TS. Nguyễn Văn Anh – Giảng viên Khoa Kỹ thuật và Công nghệ, Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) – đã chính thức trở thành thành viên Ban biên tập của tạp chí Science and Technology of Welding and Joining (STWJ) – tạp chí Q1 uy tín, lâu đời nhất trong ngành hàn và in 3D kim loại. TS. Nguyễn Văn Anh là thành viên trẻ nhất và trợ lý giáo sư duy nhất trong hội đồng gồm gần 30 giáo sư đầu ngành trên toàn thế giới.
Trong tháng 5/2025, Giáo sư Chuan Song Wu – Tổng biên tập tạp chí Science and Technology of Welding and Joining China (Q2–Q3, Scopus) – mời ông làm thành viên Ban biên tập. Đây là nơi hội tụ nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực hàn và in 3D kim loại, đặc biệt là từ Trung Quốc. Tháng 4/2024, ông được Tổng biển tập tạp chí Journal of manufacturing processes (Q1, IF6.1), GS Yuming Zhang của Đại học Kentucky (Mỹ), chính thức bổ nhiệm riêng làm thư ký để hỗ trợ ông trong việc xét duyệt và tìm kiếm các chuyên gia duyệt bài cho tạp chí này.
TS. Nguyễn Văn Anh tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội, sau đó nhận học bổng toàn phần theo học thạc sĩ và tiến sĩ tại Đại học Osaka, Nhật Bản. Tại đây, ông theo học chuyên ngành Khoa học vật liệu và Khoa học sản xuất tại Viện Nghiên cứu Hàn và Ghép nối JWRI – một trong ba viện nghiên cứu về hàn và ghép nối uy tín hàng đầu thế giới, bên cạnh Viện Hàn Anh Quốc và Viện Hàn Edison (Mỹ).
TS Nguyễn Văn Anh và GS Yuming zhang – Tổng biên tập tạp chí Journal of manufacturing processes, thăm quan nhà máy sản xuất của viện hàn Vương Quốc Anh.
Sau khi tốt nghiệp, ông vừa tham gia giảng dạy bán thời gian tại JWRI, vừa đồng sáng lập công ty công nghệ MWL. Giai đoạn 2016–2021, trước khi rời Nhật Bản để nhận lời mời từ Đại học Cranfield (Vương quốc Anh), ông đã dẫn dắt MWL phát triển từ nhóm khởi nghiệp hai người thành Công ty có 10 nhân viên và 5 sinh viên cộng tác bán thời gian, với doanh thu đạt đỉnh 4 triệu USD vào năm 2021. Từ năm 2021, ông làm việc tại Viện Nghiên cứu Hàn và In 3D WAMC – nơi khai sinh công nghệ in 3D dây kim loại đầu tiên trên thế giới. Ông được bổ nhiệm làm Trợ lý giáo sư năm 2021, và Phó Giáo sư năm 2023 tại Đại học Cranfield.
Với nội lực vững chắc, tình yêu khoa học và tư duy đổi mới, ông đã phát minh hai công nghệ mang tính đột phá: Công nghệ hàn cuộn dây siêu mỏng – phục vụ cho các nhà máy sản xuất lead frame trong ngành chip bán dẫn. và Công nghệ in 3D dây kim loại siêu nhỏ (i-Mobile WAAM) – hướng đến các ứng dụng trong thiết bị y tế và linh kiện điện tử vi mô.
Các thành viên ban biên tập tạp chí Journal of manufacturing processes thăm quan Bảo tàng hàng không hoàng gia Anh.
Những phát minh này đã được bảo hộ qua 6 bằng sáng chế tại Hoa Kỳ (USPTO), WIPO, Việt Nam và Ấn Độ. Ông cũng nhận nhiều giải thưởng danh giá từ Chính phủ Nhật Bản (2021), Viện Hàn Hoa Kỳ (2021), Bộ Công Thương Việt Nam (2022) và Hội Hàn Việt Nam (2022). Ngoài ra, TS Nguyễn Văn Anh đã dẫn dắt và hướng dẫn thành công hơn 10 thạc sỹ tại Đại học Cranfield và Đại học Osaka. Công nghệ mới do ông phát minh đã nhận được tài trợ của nhiều tổ chức cá nhân theo dạng hợp tác sản xuất thử nghiệm hoặc đầu tư dạng nhà đầu tư thiên thần và các quỹ khoa học công nghệ.
Sau khi phát minh các công nghệ lõi cho ngành sản xuất bán dẫn và thiết bị y tế, TS. Nguyễn Văn Anh thành lập Công ty Dreamweldtech – một spin-off hợp tác với Đại học Cranfield, nơi ông giữ vai trò CEO. Đến cuối năm 2023, ông quyết định rời vị trí Phó Giáo sư để toàn tâm phát triển công ty. Tháng 8/ 2024, ông trở về Việt Nam để trực tiếp điều hành nhà máy sản xuất, đồng thời nhận lời mời làm giảng viên tại Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội.
Tại đây, ông khởi xướng nhiều chương trình hợp tác nghiên cứu – thực tập giữa sinh viên và công ty, giúp sinh viên tiếp cận những công nghệ tiên tiến chỉ Dreamweldtech sở hữu. Với sự hỗ trợ của TS. Lê Xuân Hải – giảng viên Khoa Kỹ thuật và Công nghệ, nhóm nghiên cứu của ông đã thu hút gần 30 sinh viên từ các trường đại học lớn như Bách Khoa Hà Nội, Đại học Giao thông vận tải, Đại học Công nghiệp và Đai học Quốc gia Hà Nội.
TS. Nguyễn Văn Anh là một nhà khoa học gắn kết giữa lý thuyết và thực tiễn, khi toàn bộ các nghiên cứu học thuật của ông đều hướng tới phát triển sản phẩm thực tế cho công ty Dreamweldtech. Nhiều nghiên cứu của ông đã chuyển hóa thành sản phẩm thương mại, nhận được sự quan tâm từ các tập đoàn lớn như Panasonic, Toyota, Denso, TE Connectivity, Foxconn, Canon, nhà máy động cơ điện Tesla tại Thượng Hải, Samsung, và nhiều đối tác khác.
Lê Xuân Hải
Khoa Kỹ thuật và Công nghệ