Tướng Nguyễn Chánh là thân sinh của PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh – cố vấn Phòng đọc Thế giới Nga của Khoa Quốc tế. Theo gương người cha kính yêu của mình, PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh cũng đã có nhiều cống hiến và đóng góp cho sự nghiệp giáo dục cũng như là cầu nối gắn kết, làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai đất nước Việt Nam – Liên bang Nga.
Trong đời này con người ta luôn luôn được đặt trước những sự lựa chọn: chọn bạn bè, chọn nghề nghiệp, chọn vợ chọn chồng v…v…, nhưng có hai điều mà con người không có quyền lựa chọn – đó là Tổ Quốc và Cha Mẹ. Ông cha ta sinh ra ở đâu thì đấy là Tổ Quốc, ai sinh ra ta thì người đó là Cha là Mẹ. Nhưng giá như được phép lựa chọn Cha Mẹ, thì sáu anh chị em chúng tôi đều không thể chọn được ai hơn những người hiện đang là Cha Mẹ của chúng tôi.
Tuy là cha của sáu đứa con nhưng Ba tôi không có cái diễm phúc như những người làm cha khác là được chứng kiến những giây phút thiêng liêng trong đời từng đứa con, từ khi nó cất tiếng khóc chào đời cho đến lúc biết lẫy, biết bò, biết đi, biết nói, biết đánh vần tập đọc, bước vào đời và trưởng thành khôn lớn, lấy vợ, lấy chồng, thành bố, thành mẹ, có công ăn việc làm, có sự nghiệp, thành những người hữu ích cho xã hội… Ông đã qua đời quá sớm, khi ông mới 43 tuổi, đứa con lớn nhất chưa tròn 20 và đứa bé nhất mới hơn 2 tuổi. Tuy thời gian chúng tôi được với Ba tôi quá ngắn ngủi, nhưng hình ảnh ông, từ dáng dấp bề ngoài cũng như lời ăn tiếng nói, cách cư xử với mọi người trong gia đình và ngoài xã hội, đã hàn sâu trong tâm trí chúng tôi và mãi mãi không phai mờ theo năm tháng.
Nghe mẹ tôi kể lại là khi tôi sinh ra được 17 tháng thì Ba tôi bị đi đày ở Buôn-Mê-Thuột. Tôi và anh Trực tôi sống với mẹ và Bà ngoại cùng cậu mợ Sáu trong cảnh nghèo túng nhưng vẫn được sưởi ấm bởi tình yêu thương ruột thịt của mẹ, bà và cậu mợ. Vì vắng Ba nên mẹ tôi cũng rất chiều chuộng chúng tôi, bà làm trách nhiệm của cả cha lẫn mẹ, lo cho chúng tôi từ tấm cơm manh áo, dạy dỗ chúng tôi đạo lý làm người và bao giờ cũng đem Ba tôi ra để làm gương, động viên và khích lệ chúng tôi. Tuy chưa biết mặt Ba tôi nhưng qua những mẩu chuyện mẹ tôi kể về Ba với tấm lòng yêu thương da diết cũng truyền được cho trái tim bé nhỏ của tôi một tình cảm thương yêu và kính phục xen lẫn tự hào về Ba. Có một lần, khi tôi mới lên 3 tuổi cùng ở trong tù với mẹ, các chú tù nhân trêu tôi vẽ lên mặt đất một hình người, bảo đó là Nguyễn Chánh và lấy dao chặt đầu, tôi đã gào thét, khóc nức nở, bắt đền mãi các chú để các chú làm cho Ba tôi sống lại mới chịu thôi. Tình thương của tôi đối với Ba tôi mang tính bản năng của con trẻ đối với Cha Mẹ, cho nên nó rất thiêng liêng và không cho phép một ai xúc phạm đến.
Chúng tôi quả là những đứa con hạnh phúc vì Ba tôi hầu như không bao giờ mắng mỏ, to tiếng với chúng tôi. Ông có một cách giáo dục con rất đặc biệt, ông thường phân tích, dẫn dắt từng bước để các con tự nhận ra thiếu sót và tự quyết định nên xử sự như thế nào cho phải. Tôi còn nhớ hồi tôi và anh tôi học lớp 5 ở trường Rừng Xanh, lúc đó chúng tôi khoảng 12-13 tuổi, đang sống ở nhà bác Năm tôi để đi học. Có một lần Ba tôi về thấy anh Trực tôi mặc một chiếc áo màu boóc-đô may bằng hàng xa xỉ (giống như lụa xoa bây giờ) là thứ hàng nhập khẩu của Pháp. Hồi đó ở khu Năm có chính sách: “bao vây kinh tế địch”, vì vậy tuyệt đối không ai được dùng hàng ngoại, vậy mà anh tôi, con một cán bộ lãnh đạo ở cấp Khu lại dùng, thế thì Ba làm sao mà bảo dân người ta nghe được? Và Ba tôi gợi ý để anh tôi tự tay đốt chiếc áo đó đi. Còn tôi, tôi là con gái, nên Ba tôi nhẹ nhàng hơn. Nhân lúc nằm ngủ trưa với Ba, Ba tôi thấy tôi đeo một chiếc vòng nhựa màu xanh ở cổ tay, cũng là hàng ngoại. Ba cầm tay tôi xem chiếc vòng khen đẹp, nhưng rồi Ba lại nói thêm: “mua chiếc vòng này là con tiếp tế cho địch một viên đạn để bắn lại quân của Ba đây!”. Ông chẳng cần nói gì thêm, coi như chuyện đến đây là chấm dứt, rồi ông quay mặt đi. Mấy phút sau tôi đã nghe thấy tiếng ngáy đều đều của ông, vội tụt xuống giường, ra ngoài bể nước xoa xà phòng cởi vòng ra giấu biến đi. Đến chiều, khi ăn cơm, ông để ý không thấy chiếc vòng trên tay tôi, ông cười rất âu yếm, vuốt mái tóc tôi rồi ôm tôi vào lòng đầy vẻ cảm thông và hài lòng vì tôi đã tự nguyện làm việc đó.
