và khiến cuộc trò chuyện trở nên gượng gạo. Một ánh nhìn vừa phải, thân thiện và phân bổ đều khi giao tiếp chính là chìa khóa tạo dựng sự tin cậy và thiện cảm trong mọi cuộc đối thoại.
Các học viên trao đổi, thảo luận về chủ đề buổi học.
Đặc biệt, triết lý “ứng xử là gốc rễ của hình ảnh chuyên nghiệp” được TS Lê Như Hiếu chuyển tải khéo léo thông qua những nguyên lý ứng dụng từ Đắc Nhân Tâm. Theo TS Hiếu, một nụ cười chân thành, sự quan tâm thực sự đến người đối diện hay khả năng lắng nghe với thái độ cầu thị không chỉ giúp xây dựng mối quan hệ tốt đẹp mà còn là nền tảng tạo dựng hình ảnh chuyên nghiệp, bền vững trong môi trường làm việc hiện đại. Ứng xử đúng mực không chỉ thể hiện bản lĩnh cá nhân mà còn phản ánh văn hóa của một tập thể, một tổ chức hướng đến sự phát triển toàn diện.
Học viên lên chia sẻ về chủ đề trước lớp.
Trong môi trường làm việc hiện đại, mỗi hành vi, mỗi lời nói không chỉ đơn thuần là phản xạ giao tiếp mà còn là những hành động chiến lược góp phần định hình hình ảnh cá nhân và tập thể. Một cách cư xử chuẩn mực, một lời nói đúng lúc, đúng mực có thể tạo nên sự tin tưởng, xây dựng uy tín cá nhân và lan tỏa tinh thần tích cực trong nội bộ tổ chức. Khi mỗi thành viên đều ý thức rằng hành vi của mình ảnh hưởng trực tiếp đến văn hóa chung, thì chính những tương tác hằng ngày – dù nhỏ nhất – cũng trở thành chất keo gắn kết, nâng cao hiệu quả hợp tác và khẳng định bản sắc văn hóa của tập thể. Ứng xử văn minh vì thế không chỉ là chuẩn mực đạo đức, mà còn là một chiến lược mềm đầy hiệu quả để phát triển bền vững trong kỷ nguyên hội nhập.
Học viên trình bày quan điểm của mình cùng thầy và các bạn trong lớp.
Không dừng lại ở việc truyền cảm hứng nhận thức, TS Lê Như Hiếu đã mang đến cho học viên những công cụ thiết thực để nâng cao hiệu quả công việc, nổi bật là phương pháp lập kế hoạch chuyên nghiệp theo nguyên tắc SMART – cụ thể, đo lường được, khả thi, thực tế và có thời hạn. Theo TS Lê Như Hiếu, việc áp dụng SMART không chỉ giúp cá nhân định hướng rõ ràng mà còn nâng cao khả năng theo dõi, đánh giá kết quả công việc. SMART là viết tắt của năm yếu tố: Specific (cụ thể), Measurable (đo lường được), Achievable (khả thi), Relevant (liên quan/thực tế), và Time-bound (có thời hạn). Một kế hoạch giảng dạy hay dự án quản lý nếu được xác định rõ ràng về mục tiêu, lượng hóa được kết quả, phù hợp với nguồn lực hiện có và gắn với thời gian cụ thể, sẽ giúp người thực hiện chủ động hơn trong triển khai, đồng thời hạn chế sai sót và trì hoãn. Trong bối cảnh chuyển đổi số và yêu cầu hiệu quả ngày càng cao, việc trang bị tư duy lập kế hoạch theo chuẩn SMART chính là bước khởi đầu cho một phong cách làm việc chuyên nghiệp, khoa học và có tầm nhìn.
Giảng viên tặng những cuốn sách ý nghĩa cho các học viên.
Bên cạnh đó, các nguyên tắc vận hành tinh gọn trong tổ chức cũng được diễn giả trình bày một cách logic, dễ tiếp cận, giúp người học nhanh chóng áp dụng vào thực tiễn giảng dạy và quản lý. Sự kết hợp giữa tư duy chiến lược và kỹ năng thực hành không chỉ góp phần cải thiện hiệu suất công việc mà còn thúc đẩy văn hóa làm việc chuyên nghiệp, hiện đại trong các đơn vị giáo dục.
Chương trình đào tạo “Xây dựng hình ảnh cá nhân và phong cách làm việc chuyên nghiệp” thực sự mang lại
nhiều giá trị tích cực.
Chương trình đào tạo “Xây dựng hình ảnh cá nhân và phong cách làm việc chuyên nghiệp” thực sự mang lại nhiều giá trị tích cực, không chỉ giúp cán bộ, giảng viên phát triển toàn diện năng lực, xây dựng môi trường làm việc tích cực và chuyên nghiệp. Trong năm 2025, Nhà trường sẽ tổ chức 05 chuỗi chương trình đào tạo hữu ích dành cho cán bộ, giảng viên.