Đọc sách, phát triển văn hóa đọc là việc làm có lợi cho tập thể, cho đất nước


Từ ngày 14 – 21/04/2025, Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức chuỗi hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Chương trình diễn ra với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên của Nhà trường.

Trong hơn một tuần, Trường Quốc tế tổ chức Hội chợ sách trong khuôn viên của Trường tại cơ sở Trịnh Văn Bô. Các quầy sách nhỏ xinh được đặt ngay tại sảnh tầng 1 với nhiều đầu sách đa dạng về phát triển bản thân, tâm lý học, sách văn học, kỹ năng giao tiếp, kinh doanh, trí tuệ bản thân, xây dựng tư duy phản biện… Mỗi cán bộ, giảng viên, sinh viên đều tìm được một vài cuốn sách yêu thích cho bản thân và làm quà cho người thân trong gia đình. Hội chợ sách thực sự lan tỏa được tình yêu, niềm đam mê đọc sách của các Isers.

Hội chợ sách thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, giảng viên, học viên và sinh Nhà trường.

Ngày 17/4, Nhà trường tổ chức tọa đàm chủ đề “Đọc sách: Vẽ diện mạo mình giữa đám đông” dành cho các bạn sinh viên. Diễn giả của chương trình là nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý, tác giả hơn 10 cuốn sách về Hà Nội và sự phát triển của tân nhạc. Bên cạnh viết lách, anh còn vẽ tranh, làm đồ họa và truyền thông. Nguyễn Trương Quý được trao tặng Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội năm 2019 cho tác phẩm “Một thời Hà Nội hát – Tim cũng không ngờ làm nên lời ca.”

Nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý chia sẻ chủ đề thú vị đến các bạn sinh viên Trường Quốc tế. 

Theo nhà văn Nguyễn Trương Quý, đọc có lẽ là thú xa xỉ còn sót lại. Đọc sách không phải để thông minh hơn người khác, đọc là để trở nên giàu có hơn về hành vi, mở mang đầu óc, trưởng thành về trí tuệ cảm xúc, giải tỏa sự hoang mang và tận hưởng cuộc sống. Những cuốn sách sẽ theo chân chúng ta đến suốt cuộc đời. Đọc sách cần phải chủ động và đồng thời cũng cần có chút “bắt buộc” ở trong đó, tuyệt đối không để thế giới bên ngoài làm phiền, không để điện thoại di động, máy tính và một số bong bóng thông tin khống chế não bộ của ta. Nếu bạn có thể kiên trì đọc sách và hình thành thói quen đọc suốt đời, việc đọc sách sẽ trở thành bùa hộ mệnh của bạn.

TS Nguyễn Quang Thuận – Phó Hiệu trưởng, tặng hoa cảm ơn diễn giả. 

Trên chặng đường đọc sách, hãy tìm những người bạn đồng hành, tạo thành nhóm cùng đọc sách. Khi cùng nhau chia sẻ, giải mã những điều trong cuốn sách thì niềm ham mê đọc sẽ tăng lên gấp bội. Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu đọc sách. Đọc sách, dù chỉ đọc một đoạn hay một phần của cuốn sách, bạn cũng cần phải chuyên tâm vào để đọc, để hiểu và để thấm.

Vào đúng Ngày Sách và Văn hóa Việt Nam 21/4, chương trình tọa đàm với chủ đề “Văn hóa đọc và truyền thống văn hiến Việt Nam” diễn ra thu hút sự quan tâm của cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Quốc tế. Diễn giả của chương trình tọa đàm GS. TSKH NGND Vũ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Nguyên Phó Giám đốc ĐHQGHN.

GS. TSKH NGND Vũ Minh Giang có bài chia sẻ vô cùng ý nghĩa, sâu sắc về văn hóa đọc từ truyền thống văn hiến đến thời đại mới ngày nay.

GS. TSKH NGND Vũ Minh Giang đã có bài chia sẻ vô cùng ý nghĩa, sâu sắc về văn hóa đọc từ truyền thống văn hiến đến thời đại mới ngày nay. Theo diễn giả, Việt Nam là quốc gia văn hiến, trí thức Việt Nam từ xa xưa, theo sách sử viết lại, là những người có trình độ uyên bác, đọc nhiều hiểu rộng. Văn hóa đọc chính là thể hiện nền văn hiến trong đó người tài được trọng dụng tài năng, thể hiện diện mạo một quốc gia.

Diễn giả khẳng định bất kỳ người nào cũng sở hữu trong mình 5 khối tài sản lớn (tri thức – kiến thức, tài sản, quan hệ, phúc – đức và uy tín), trong đó tri thức – kiến thức là tài sản hàng đầu. Việc trau dồi tri thức – kiến thức có được nhờ học ở trường lớp, trường đời, từ bạn bè, từ những thành công và thất bại. Ở đây, việc học qua sách vở, qua đọc sách là phương thức tích cực nhất, hiệu quả nhất và chắc chắn nhất để có kiến thức.
Tuy vậy, tại Việt Nam văn hóa đọc vẫn chưa thể phát triển mạnh, xứng tầm, một số bạn trẻ Việt Nam vẫn còn lười đọc sách, còn một vài điểm hạn chế trong văn hóa đọc (hạn chế của truyền thống thực học, thói quen học lỏm, bệnh hình thức…). Vậy căn nguyên là từ đâu? Theo GS. TSKH NGND Vũ Minh Giang, thứ nhất do xã hôi Việt Nam vẫn mang hơi hướng trọng kinh nghiệm, có chút thủ cựu nên không có đất cho sự sáng tạo. Thứ hai, văn hóa truyền miệng trong cộng đồng rất mạnh, ảnh hưởng nhiều đến xã hội. Và cuối cùng là sự hạn chế trong tư duy logic và thực chứng, phát ngôn không có chứng cứ cụ thể.

Người tham dự chương trình trao đổi, thảo luận cùng diễn giả.

Từ những suy nghĩ, phân tích thấu đáo, diễn giả mong muốn thế hệ trẻ Việt Nam tiếp nối truyền thống góp phần xây dựng và phát triển văn hóa đọc. Việc đọc sách có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt, không gì có thể thay thế. Đọc sách, phát triển văn hóa đọc là những việc làm có lợi cho tập thể, cho đất nước. Mỗi bạn trẻ cần nhận thức được tác dụng, tầm quan trọng của văn hóa đọc, từ đó rèn luyện thói quen, sở thích, kỹ năng đọc sách, nuôi dưỡng niềm đam mê, yêu thích sách. “Người ham đọc sách, dù không nổi tiếng, không thành tài cũng là người tử tế và người có phẩm chất cao đẹp”.

PGS.TS Phạm Xuân Hoan – Chủ tịch Hội đồng Trường và TS Trần Anh Hào – Phó Hiệu trưởng tặng hoa cảm ơn diễn giả. 

Trường Quốc tế, với cộng đồng 6000 người học và hơn 200 cán bộ, giảng viên, luôn nhận thức rõ được tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong Nhà trường, một trong các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong chiến lược phát triển. Trong những năm qua, Trường Quốc tế đặc biệt chú trọng và nỗ lực không ngừng trong việc xây dựng văn hóa đọc cho sinh viên. Các thầy, cô luôn mong muốn, trong khuôn viên của Trường, đi đến đâu cũng sẽ thấy những bạn sinh viên say mê đọc sách hay say sưa tranh luận về những cuốn sách mình đã đọc. Và rất vui là sinh viên Trường Quốc tế bước đầu đã có trong mình tinh thần hiếu đọc. Trong năm 2024, sinh viên Nhà trường thắng lớn tại cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc cấp ĐHQGHN và Đại sứ Văn hóa đọc cấp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Các cán bộ, gảng viên, sinh viên Nhà trường có một tuần lễ văn hóa đọc thật ý nghĩa.

Trường Quốc tế hướng đến xây dựng và phát triển văn hóa đọc mang nét đặc trưng riêng, gây dựng tinh thần yêu sách, ham mê đọc sách được lan tỏa rộng khắp trong cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên. Nhà trường luôn mong trong khuôn viên của Trường, đi đến đâu cũng sẽ thấy những bạn sinh viên say mê đọc sách hay say sưa tranh luận về những cuốn sách mình đã đọc.