Từ trái sang, hàng ngồi: Hoàng Quốc Việt, Chu Văn Tấn, Hồ Tùng Mậu, Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Hoàng Văn Hoan, Nguyễn Lương Bằng. Hàng đứng: Nguyễn Chánh, Phạm Văn Đồng, Lê Văn Lương, Hồ Việt Thắng, Nguyễn Văn Trân, Nguyễn Khang, Hà Huy Giáp, Tố Hữu. Ảnh do gia đình cung cấp.
Ba tôi là con người rất tình cảm, ông dễ chan hoà với mọi người. Trong ông như có một tình thương vô tận đối với con người, rất chân thành và khoan dung, rất tôn trọng và công bằng, có lẽ chính vì vậy mà ông đã thu hút được cảm tình của nhiều người thuộc các tầng lớp và lứa tuổi khác nhau. Với tác phong giản dị, gần gũi, với tài năng thuyết phục và cái duyên nói chuyện của ông, ông đã giác ngộ được bao người từ bỏ giai cấp của họ đi theo Cách mạng, hy sinh cả gia tài, tiền của, danh vọng, đứng vào cùng hàng ngũ với ông để chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc. Trong số những người này có cả địa chủ, phú nông, có người xuất thân từ dòng họ vua quan, có người là trí thức, có cả những người đã từng là sĩ quan trong quân đội của Pháp. Hồi đó tôi còn bé, nên cũng chẳng hiểu hết được chính sách đoàn kết toàn dân chống ngoại xâm của Đảng, vì vậy mà cũng có lúc tôi băn khoăn không hiểu tại sao Ba Mẹ tôi phải vào tù ra tội, chịu đựng gian khổ để đấu tranh vì quyền lợi của dân nghèo mà lại chơi thân với nhà giàu như các ông Hội viên Sâm, ông Tú Tiên, ông Chánh Lý, ông Hương Kiểm v…v… và mỗi lần Ba tôi đưa quân về đều đóng tại nhà những người này? Tuy băn khoăn nhưng vốn tính lầm lì và dút dát chẳng bao giờ tôi dám hỏi ai. Rồi một hôm, ở trường trung học Việt nam tại Quế lâm Trung quốc trong giờ học sử cô giáo giảng về cách mạng vô sản. Cô nói: “Cách mạng có mục đích xoá bỏ sự bóc lột, đem lại tự do và bình đẳng cho người nghèo. Cách mạng do Đảng cộng sản lãnh đạo đánh đuổi ngoại xâm, tiêu diệt giai cấp bóc lột đem lại đời sống ấm no cho người nghèo v…v…”. Thực ra tôi cũng chẳng hiểu hết những ý nghĩa lớn lao đó, nhưng có điều làm tôi giật mình lo lắng: Vậy tại sao Ba tôi lại chơi thân với những người nhà giàu bóc lột kia? Có phải Ông đã sai lầm nghiêm trọng như vậy? Tôi ôm mối lo lắng trong lòng mà không dám thổ lộ cùng ai, sợ nhỡ ra người ta biết sẽ đánh giá lập trường tư tưởng của Ba tôi. Tôi liên hệ bản thân, nhớ lại hồi bé ở trong quê, tôi cũng chẳng có ý thức gì về giai cấp cả… Mãi về sau này, khi tôi đã trưởng thành, có đủ trình độ nhận thức, phân tích được những hạn chế và ấu trĩ của từng giai đoạn cách mạng trước kia, tôi thầm khâm phục tài năng lãnh đạo của Ba tôi như một nhà hoạt động chính trị: ông đã không bị cái quan điểm giai cấp máy móc kia chi phối một chiều, mà ông biết vận dụng nó một cách linh hoạt, nhuần nhuyễn trong từng trường hợp cụ thể. Ông đã dám tin vào những người đứng ở “phía bên kia”, đã giác ngộ được họ theo cách mạng và họ cũng đã không phụ lòng tin của ông.
