Khai trương Phòng thí nghiệm Trí tuệ nhân tạo và Internet vạn vật


Ngày 30/8/2022, trong khuôn khổ hợp tác giữa Trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội ĐHQGHN và Viện Công nghệ thông tin, ĐHQGHN đã diễn ra Lễ ký kết và khai trương Phòng thí nghiệm chung về Trí tuệ nhân tạo và Internet vạn vật (AIoT Joint Lab).

Tham dự buổi lễ, về phía Trường Quốc tế có PGS.TS. Lê Trung Thành – Hiệu trưởng Trường Quốc tế, PGS.TS. Trần Xuân Tú – Viên trưởng Viện Công nghệ thông tin cùng đại diện lãnh đạo các phòng chức năng, khoa trực thuộc của hai đơn vị và các sinh viên ngành Tự động hóa và Tin học của Trường Quốc tế.

Phòng thí nghiệm Trí tuệ nhân tạo và Internet vạn vật là sản phẩm chung của Trường Quốc tế và Viện Công nghệ thông tin.

Phòng thí nghiệm chung về Trí tuệ nhân tạo và Internet vạn vật là kết quả của sự hợp tác sâu sắc và toàn diện giữa Trường Quốc tế và Viện Công nghệ thông tin trong suốt thời gian qua. Phòng thí nghiệm ra đời nhằm mục đích tạo ra một không gian nghiên cứu mở, năng động và sáng tạo cho cán bộ, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên của hai đơn vị cùng trao đổi học thuật, tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển các hướng nghiên cứu chuyên sâu thuộc lĩnh vực Internet Vạn Vật (IoT) và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Các hướng nghiên cứu chính của Phòng thí nghiệm gồm: Hệ thống nhúng, Vạn vật Internet (IoT), Công nghệ FPGA, Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hệ thống đo lường và điều khiển, Học máy và trí tuệ nhân tạo.

PGS.TS Lê Trung Thành hy vọng thời gian tới, thông qua Phòng thí nghiệm, hai đơn vị sẽ tổ chức được nhiều hoạt động đóng góp cho cộng đồng.

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS. Lê Trung Thành chia sẻ trong thời gian qua Trường Quốc tế đã mở rộng lĩnh vực đào tạo về công nghệ thông tin và kỹ thuật, Trường đang phát triển mạnh các nhóm nghiên cứu trong lĩnh vực kỹ thuật – công nghệ như các nhóm nghiên cứu về ứng dụng công nghệ thông tin, nhóm nghiên cứu về điều khiển thông minh, nhóm nghiên cứu về hệ thống thông minh và IoT, …. “Trường Quốc tế tập trung hợp tác với Viện Công nghệ thông tin theo 3 trụ cột chính là đào tạo, nghiên cứu và đóng góp cho cộng đồng. Việc hợp tác sâu sắc với Viện Công nghệ thông tin sẽ góp phần giúp nhà trường phát triển đúng theo định hướng đã đề ra. Cụ thể, trong hoạt động đào tạo, các nhà khoa học của Viện cùng tham gia giảng dạy các chương trình đào tạo đại học, thạc sỹ và tiến sỹ; hướng dẫn thạc sỹ và các nghiên cứu sinh. Trong hoạt động nghiên cứu, hiện Trường Quốc tế có 13 nhóm nghiên cứu, trong đó 2/3 nhóm các ngành kỹ thuật công nghệ, các nhà khoa học hai bên có thể tham gia các chương trình nghiên cứu của Trường, hình thành các sản phẩm đóng gói giúp cho chuyển giao và đào tạo như Nhóm tự động hóa về robot, UAV, ô tô tự hành, nhóm hệ thống cảm biến sinh học, cảm biến môi trường,…, sinh viên, học viên có thể tham gia vào các chương trình, đề tài này. Trong việc đóng góp cho cộng đồng, Viện và Trường có thể hình thành các khóa học, chương trình đào tạo cập nhật, phổ biến tri thức miễn phí như các khóa đào tạo về AI, IoT công cụ và ứng dụng trong các lĩnh vực để những người quan tâm có thể tìm hiểu, cập nhật kiến thức, công cụ”, Hiệu trưởng Trường Quốc tế chia sẻ.

Ngoài ra, PGS.TS Lê Trung Thành chia sẻ, trong thời gian tới Trường Quốc tế sẽ xây dựng các phòng thí nghiệm, thực hành gắn với 23 chương trình đào tạo của Nhà trường, các sản phẩm của sinh viên sẽ được đưa vào các phòng thực hành, để cho sinh viên khóa sau cùng xây dựng và phát triển, mong muốn Viện Công nghệ thông tin sẽ tư vấn cho nhà trường một số phòng lab liên quan. Bên cạnh đó, hai đơn vị có thể sẽ phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế thường niên được bảo trợ bởi IEEE, ACM và xuất bản các sách chuyên khảo, sách giáo trình liên quan đến lĩnh vực kỹ thuật – công nghệ qua các nhà xuất bản như Springer, Taylor Francis,..

PGS.TS Trần Xuân Tú khẳng định Phòng thí nghiệm cũng thể hiện tinh thần One VNU.

Đại điện lãnh đạo Viện Cộng nghệ thông tin, PGS.TS Trần Xuân Tú bày tỏ Phòng thí nghiệm sẽ là địa điểm nghiên cứu lý tưởng cho các nhóm nghiên cứu của hai đơn vị, cho các sinh viên đang theo học ngành kỹ thuật – công nghệ tại Trường Quốc tế. Phòng thí nghiệm cũng thể hiện tinh thần One VNU của các đơn vị trong toàn ĐHQGHN, đây sẽ là một trong những không nhiều những phòng thí nghiệm phối thuộc giữa các đơn vị trong ĐHQGHN, nó cho thấy sự kết nối chặt chẽ của các đơn vị, mối liên hệ không thể tách rời giữa hoạt động đào tạo và nghiên cứu.

Đại diện hai nhóm nghiên cứu của hai đơn vị giới thiệu về hoạt động nghiên cứu của nhóm.

Hiện nay, hai lĩnh vực tin học đang trải qua quá trình phát triển, tiến hóa mạnh mẽ chính là Trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT). Do AI và IoT là các lĩnh vực hỗ trợ, sự phối hợp giữa chúng giúp tăng cường đáng kể khả năng của từng thực thể. Chìa khóa để phân biệt là AI hoạt động tốt nhất với lượng dữ liệu khổng lồ, trong khi các thiết bị IoT là nguồn lý tưởng để cung cấp các luồng thông tin cần thiết. Phòng thí nghiệm AIoT giữa Trường Quốc tế và Viện Công nghệ thông tin thực sự là nơi để các nhà khoa học và các bạn sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học góp phần tạo ra những sản phẩm ứng dụng mang lại nhiều giá trị thiết thực cho xã hội.

Thầy, trò Trường Quốc tế làm quen với Phòng thí nghiệm mới.

Hy vọng với joint lab, các thầy, cô và các bạn sinh viên Trường Quốc tế sẽ có một không gian nghiên cứu tích cực và hiệu quả để rong tương lai có thể cho ra đời nhiều công bố, phát minh, sáng chế hữu ích cho cộng đồng