Chính phủ ban hành Nghị định mới về đại học quốc gia: Đột phá trong trao quyền tự chủ, mở rộng không gian phát triển đại học đẳng cấp quốc tế


Thủ tướng Chính phủ vừa chính thức ký ban hành Nghị định số 201/2025/NĐ-CP ngày 11/7/2025 quy định về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của đại học quốc gia (ĐHQG) thay thế Nghị định số 186/2013/NĐ-CP ngày 17/11/2013 của Chính phủ về ĐHQG, đánh dấu một bước ngoặt chiến lược trong hành trình phát triển giáo dục đại học Việt Nam. Nghị định không chỉ thể hiện sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục & Đào tạo và các bộ, ngành mà còn trao cho Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) và ĐHQG TP. Hồ Chí Minh quyền tự chủ toàn diện, tạo nền tảng để bứt phá mạnh mẽ trong thời kỳ mới. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2025.

TRAO QUYỀN TỰ CHỦ THỰC CHẤT VÀ MẠNH MẼ

Theo quy định tại Điều 2 và Điều 3 của Nghị định, ĐHQG được trao quyền tự chủ rất cao trong các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, tổ chức bộ máy, tài chính, hợp tác quốc tế và phát triển nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, ĐHQG có quyền xây dựng Quy chế đào tạo riêng, phát triển chương trình tài năng, tiên tiến, hợp tác quốc tế sâu rộng và kết nối hiệu quả nguồn lực khoa học – công nghệ – đổi mới sáng tạo để thực hiện sứ mệnh phát triển quốc gia.

ĐHQG được trực tiếp điều hành, sử dụng, chia sẻ nguồn lực nội bộ một cách hiệu quả; tự chủ trong việc tuyển dụng giảng viên, chuyên gia quốc tế và hợp tác với doanh nghiệp. Hệ thống quản trị đại học hiện đại được tổ chức phân cấp – phân quyền rõ ràng, gắn trách nhiệm giải trình trước Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ với quyền hạn được giao.

Nghị định cũng đã khẳng định ĐHQG được Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển để thực quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước.

Việc ban hành Nghị định với nhiều nội dung tiên phong đột phá không những thể hiện sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục & Đào tạo và các bộ, ngành mà còn trao cho ĐHQGHN và ĐHQG TP. Hồ Chí Minh quyền tự chủ toàn diện, tạo nền tảng để bứt phá mạnh mẽ trong thời kỳ mới.

Trước đó, tại Công văn số 5760/VPCP-KGVX ngày 24/6/2025, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Giáo dục & Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ và vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để tiếp tục rà soát, hoàn thiện nội dung của dự thảo Nghị định sao cho các ĐHQG phải chủ động, sáng tạo và được phân cấp nhiều hơn; Trung ương quản lý chuyên môn, địa phương quản lý con người, cơ sở vật chất; Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ quản lý chuyên môn và quản lý nhà nước.

Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân giới thiệu với Tổng Bí thư Tô Lâm triển lãm ảnh về chặng đường phát triển của ĐHQGHN, ngày 18/11/2024

MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỤ THỂ CỦA NGHỊ ĐỊNH VỀ ĐHQG

Tại Nghị định mới, ĐHQG được Chính phủ định vị là một trong những đầu mối chiến lược về giáo dục đại học, chịu trách nhiệm điều phối và đảm bảo sự liên thông giữa các đơn vị thành viên, đơn vị thuộc và trực thuộc. Sự phân cấp này không chỉ tăng cường hiệu quả hoạt động mà còn tạo nền tảng để ĐHQG thực hiện vai trò dẫn dắt trong giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học của quốc gia.

ĐHQG được ban hành quy định về chế độ làm việc của giảng viên, nghiên cứu viên theo quy định của pháp luật áp dụng trong ĐHQG để thu hút, phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế. Nghị định cũng quy định về việc trao cho ĐHQG chủ động trong sử dụng nguồn nhân lực để bảo đảm nhu cầu giảng dạy, nghiên cứu khoa học và quản trị doanh nghiệp.

Về công tác đào tạo, ĐHQG được chủ động xây dựng Quy chế đào tạo các trình độ của giáo dục đại học với mục tiêu phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục đại học để đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước; đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế nhằm phát triển giáo dục đại học Việt Nam ngang tầm khu vực và thế giới.

ĐHQG được chủ động xây dựng, triển khai các chương trình đào tạo thực hành, chuyên, đặc biệt, năng khiếu, tài năng ở tất cả các trình độ đào tạo nhằm phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài khoa học và công nghệ; triển khai các chương trình đào tạo đã được thực hiện trong nước ra nước ngoài thông qua các chương trình hợp tác, liên kết quốc tế.

Về hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, ĐHQG được đề xuất và thực hiện các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia; là một trong những đầu mối nghiên cứu, cung cấp luận cứ khoa học nhằm góp phần xây dựng định hướng, chủ trương, chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế; ĐHQG được tổ chức hoạt động khoa học và công nghệ trong tất cả các lĩnh vực khoa học nhằm thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với đào tạo nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài khoa học và công nghệ, góp phần phát triển kinh tế – xã hội.

ĐHQGHN đã phát triển được 46 nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGHN, 09 phòng thí nghiệm trọng điểm. Giai đoạn 2020 – 2025, tổng số bài báo khoa học được công bố trên hệ thống ISI/SCOPUS ước đạt 9.751 bài, nhiều hơn 2,7 lần so với giai đoạn trước

Về công tác tài chính, ĐHQG là đơn vị dự toán cấp I được Thủ tướng Chính phủ giao dự toán ngân sách; thực hiện quản lý thống nhất việc phân bổ, giao dự toán ngân sách cho các đơn vị thành viên, đơn vị thuộc và trực thuộc ĐHQG, chịu trách nhiệm về công tác kế toán, quyết toán ngân sách của đại học quốc gia theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước hiện hành.

ĐHQG được quy định mức thu học phí trong ĐHQG theo quy định của Chính phủ.

Nghị định cũng nêu rõ, ĐHQG quản lý, điều hành, sử dụng và chia sẻ nguồn lực tài chính, nhân lực, cơ sở vật chất và các nguồn lực khác được giao trong toàn ĐHQG, bảo đảm tính hữu cơ, đồng bộ và hiệu quả; huy động nguồn lực của xã hội để xây dựng ĐHQG thành cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu mang tầm khu vực, quốc tế.

VAI TRÒ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA BỘ GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO, BỘ KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ VÀ CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG

Nghị định xác định rõ Bộ Giáo dục & Đào tạo tiếp tục thực hiện chức năng quản lý nhà nước cùng Bộ Khoa học & Công nghệ, các bộ, ngành khác và Ủy ban Nhân dân các cấp nơi ĐHQG đặt địa điểm, trong phạm vi chức năng theo quy định của Chính phủ và phù hợp với pháp luật.

ĐHQG được làm việc trực tiếp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để giải quyết những vấn đề liên quan đến đại học quốc gia. Khi cần thiết, đại học quốc gia báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề liên quan đến hoạt động và phát triển của ĐHQG; thực hiện việc cung cấp thông tin, báo cáo phục vụ hoạt động kiểm tra, thanh tra của các bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi ĐHQG, đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc và đơn vị thuộc ĐHQG đặt trụ sở theo quy định của pháp luật.

Theo kế hoạch, đến hết năm 2025, khu đô thị ĐHQGHN sẽ đạt trên 480.000m2 sàn xây dựng, với gần 20.000 học sinh, sinh viên chính quy học tập thường trực

BIỂU TƯỢNG MỚI CHO TỰ CHỦ ĐẠI HỌC VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO VƯƠN TẦM QUỐC TẾ

Nghị định mới không chỉ khẳng định vị thế pháp lý và sứ mệnh chiến lược của ĐHQG, mà còn là cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc phát triển đại học theo hướng nghiên cứu, đổi mới và hội nhập. Với sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ vững chắc từ Đảng, Nhà nước và nội lực mạnh mẽ của đội ngũ giảng viên, nhà khoa học, sinh viên – ĐHQGHN đang vững vàng trên hành trình trở thành biểu tượng quốc gia về đổi mới sáng tạo và giáo dục đại học chất lượng, vươn tới đẳng cấp quốc tế.

Việc Chính phủ ban hành Nghị định mới về ĐHQG với nhiều đột phá tiến bộ về quyền tự chủ thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và sự kiến tạo, ủng hộ của Bộ Giáo dục & Đào tạo và các bộ, ngành với sự phát triển của ĐHQG và giáo dục đại học. ĐHQGHN sẽ có nhiều thuận lợi thực hiện sứ mệnh với vai trò tiên phong để phát triển đột phá trong các lĩnh vực quan trọng của giáo dục đại học.

Từ khi thành lập năm 1993, ĐHQGHN đã phát triển theo mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực với cơ chế tự chủ và quản trị hiện đại, gắn với xây dựng đại học đổi mới sáng tạo. Cùng với ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, ĐHQGHN đã tiên phong thực hiện tự chủ đại học, đạt nhiều thành tựu nổi bật.

ĐHQGHN đã tiên phong triển khai nhiều nghị quyết của Đảng và Chính phủ như: Tổ chức bộ máy của ĐHQGHN tiếp tục được củng cố, sắp xếp, điều chỉnh lại, phù hợp với Nghị quyết số 18-NQ/TW, đồng thời với nâng cấp, phát triển một số đơn vị theo lộ trình để hoàn thiện cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó chú trọng phát triển năng lực đổi mới sáng tạo. Mạng lưới khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của ĐHQGHN được cấu trúc lại với 15 chương trình nghiên cứu; 08 lĩnh vực công nghệ mũi nhọn ưu tiên; 46 nhóm nghiên cứu mạnh; hệ thống phòng thí nghiệm được đầu tư, hiện đại hóa, trong đó có 09 phòng thí nghiệm trọng điểm, 01 phòng thí điểm trọng điểm quốc gia. Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo gắn với phát triển các đơn vị nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao(tổ chức lại các viện nghiên cứu thành viên, triển khai thành lập Viện Bán dẫn và Vật liệu tiên tiến, Viện Nghiên cứu ứng dụng Trí tuệ nhân tạo trong phát triển bền vững, Viện Công nghệ Lượng tử, Công ty Cổ phần đầu tư phát triển ĐHQGHN, Vườn ươm doanh nghiệp khoa học công nghệ, các quỹ phát triển khoa học công nghệ…).

GS. Lê Quân – Giám đốc ĐHQGHN và GS. Dolores O’Riordan – Phó Giám đốc phụ trách Hợp tác toàn cầu, ĐH Dublin (Ireland) đã trao văn bản thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa hai đại học dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, ngày 03/10/2024.

Trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ĐHQGHN tiếp tục khẳng định vị trí pháp lý, đẩy mạnh cơ chế tự chủ và tái cấu trúc bộ máy theo hướng tinh gọn. Tự chủ đại học được triển khai quyết liệt ở các đơn vị thành viên và đơn vị trực thuộc. Tới nay, cơ bản các đơn vị trong ĐHQGHN đủ năng lực tự chủ tài chính.

Phương thức quản trị đại học hiện đại được triển khai triệt để. Phân cấp, phân quyền được thực hiện đồng bộ. ĐHQGHN trao quyền tự chủ cao, gắn với trách nhiệm giải trình cho các đơn vị. ĐHQGHN tập trung quản trị chiến lược và chất lượng; tăng cường kiểm tra, giám sát, điều phối, liên kết các đơn vị và trực tiếp triển khai các nhiệm vụ lớn, có tính liên ngành, liên lĩnh vực và có tầm ảnh hưởng sâu rộng. Các đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc tự chủ trong tổ chức và hoạt động nhằm phát huy lợi thế chuyên môn riêng nhưng vẫn đảm bảo cơ chế liên thông, liên kết, sử dụng nguồn lực chung của toàn ĐHQGHN để phát triển.

ĐHQGHN tiếp tục khẳng định và phát huy tốt vai trò và uy tín học thuật trong việc thực hiện các nhiệm vụ quốc gia: Tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, nhất là các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị với nhiều công trình nghiên cứu cung cấp cơ sở và luận cứ khoa học tư vấn chính sách cho Đảng, Nhà nước; tham gia sâu vào việc tư vấn, phản biện, góp ý cho Quy hoạch tổng thể quốc gia, Thủ đô Hà Nội và các địa phương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường chứng kiến lễ trao đổi thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa ĐHQGHN và ĐH Bắc Kinh, ngày 13/10/2024.

Ưu thế về mô hình tổ chức và với vai trò là đại học hàng đầu của Việt Nam đã cho phép ĐHQGHN hợp tác với các đại học lớn trên thế giới. Cùng với việc duy trì hàng trăm đối tác quốc tế truyền thống, trong thời gian qua, ĐHQGHN đã mở rộng ký kết hợp tác với các đại học danh tiếng hàng đầu thế giới như: Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh, Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Quốc gia Singapore, Đại học Công nghệ Nanyang, Đại học Tokyo, Đại học Paris-Saclay, Đại học RMIT, Đại học College Dublin, và nhiều đại học hàng đầu của Nga, Pháp, Hàn Quốc… Thông qua hợp tác quốc tế, ĐHQGHN đã tiên phong thúc đẩy các hoạt động trao đổi sinh viên và giảng viên quốc tế. ĐHQGHN luôn là điểm đến của các đại học, tổ chức giáo dục – khoa học, học giả, chính khách và nhà hoạt động xã hội nổi tiếng thế giới.

Nguồn lực tài chính, hạ tầng cơ sở vật chất và hạ tầng số đạt được nhiều thành tựu.Xây dựng Khu đô thị ĐHQGHN tại Hoà Lạc và chuyển trụ sở làm việc tới Hòa Lạc là nhiệm vụ lớn và được xác định là khâu đột phá của ĐHQGHN. ĐHQGHN đã triển khai nhiều biện pháp để tăng cường nguồn lực đầu tư cho Dự án xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc, phát triển Khu đô thị ĐHQGHN theo mô hình “5 trong 1” như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với khung hành động gồm ba thành phần: Khung cảnh quan đô thị; Khung hoạt động đô thị – kinh tế tri thức – giáo dục đại học và Khung hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông. Cơ quan ĐHQGHN và hầu hết các đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc đã chính thức chuyển trụ sở làm việc và hiện diện tại Hòa Lạc. Theo kế hoạch, đến hết năm 2025, khu đô thị ĐHQGHN sẽ đạt trên 480.000m2 sàn xây dựng, với gần 20.000 học sinh, sinh viên chính quy học tập thường trực và khoảng 2.000 sinh viên học giáo dục quốc phòng và an ninh định kỳ, đánh dấu sự chuyển mình của ĐHQGHN hướng tới một không gian phát triển mới cả về cơ sở vật chất, đời sống học thuật và quản trị đại học.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) GS. Klaus Schwab cùng lãnh đạo và sinh viên ĐHQGHN , ngày 07/10/2024

HÀNH TRÌNH TƯƠNG LAI VÀ TRÁCH NHIỆM QUỐC GIA

Dự thảo Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ VII, nhiệm kỳ 2025-2030 của Đảng bộ ĐHQGHN đặt mục tiêu trở thành “Đại học nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong nhóm các đại học hàng đầu thế giới” vào năm 2030. Để đạt được điều này, ĐHQGHN sẽ đẩy mạnh phân cấp trong quản trị đại học, tài chính và cơ sở vật chất, đồng thời đảm bảo liên thông nhân lực và chia sẻ nguồn lực.

Với khung pháp lý mới, ĐHQGHN không chỉ củng cố vị thế trong nước mà còn hướng tới nâng cao ảnh hưởng quốc tế, nhằm thu hút chuyên gia, nhà khoa học xuất sắc, sinh viên tới học tập, hợp tác và nghiên cứu.

Việc ban hành Nghị định mới về ĐHQG là bước ngoặt chiến lược, khẳng định ĐHQG không chỉ là nòng cốt trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam mà còn tạo ra một cơ chế mới để phát huy hết tiềm lực thực hiện các sứ mệnh mới của kỷ nguyên vươn mình. Với sự chỉ đạo, hỗ trợ từ Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành cùng nội lực mạnh mẽ từ đội ngũ giảng viên, nhà khoa học và sinh viên, ĐHQGHN đang trên hành trình trở thành biểu tượng của đổi mới sáng tạo, đóng góp thiết thực vào sự phát triển bền vững của đất nước./.

>>>Nghị định số 201/2025/NĐ-CP ngày 11/7/2025 quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của đại học quốc gia (PDF).

VNU Media