Vốn bản tính là con người tình cảm, tình cảm của Ba tôi không đóng khung trong phạm vi những người quen biết hoặc những người cùng quê, mà còn vươn đến một thứ tình cảm lớn lao hơn – đó là tình đồng loại, tình quốc tế. Tôi còn nhớ hồi ông ốm, phải điều trị ở Thanh Đảo, Quảng Châu, Trung Quốc, hàng tuần ông viết thư cho tôi, ông thường kể chuyện về các cô y tá, các bác sĩ Trung Quốc đã tận tình chữa bệnh cho ông như thế nào. Ông gửi ảnh của họ cho tôi và tặng ảnh tôi cho họ. Ông làm những điều này dường như theo sự đòi hỏi bản năng của ông chứ không phải vì ý thức ngoại giao, chính trị. Bao giờ ông cũng muốn những người ông quen thân đồng thời cũng là những người thân của các con ông, bạn bè ông, và ngược lại, bạn bè của họ, người thân của họ đồng thời cũng là người thân của ông. Cái “tình người không biên giới” đó của ông thể hiện ở mọi nơi mà ông đặt chân đến, đi vào lòng từng người mà ông quen, cảm hoá họ, thông qua ông mà họ xích lại gần nhau, và những mắt xích đó cứ thế nối tiếp đến vô tận… Tình cảm quốc tế đó đi vào những suy nghĩ, những ước mơ của ông.
Ông Nguyễn Chánh cùng con trai cả Nguyễn Chí Trực và con gái Nguyễn Tuyết Minh.
Người ta thường quan niện những người cộng sản khô khan, cứng nhắc, sống nặng theo lý trí, tất cả mọi hoạt động đều nhằm đạt đến những mục đích chính trị, là những con người nghiêm khắc, nguyên tắc, có khi còn máy móc nữa. Ba tôi không giống thế, ông rất “con người”, ông yêu thích những gì mà người đời yêu thích. Là một nhà quân sự nhưng ông lại rất thích những hoạt động văn hoá, văn nghệ. Sau khi ông mất, tôi có nhiều lần được gặp bác Lê Duẩn, lần nào cũng kể là Ba tôi rất thích “hát bội” (tức là hát tuồng), hồi ở trong tù ông thường múa côn và hát bội nhưng vì Ba tôi khổ người không được cao lớn lắm nên thường hay đóng vai nữ.
Ông rất thích thơ và cũng làm nhiều bài thơ khá hay, một số bài đã được mẹ tôi thu thập và đăng trong phần Thơ ca cách mạng (tập 38, TTVH Việt Nam, xuất bản năm 2000). Nhưng có một bài thơ mà không ai nhớ, chỉ có tôi vô tình nghe cô Sáu tôi đọc vài lần hồi tôi chỉ mới 8-9 tuổi, và nhớ lõm bõm một số đoạn:
… Đầu ta rơi, đầu khác sẽ thay lên!
Ôi mau mau, cơ hội đã kề bên,
Giờ không thắng, đến bao giờ mới thắng?!
Đường đời dài, đi dần rồi phải ngắn.
Chí ta bền, không nản chí lao long
Cảnh tình nhà – dẹp hết cảnh trông mong,
Sống cho nước hỡi bạn hòng yêu dấu.
Ai chiến đấu? AI người không chiến đấu?
Làm người dân vong quốc mãi sao đang?
Súng cầm tay giết hết quân cướp nước, lũ tham tàn,
Lấy máu tưới cho tươi lên đất Sử,
Lấy máu viết tên mình lên Lịch sử…
… Bạn tiến tới, chúng tôi xin tiến với,
Cả đoàn quân hùng dũng nước non nhà.
Chúng tôi xin đem máu, xương, thịt trộn hoà
Với đất cát để xây nền Độc lập!
Bạn đừng tưởng nước nhà là nguy ngập…
Hồi đó tôi cũng chẳng hiểu hết ý nghĩa của lời lẽ trong thơ, nhưng nhờ có trí nhớ máy móc tốt nên tôi nghe và nhớ được. Bây giờ phân tích ra tôi mới thấy hết được khí phách hào hùng của lời kêu gọi tha thiết từ trái tim ông vừa có tính thuyết phục, vừa có tính triết lý lại vừa sử dụng ngôn từ một cách nghệ thuật. Ông nguyện để cho “đầu rơi”, và “đem máu, xương, thịt trộn hoà với đất cát để xây nền Độc lập”, ông tự xác định là “sống cho nước”, và ông đã làm như vậy. Ngày nay nền Độc lập đã được xây dựng bằng xương máu của bao người con ưu tú của Đất nước, nhưng rất tiếc là ông và biết bao người khác không được sống đến ngày này để được chứng kiến cảnh Đất nước đã được giải phóng, đã được độc lập và tự do – điều mơ ước của ông đã được thực hiện.
Trích lược từ bài viết nhân dịp tưởng niệm 40 năm ngày mất đồng chí Nguyễn Chánh
PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh