Giảng viên Trường Quốc tế nhận giải “Bài báo được trích dẫn nhiều nhất năm 2020-2021”


TS Lê Thị Thu Hường, giảng viên Khoa Kinh tế và Quản lý, Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã được Wiley Publishing trao giải thưởng “Bài báo được trích dẫn nhiều nhất năm 2020-2021” cho nghiên cứu với tiêu đề “How do you capture liquidity? A review of the literature on low-frequency stock liquidity” (Làm sao để đo tính thanh khoản? Đánh giá các phương pháp đo tính thanh khoản của cổ phiếu).

TS. Lê Thị Thu Hường là đồng tác giả với Giáo sư tài chính Andros Gregoriou, Đại học Brighton, Anh.

TS Lê Thị Thu Hường, đã được Wiley Publishing trao giải thưởng “Bài báo được trích dẫn nhiều nhất năm 2020-2021”.

Các nhà nghiên cứu có nhiều cách khác nhau để đo tính thanh khoản của cổ phiếu nhưng hầu hết chúng đều đi kèm với ưu và nhược điểm. Nghiên cứu của TS. Lê Thị Thu Hường và nhóm tác giả đưa ra đánh giá về các phương pháp đo được sử dụng phổ biến hiện nay cũng như ảnh hưởng của chúng tới việc định giá tài sản. Nghiên cứu xem xét các chỉ số đo lường như chỉ số Amihud, khối lượng giao dịch, chỉ số vòng quay và chênh lệch giá chào bán- giá chào mua. Ngoài ra, nghiên cứu cũng đưa ra các chỉ số đo tính thanh khoản với nhiều ưu điểm, tiệm cận với các chỉ số đo tiêu chuẩn, được xây dựng từ dữ liệu tần suất cao (high-frequency intraday data).

TS Lê Thị Thu Hường là giảng viên Khoa Kinh tế và Quản lý.

Chỉ số trích dẫn (citation index) của một ấn phẩm, do Eugene Garfield đề xuất năm 1955, là số lần ấn phẩm này được trích dẫn, được tham khảo trong tất cả các ấn phẩm khác.

Từ đó đến nay, chỉ số trích dẫn đã được dùng làm một độ đo quan trọng để đánh giá các công trình nghiên cứu, là cơ sở để định nghĩa các độ đo khác cho các tạp chí và nhà khoa học. Có thể nói, chỉ số trích dẫn được “tin dùng” do dựa trên một giả định được thừa nhận rộng rãi, là các nhà khoa học có ảnh hưởng hơn, các công trình quan trọng và có giá trị sử dụng hơn thường được trích dẫn nhiều hơn.
Chi tiết bài báo xem tại ĐÂY – https://onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.1111/joes.12385

Khoa Kinh tế và Quản lý

Với chủ trương đầu tư tập trung, chất lượng và chính sách, cơ chế hoạt động sáng tạo, linh hoạt, giảng viên, học viên và sinh viên Trường Quốc tế ngày một quan tâm hơn đến hoạt động nghiên cứu. Các kết quả nghiên cứu đạt tiêu chí về chất lượng, phục vụ hiệu quả cho hoạt động đào tạo cũng như góp phần nâng cao uy tín của ĐHQGHN nói chung và của nhà nói riêng. Tính đến tháng 4/2022, cán bộ giảng viên Trường Quốc tế đã công bố đạt 51.2% theo chỉ tiêu nhiệm vụ mà ĐHQGHN giao, trong đó, 86% bài báo tạp chí, 8% bài báo hội nghị khoa học, 01 chương sách (1.0%), 03 bài báo tổng quan (5.0%) và một số loại hình công bố khác. Trường đang giữ vững vị trí thứ 2 trong ĐHQGHN về số lượng công bố quốc tế WoS, Scopus.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Trường Quốc tế tiếp tục duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm 03 đơn vị dẫn đầu về số lượng công bố quốc tế với tổng số 106 bài công bố ISI/SCOPUS, trong đó có 55 bài Q1, 25 bài Q2, 10 bài Q3.